Thứ Ba, 16/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đến dự án BOT sân bay Nà Sản

Lan Nhi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online)- UBND tỉnh Sơn La để nghị Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận về chủ trương đầu tư dự án cảng hàng không Nà Sản theo hình thức đối tác công – tư (PPP) để dự án sân bay vùng Tây Bắc nhanh chóng được khởi động và cho biết hiện  đã có một số doanh nghiệp quan tâm nghiên cứu đầu tư dự án này.

Ông Hoàng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đã có văn bản gửi Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải báo cáo, tỉnh đã có các cuộc làm vệc với các bộ, ngành trung ương và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV). Theo đó, dự án cảng hàng không Nà Sản đã được sự ủng hộ của cac bộ, ngành liên quan từ năm 2018 và Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất tỉnh nghiên cứu hình thức đầu tư PPP để Thủ tướng xem xét, quyết định.

Sau sân bay Điện Biên (ảnh), có nhiều doanh nghiệp quan tâm đến việc đầu tư PPP vào sân bay Nà Sản. Ảnh: BB

Hiện tại khu vực thực hiện cảng hàng không Nà Sản đã được cắm mốc giới theo quy hoạch chi tiết được duyệt, đã cập nhật vào nhiệm vụ quy hoạch tỉnh Sơn La đến 2030, tầm nhìn đến 2050. Tỉnh này sẽ ưu tiên dùng nguồn lực của địa phương để thực hiện giải phóng mặt bằng và kêu gọi đầu tư. Hai doanh nghiệp là Công ty cổ phần Him Lam thủ đô và Công ty cổ phần tập đoàn FLC … đã quan tâm nghiên cứu đầu tư dự án theo hình thức hợp đồng xây dựng- kinh doanh- chuyển giao (BOT).

Theo quy hoạch được duyệt thì cảng hàng không Nà Sản có quy mô là Cảng hàng không nội địa cấp 4c và sân bay quân sự cấp 1 (dùng chung). Công suất đến 2030 đạt 1,5 triệu hành khách/năm và diện tích quy hoạch 498,67 héc ta. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 2000 tỉ đồng, trong đó vốn Nhà nước 300 tỉ đồng để thúc đẩy đầu tư và giải phóng mặt bằng.

Vì đây là sân bay nằm trong mạng sân bay chính của khu vực Tây Bắc, đồng thời là sân bay chính trong mạng sân bay quân sự quốc gia nên tỉnh Sơn La đề nghị Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận chủ trương đầu tư dự án theo hình thức BOT và giao cho UBND tỉnh Sơn La làm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để triển khai thực hiện dự án.

Như vậy, trong thời điểm sân bay Điện Biên hiện đang được mở rộng, nânhg cấp, sân bay Sapa cũng đã được phê duyệt vào quy hoạch cộng với sân bay Nà Sản nếu được thông qua chủ trương xây dựng sớm trong giai đoạn từ nay đến 2030 thì khu vực Tây Bắc sẽ có đến 3 sân bay quốc nội.

Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã từng có ý định loại sân bay Nà Sản ra khỏi Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay  toàn quốc thời kỳ 2021-2030, định hướng đến 2050 khi tổ chức lấy ý kiến rà soát quy hoạch. Tuy nhiên, cử tri tỉnh Sơn La, thông qua đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh này hồi tháng 4-2021 đã gửi kiến nghị đến bộ yêu cầu giữ lại dự án trong quy hoạch.

Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam, tư vấn rà soát lại số liệu dự báo của các loại hình giao thông (đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng không) phân bổ khu vực các tỉnh Tây Bắc, đồng thời đối chiếu với các tiêu chí quy hoạch cảng hàng không và quyết định giữ lại cả cảng hàng không Nà Sản, cảng hàng không Lai Châu trong giai đoạn đến năm 2030 với lý do đây là các cảng này không chỉ đóng vai trò đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách, hàng hoá thông thường mà còn có vai trò quan trọng về quốc phòng an ninh, khẩn nguy cứu trợ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới