Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhiều doanh nghiệp ‘tay ngang’ lỗ chứng khoán lớn trong quý 2

Linh Trang

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Thị trường chứng khoán (TTCK) có những đặc thù riêng với nhiều biến động mạnh và khó lường. Do đó, kiếm lời từ kênh đầu tư này chưa bao giờ là dễ dàng, nhất là đối với các doanh nghiệp “tay ngang”.

Việc thị trường đảo chiều xu hướng trong sáu tháng đầu năm nay đã khiến kết quả kinh doanh của Nhà Đà Nẵng sụt gảm mạnh.

Lỗ, từ các công ty chứng khoán

Hiện nay, đã có nhiều doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính quí 2-2022. Bên cạnh các doanh nghiệp báo lãi lớn, tăng trưởng cao, cũng có nhiều doanh nghiệp đành “ngậm ngùi” ôm lỗ lớn trong quí này.

Do đặc thù ngành nghề nên trong danh sách lỗ tính đến thời điểm này có tới tám công ty chứng khoán. Trong đó, lỗ lớn nhất là Chứng khoán APEC (APS) khi ôm khoản lỗ trước thuế trong quí 2 là 442 tỉ đồng; tiếp đến là các công ty khác như Chứng khoán SHS (lỗ 372 tỉ đồng); Chứng khoán Rồng Việt (lỗ 268 tỉ đồng); Chứng khoán ACB (lỗ 191 tỉ đồng); Chứng khoán Tiên Phong (lỗ 161 tỉ đồng)…

Trong quí vừa qua, sự biến động mạnh của TTCK do ảnh hưởng tiêu cực từ các tin tức trên thế giới và trong nước đã khiến hoạt động tự doanh của hầu hết các công ty chứng khoán bị ảnh hưởng do phải đánh giá lại các khoản đầu tư tài chính.

Đến các công ty “tay ngang”

Ngoài các công ty chứng khoán thì điều đáng chú ý là cũng có rất nhiều công ty “tay ngang” mang tiền đi đầu tư chứng khoán nhưng lại kém hiệu quả.

Licogi 14 (L14) và Nhà Đà Nẵng (NDN) dù được biết tới là hai công ty bất động sản, nhưng đã chi khá mạnh tiền cho đầu tư chứng khoán. Khi thị trường tốt trong năm 2021, cả Licogi và Nhà Đà Nẵng đều thu về mức lãi tốt. Tuy nhiên, việc thị trường đảo chiều xu hướng trong sáu tháng đầu năm nay đã khiến kết quả kinh doanh của các công ty này sụt giảm mạnh.

Có khá nhiều doanh nghiệp “tay ngang” tạm thời mang tiền nhàn rỗi đi đầu tư với mục tiêu kiếm lời ngắn hạn nhưng cũng có không ít cái tên gần như chấp nhận rời xa lĩnh vực cốt lõi để rẽ hẳn sang hướng đầu tư tài chính. Tuy nhiên, kiếm lời từ kênh đầu tư này chưa bao giờ là dễ dàng…

Cụ thể, Nhà Đà Nẵng vừa công bố báo cáo tài chính riêng quí 2-2022 với doanh thu chỉ đạt 1 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ ghi nhận hơn 184 tỉ đồng. Khấu trừ giá vốn, Nhà Đà Nẵng chỉ lãi vỏn vẹn 679 triệu đồng từ hoạt động cốt lõi, giảm mạnh so với quí 2-2021. Trong khi đó, ở hoạt động tài chính, Nhà Đà Nẵng phải trích lập dự phòng cho danh mục đầu tư chứng khoán khiến chi phí tài chính tăng đột biến. Nhà Đà Nẵng theo đó lỗ nặng hơn 114 tỉ đồng trong quí 2 năm nay (cùng kỳ lãi đến 85 tỉ đồng). Tính đến thời điểm 30-6, tổng giá trị đầu tư của Nhà Đà Nẵng là 310 tỉ đồng, công ty đang dự phòng hơn 90% cho danh mục trên. Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn phải kể đến mã SHS của Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (124 tỉ đồng), VHM của Vinhomes (gần 89 tỉ đồng), TCB của Techcombank (59 tỉ đồng)… Năm 2022, Nhà Đà Nẵng đặt kế hoạch tổng doanh thu 358,8 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 107,3 tỉ đồng. Như vậy, sau nửa đầu năm công ty vẫn còn cách xa kế hoạch.

Một “điển hình” khác là Licogi 14. Hoạt động tài chính của Licogi 14 trong quí 2 chỉ mang về doanh thu hơn 7 tỉ đồng nhưng khoản mục chi phí tài chính lại lên tới hơn 402 tỉ đồng. Như vậy, riêng mảng tài chính đã khiến Licogi 14 lỗ gộp hơn 390 tỉ đồng. Kết quả, Licogi 14 lỗ trước thuế 367 tỉ đồng trong quí 2; lũy kế nửa đầu năm 2022, lỗ trước thuế 227 tỉ đồng. Năm 2022, Licogi 14 đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất đạt 569 tỉ đồng, trong đó doanh thu tài chính đóng góp phần lớn với 274 tỉ đồng. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế dự kiến 254 tỉ đồng, giảm gần 32% so với thực hiện năm ngoái. Có thể thấy việc hoàn thành kế hoạch được giao của Licogi 14 đang dần trở nên khó khăn hơn trong bối cảnh hoạt động tài chính của doanh nghiệp có dấu hiệu đi xuống. Tính đến cuối quí 2-2022, tổng tài sản của Licogi 14 đạt hơn 793 tỉ đồng, giảm gần 370 tỉ đồng so với đầu năm, chủ yếu do giảm khoản mục đầu tư tài chính ngắn hạn. Thời điểm 30-6, khoản mục đầu tư tài chính ngắn hạn của Licogi 14 đạt gần 421 tỉ đồng, chiếm 53% tổng tài sản. Trong đó chứng khoán kinh doanh ghi nhận 689 tỉ đồng, tăng gần 203 tỉ đồng so với đầu năm nhưng đã giảm hơn 10 tỉ đồng so với thời điểm cuối quí 1. Công ty không có thuyết minh cụ thể tại thời điểm 30-6 tuy nhiên không loại trừ khả năng danh mục đầu tư của Licogi 14 vẫn có hai cổ phiếu “đình đám” là CEO của CEO Group và DIG của DIC Corp. Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 cho thấy Licogi 14 tạm ghi lãi 239 tỉ đồng với CEO và 91 tỉ đồng với DIG thời điểm 31-12-2021. Tuy nhiên, nếu vẫn nắm giữ đến thời điểm hiện tại, hai khoản đầu tư trên đảo chiều lỗ cũng không quá bất ngờ khi chỉ riêng trong quí 2, hai cổ phiếu trên có mức giảm lên tới 60%.

Tương tự, dù chỉ là “nghề tay trái” theo đúng nghĩa, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (mã VHC) cũng tạm lỗ gần 63 tỉ đồng từ đầu tư chứng khoán tại thời điểm 30-6-2022. “Nữ hoàng cá tra” đã liên tục tăng giá trị danh mục đầu tư chứng khoán từ mức 80 tỉ đồng hồi đầu năm lên mức 145 tỉ đồng vào cuối quí 1-2022 và gần 200 tỉ đồng vào cuối quí 2-2022. Trong quí vừa qua, Vĩnh Hoàn đã rót 40 tỉ đồng mua mới cổ phiếu KBC của Công ty cổ phần Đô thị Kinh Bắc và tạm lỗ 17,7 tỉ đồng tính đến ngày 30-6. Vĩnh Hoàn cũng tăng mạnh khoản đầu tư vào cổ phiếu NLG của Nam Long từ 24 tỉ đồng lên 69 tỉ đồng, qua đó tạm lỗ gần 24 tỉ đồng, trong khi tiếp tục duy trì khoản đầu tư 53,2 tỉ đồng vào cổ phiếu DXS của Đất Xanh Services và cũng tạm lỗ 35,5 tỉ đồng. Tuy nhiên, lĩnh vực kinh doanh chính là cá tra và các sản phẩm từ cá tra khởi sắc đã giúp Vĩnh Hoàn tạm quên đi khoản lỗ từ đầu tư chứng khoán. Sản lượng và giá bán đều tăng đẩy doanh thu tăng 80% và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ gấp ba lần, lên mức 784 tỉ đồng. Đây là mức lãi cao nhất tính theo quí của Vĩnh Hoàn kể từ khi niêm yết.

Có thể thấy, việc TTCK đi lên mạnh trong hơn hai năm qua đã khiến nhiều doanh nghiệp (không chỉ có tự doanh công ty chứng khoán) hứng thú với việc đầu tư cổ phiếu. Trong số này, có khá nhiều doanh nghiệp “tay ngang” tạm thời mang tiền nhàn rỗi đi đầu tư với mục tiêu kiếm lời ngắn hạn nhưng cũng có không ít cái tên gần như chấp nhận rời xa lĩnh vực cốt lõi để rẽ hẳn sang hướng đầu tư tài chính. Tuy nhiên, TTCK có những đặc thù riêng với nhiều biến động mạnh và khó lường. Do đó, kiếm lời từ kênh đầu tư này chưa bao giờ là dễ dàng, nhất là đối với các doanh nghiệp “tay ngang”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới