Nhiều doanh nghiệp châu Âu muốn vào Việt Nam
Hùng Lê
![]() |
Các doanh nghiệp châu Âu trao đổi trong giờ giải lao của buổi Hội thảo thông tin về thị trường và thực phẩm đồ uống Việt Nam tại TPHCM vào ngày 28-2 -Ảnh: Hùng Lê |
(TBKTSG Online) – Ngày 28-2, khoảng 30 doanh nghiệp châu Âu hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống đã bắt đầu chuyến tìm hiểu và tìm đối tác trong nước để khai thác thị trường Việt Nam.
Theo thông tin từ Mạng lưới kết nối doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EVBN), các doanh nghiệp này đến từ nhiều quốc gia khác nhau thuộc Liên minh châu Âu, bao gồm Ba Lan, Ý, Estonia, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp, Ai-len, Đức, Hungary, Séc,Croatia, Hà Lan, và Lithuania.
Những doanh nghiệp này hoạt động trong các lĩnh vực như đồ hộp, sữa, thịt, bia, rượu vang, bánh kẹo, dầu ô liu, xúc xích, nước khoáng, nước giải khát…
Hầu hết các doanh nghiệp châu Âu tham gia "Chương trình xúc tiến thương mại trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống" (Food and Beverage) từ ngày 28-2 đến ngày 3-3 tại TPHCM và Hà Nội lần này lần đầu tiên đến Việt Nam. Họ sẽ tham dự các buổi hội thảo, trao đổi và tìm hiểu về thị trường Việt Nam cũng như các đối tác tiềm năng.
Tại buổi hội thảo về thị trường thực phẩm đồ uống Việt Nam diễn ra ngày hôm nay, các doanh nghiệp châu Âu đã được cung cấp những thông tin cần thiết khi muốn đầu tư hay tìm kiếm đối tác tại Việt Nam. Họ được thông tin về thị hiếu, xu hướng của người tiêu dùng Việt Nam, những thuận lợi và thách thức của thị trường trong năm năm tới cũng như những khía cạnh pháp lý và văn hóa khi kinh doanh tại Việt Nam.
Các doanh nghiệp châu Âu cũng tham quan thực tế tại các điểm bán lẻ lớn của TPHCM và Hà Nội, tham gia vào khoảng 600 cuộc gặp trực tiếp với các doanh nghiệp Việt Nam (B2B meeting) tại hai thành phố này.
Để chuẩn bị cho Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực trong năm 2018, các doanh nghiệp châu Âu đang muốn gia tăng sự hiện diện trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là hai mảng kinh doanh thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam.
Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp châu Âu. FTA giữa EU và Việt Nam được ký kết sẽ giúp cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống tiếp cận thị trường dễ dàng hơn so với hiện nay. Đây là lần thứ ba EVBN tổ chức chương trình này ở Việt Nam cho doanh nghiệp châu Âu.
Ông Jakub Krawczak, đại diện của Công ty Van Pur SA, công ty sản xuất bia và thức uống không cồn của Ba Lan, cho biết đây là lần đầu tiên công ty ông đến Việt Nam tìm hiểu thị trường và tìm kiếm đối tác. Ông nhận thấy Việt Nam có nhiều tiềm năng để kinh doanh nhờ kinh tế phát triển tốt và giới trẻ chiếm đa số để tiêu thụ sản phẩm của công ty ông.
Mới đây (tháng 11-2016), một đoàn gồm hơn 40 doanh nghiệp thực phẩm đồ uống châu Âu cũng đã tới Việt Nam gặp gỡ các nhà bán lẻ, doanh nghiệp tại Việt Nam. Thực phẩm và đồ uống Việt Nam là lĩnh vực thu hút sự chú ý của các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là doanh nghiệp châu Âu.
Giới phân tích cho rằng, trong bối cảnh người tiêu dùng trong nước lo ngại thực phẩm và thức uống kém an toàn, nhiều doanh nghiệp nước ngoài coi đây là cơ hội đầu tư, kinh doanh. Đến nay, đã có khoảng 100 nhà xuất khẩu thuộc các nước EU được cấp phép xuất khẩu thịt vào Việt Nam. Tuy nhiên, về giá cả sản phẩm châu Âu bán ở Việt Nam vẫn còn cao do chi phí vận chuyển và thuế nhập khẩu cao.
Hiện nay, 50% thị phần đồ uống Việt Nam đang nằm trong tay các doanh nghiệp ngoại. Các nhà cung ứng châu Âu cũng muốn gia tăng thêm sự hiện diện của mình, thông qua hệ thống bán lẻ nội địa.
Hiệp định thương mại song phương Việt Nam – EU (EVFTA) đã ký kết vào cuối năm 2015, dự kiến có hiệu lực vào năm 2018. Khi đó, Việt Nam sẽ gỡ bỏ hầu hết các loại thuế cho hàng hóa của EU vào Việt Nam, trong đó có thực phẩm, đồ uống và phi thực phẩm. Khả năng sản phẩm từ châu Âu sẽ có giá rất cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường trong nước.
Năm 2015, kim ngạch thương mại Việt Nam–EU đạt trên 38,4 tỉ euro, trong đó giá trị nhập khẩu vào EU đạt 29,9 tỉ euro, giá trị xuất khẩu sang Việt Nam đạt 8,4 tỉ euro.
Mời đọc thêm: