Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc muốn đầu tư tại Việt Nam

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc muốn đầu tư tại Việt Nam

P.V

Ngày 25-4, nhân chuyến thăm Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và gặp gỡ đối thoại với các doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, năng lượng, tài chính – công nghệ – viễn thông.

Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc muốn đầu tư tại Việt Nam
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 25-4. Ảnh: TTXVN

Theo tường thuật của TTXVN, tại cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các doanh nghiệp Trung Quốc cho rằng, sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam là cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư Trung Quốc, nhất là lĩnh vực cơ sở hạ tầng, năng lượng, công nghệ, viễn thông, tài chính ngân hàng… 

Đây đều là những doanh nghiệp lớn, thuộc các lĩnh vực đường sắt, xây dựng, khu công nghiệp, sản xuất điện và thiết bị điện, bảo hiểm, viễn thông, công nghệ với một số thương hiệu lớn như Alibaba, Huawei, ZTE, Tập đoàn xây dựng đường sắt Trung Quốc, Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương, Tập đoàn xây dựng năng lượng Trung Quốc, Ngân hàng phát triển Trung Quốc, Tập đoàn bảo hiểm Bình An… Trong số này có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn đã đầu tư ở Việt Nam.

Lãnh đạo các tập đoàn bày tỏ mong muốn đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng năng lượng, điện gió, điện mặt trời, y tế thông minh, nông nghiệp thông minh.

Các doanh nghiệp công nghệ, viễn thông bày tỏ ấn tượng về sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông tại Việt Nam; nhất là đánh giá cao chủ trương của Chính phủ Việt Nam ứng dụng và phát triển mạnh mẽ kinh tế số, cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ 5G vào phát triển kinh tế xã hội. Các doanh nghiệp viễn thông Trung Quốc mong muốn được góp phần vào tiến trình thực hiện chủ trương này của Việt Nam.

Trao đổi với các doanh nghiệp Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các tập đoàn của Trung Quốc quan tâm đến Việt Nam và cho biết Việt Nam đang có nhu cầu lớn về phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng, công nghệ, tài chính ngân hàng. 

Thủ tướng cho biết Việt Nam và Trung Quốc là những thị trường lớn, quan trọng của nhau. Với việc hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của các nhà đầu tư trên toàn cầu. Hiện nay đã có trên 350 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài từ 130 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 28 nghìn dự án.

Thủ tướng đánh giá cao các nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư các dự án chất lượng, hiệu quả tại Việt Nam; đồng thời cũng chỉ rõ một số doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam nhưng triển khai chậm, trong đó có một số dự án trong lĩnh vực sản xuất thép, xây dựng đường sắt.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Việt Nam cần nhiều nguồn lực để phát triển, gồm cả nguồn lực tư nhân, các doanh nghiệp trong và ngoài nước với phương thức hợp tác công-tư và các hình thức đầu tư khác; trong đó có các dự án trong khuôn khổ kết nối “hai hành lang, một vành đai” với “Vành đai và Con đường”. Đây chính là cơ hội cho các dự án đầu tư tốt của Trung Quốc vào Việt Nam.

Thủ tướng cam kết chính phủ Việt Nam tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài nói chung, các doanh nghiệp Trung Quốc nói riêng, nhất là các doanh nghiệp có thực lực tài chính và công nghệ tới Việt Nam đầu tư, hợp tác cùng có lợi.

Theo đặc phái viên TTXVN, tại cuộc hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự phát triển tích cực của quan hệ hai Đảng, hai nước thời gian qua; khẳng định Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; luôn coi trọng thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững, lâu dài; hoan nghênh và ủng hộ sáng kiến “Vành đai và Con đường” bảo đảm các nguyên tắc hợp tác hòa bình, bình đẳng và cùng có lợi, tôn trọng lẫn nhau, phù hợp với luật pháp quốc tế, hướng đến mục tiêu đóng góp cho sự phát triển và thịnh vượng chung của tất cả các nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao hợp tác giữa hai bên về mở cửa thị trường hướng tới cân bằng thương mại song phương; hoan nghênh Trung Quốc triển khai các dự án lớn, công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, đại diện cho trình độ phát triển của Trung Quốc tại Việt Nam; đề nghị hai bên tăng cường hợp tác quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong và các dòng sông chung; gia hạn Thỏa thuận đường dây nóng nghề cá trên biển; hợp tác giám sát an toàn hạt nhân; tiếp tục phối hợp thực hiện tốt 3 văn kiện biên giới trên đất liền Việt – Trung.

Về vấn đề trên biển, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hai bên tiếp tục tuân thủ nhận thức chung và thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc”; kiên trì giải quyết vấn đề trên biển bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế; đạt tiến triển về phân định ở khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ vào năm 2020; thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC); tích cực thúc đẩy đàm phán để xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) thực chất, có hiệu lực để duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh Đảng, Nhà nước Trung Quốc coi trọng quan hệ với Việt Nam, nhất trí cùng Việt Nam kiểm soát tốt bất đồng, thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung – Việt phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới