Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhiều doanh nghiệp niêm yết báo lãi quí 3 vượt kỳ vọng

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Theo báo cáo chiến lược tháng 11 của Công ty chứng khoán VNDirect, tính đến ngày 3-11, đã có khoảng 717 công ty niêm yết trên cả ba sàn (chiếm 86% giá trị vốn hóa) báo cáo kết quả kinh doanh. Theo đó, lợi nhuận ròng trong quí 3 vẫn tăng trưởng dù trong quí vừa qua, các biện pháp giãn cách xã hội đã ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế.

Ước tính tổng lợi nhuận của các công ty niêm yết trên ba sàn chứng khoán (HOSE, HNX, UPCOM) trong quí 3 tăng 17,8% so với cùng kỳ. Dù thấp hơn nhiều so với con số 72,3% trong quí 2 và 92% trong quí 1 trước đó, nhưng mức tăng trưởng này vẫn được các chuyên gia đánh giá là “vượt kỳ vọng”.

Tăng trưởng mạnh đáng chú ý trong nhóm này là các doanh nghiệp dịch vụ tài chính (chủ yếu là công ty chứng khoán), với mức tăng lên đến gần 120% so với cùng kỳ, trong bối cảnh thị tường chứng khoán có sự tăng mạnh cả về điểm số và thanh khoản.

Riêng ngành ngân hàng, lợi nhuận chung trong quí 3 giảm tốc đáng kể, với mức tăng 13,1% (trong quí 1 và quí 2 lần lượt là 79% và 34,3%), do tín dụng chậm lại và trích lập dự phòng tăng.

Ngành bất động sản lợi nhuận chỉ tăng 6%, thấp hơn đáng kể so với con số 96% trong quí 2 và con số 18% cùng kỳ. Còn các doanh nghiệp thép hưởng lợi từ sản lượng và giá bán bình quân cao hơn, ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận 17,2% trong quí 3.

Theo đánh giá của Công ty chứng khoán SSI, tăng trưởng lợi nhuận có sự phân hóa khi ghi nhận chậm lại rõ rệt ở các ngành liên quan đến cầu tiêu dùng nội địa như bán lẻ, bia, ô tô, xe máy, dầu khí và ngân hàng, trong khi đó một số ngành lại được hưởng lợi từ giá hàng hóa vẫn ghi nhận mức tăng trưởng mạnh như sắt thép, đường, phân bón, hóa chất.

Một điểm đáng chú ý khác là các doanh nghiệp có mức vốn hóa lớn thì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trong quí 3 lại cao hơn mặt bằng chung. Cụ thể, lợi nhuận ròng quí 3 của các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE tăng 22,6%, cao hơn mức 17% trung bình cả ba sàn chứng khoán, còn mức tăng trưởng của nhóm doanh nghiệp có mức vốn hóa trung bình và nhỏ lần lượt tương ứng là 12,2% và 24%.

Riêng lợi nhuận của nhóm VN30 (30 công ty có vốn hóa lớn nhất thị trường) tăng trưởng 21,3%. Trong đó có 14 doanh nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận mạnh như POW nhờ giá dầu tăng, HPG hưởng lợi từ giá thép bình quân  và VHM (84,3%), ngân hàng TPB và TCB cũng ghi nhận mức tăng trưởng cao.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có mức tăng trưởng dương trong quí 3. Ở chiều ngược lại, lợi nhuận của PNJ giảm 178% so với cùng kỳ, VIC giảm 123% trong khi VRE giảm 96%, PLX giảm 91%, vì ảnh hưởng bởi giãn cách xã hội trong quí 3 vừa qua.

Theo báo cáo chiến lược tháng 11 của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC), ước tính trong 9 tháng đầu năm, đóng góp nhiều nhất vào mức tăng mạnh lợi nhuận sau thuế (sau khi trừ lợi ích cổ đông thiểu số) là nhóm ngành tài chính và vật liệu xây dựng, tiếp theo là dầu khí và bất động sản.

Nhìn chung, đánh giá về con số lợi nhuận, bộ phận phân tích của các công ty chứng khoán đều cho rằng kết quả kinh doanh tốt hơn nhiều so với dự báo tiêu cực trước đó. VCSC cho biết có khả năng sẽ điều chỉnh tăng dự báo lợi nhuận nói chung sau khi kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới