Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhiều doanh nghiệp nhắm đến Myanmar

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhiều doanh nghiệp nhắm đến Myanmar

Hoàng Phi

Nhiều doanh nghiệp nhắm đến Myanmar
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện thâm nhập thị trường Myanmar qua kênh phân phối của C.T Group. Ảnh: Hoàng Phi

(TBKTSG Online) – Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang hướng đến thị trường Myanmar để vừa tìm cơ hội trong một thị trường mới nổi đồng thời thoát khỏi những khó khăn của thị trường trong nước.

Giới bất động sản ở Việt Nam đang đẩy mạnh đầu tư vào thị trường này khi nhận thấy nguồn cung còn rất thiếu trong khi nhu cầu thì rất lớn, dẫn đến giá thuê văn phòng và các căn hộ dịch vụ tăng gấp ba lần trong năm nay so với năm 2012.

Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đang chuẩn bị cho dự án khu phức hợp ở cố đô Yangon trị giá 300 triệu đô la Mỹ, trong khi đó C.T Group cũng đang hoàn tất các thủ tục pháp lý để có thể khởi công hai dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 150 triệu đô la Mỹ.

Theo ông Trần Kim Chung, Chủ tịch C.T Group, tập đoàn này đã xây dựng được hệ thống phân phối một cách vững chắc ở thị trường Myanmar nhằm đón đầu một sự đổ bộ ồ ạt của hàng hóa nước ngoài sẽ tràn đến.

Tập đoàn này cũng đang làm nhà phân phối độc quyền cho hơn 50 doanh nghiệp Việt Nam ở nước này, và tin rằng hàng Việt Nam bán rất chạy.

Sau khi Myanmar thông qua Luật đầu tư nước ngoài mới, giới chuyên gia nhận định các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đổ về thị trường này, trong đó đã có rất nhiều đoàn doanh nghiệp Việt Nam đến khảo sát thị trường.

Tuy nhiên, việc thiếu một nền tảng pháp lý, cơ sở hạ tầng yếu kém, cùng với mức độ sẵn sàng của người dân và giới doanh nghiệp đang được coi là những thách thức không nhỏ đối với giới đầu tư.

“Nhưng đây sẽ là một cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam, vốn đã quen với một môi trường kinh doanh rủi ro từ các chính sách dễ thay đổi”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2012, các doanh nghiệp trong nước đã đầu tư ra nước ngoài với tổng số vốn khoảng 1,2 tỉ đô la Mỹ, trong đó thị trường Myanmar là không đáng kể.

Tuy nhiên, với những động thái từ đầu năm nay, Myanmar được kỳ vọng sẽ là một thị trường hấp dẫn đầu tư của các doanh nghiệp trong nước trong năm 2013.

Những thuận lợi được một số chuyên gia và doanh nghiệp nhận định là đất nước này có những nét văn hóa tương đồng, vị trí địa lý thuận lợi cùng với những cảm tình mà người dân nước này dành cho Việt Nam.

Vì thế, giới doanh nghiệp Việt Nam có thể cạnh tranh một cách sòng phẳng với các nhà đầu tư quốc tế trong các lĩnh vực như hàng tiêu dùng, trang thiết bị máy móc, vật liệu xây dựng, trao đổi nông sản phẩm, xây dựng cơ sở hạ tầng…

Hiện tại, ngoài một số dự án của Hoàng Anh Gia Lai và C.T Group, các doanh nghiệp như Tập đoàn dầu khí Việt Nam, Tập đoàn viễn thông Vietel cùng một số công ty như Hoa Sen, FPT… cũng đang ráo riết triển khai các dự án của mình ở đây.

Theo nhận định của ông Chung của C.T Group, Myanmar hiện tại tương tự như Việt Nam vào đầu năm 1985 với một mức sống rất thấp và đang ở trong giai đoạn đầu của các cải tổ kinh tế thị trường.

“So sánh về môi trường đầu tư giữa Việt Nam và Myanmar hiện tại, tôi cho rằng môi trường nào cũng mở ra nhiều cơ hội và mang đến những thách thức lớn, đòi hỏi các doanh nghiệp phải tỉnh táo và thận trọng trong bài toán đầu tư”, ông Chung cho biết.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới