Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhiều dự án của Keangnam ở nước ngoài có nguy cơ đổ vỡ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhiều dự án của Keangnam ở nước ngoài có nguy cơ đổ vỡ

Thái Bình

Nhiều dự án của Keangnam ở nước ngoài có nguy cơ đổ vỡ
Keangnam Hanoi Landmark Tower – một dự án của tập đoàn Keangnam ở Việt Nam. Ảnh internet

(TBKTSG Online) – Hàng loạt dự án do tập đoàn Keangnam Enterprises đầu tư tại Việt Nam, Sri Lanka, Ethiopia và Algeria có nguy cơ “sụp đổ” sau khi tập đoàn này bị hủy niêm yết tại thị trường chứng khoán Hàn Quốc do số thua lỗ đã lớn hơn số vốn, báo Korea Times cho biết.

Keangnam Enterprises là công ty xây dựng hạng trung của Hàn Quốc nhưng là tâm điểm của vụ điều tra hối lộ-tham nhũng đang diễn ra, dính dáng tới cả Thủ tướng Lee Wan-koo và một số trợ lý cao cấp của Tổng thống Park Geun-hye.

Chủ tịch tập đoàn Keangnam, ông Sung Woan-jong đã tự sát vào thứ Năm tuần trước, để lại một cuốn sổ ghi chép những vụ hối lộ, người nhận và số tiền hối lộ mà hiện nay các cơ quan pháp luật của Hàn Quốc đang điều tra.
Theo thông tin trên trang web của Keangnam Enterprises, công ty đang đầu tư một dự án thoát nước ở thành phố Việt Trì với số vốn 29,1 tỉ won; một dự án đô thị “Keells City” ở Colombo, Sri Lanka với số vốn 134,8 tỉ won.

Ông Kim Jin-baek – một phát ngôn viên của Keangnam – cho báo Korea Times biết, ngoài các dự án này, công ty còn thực hiện nhiều dự án ở 4 quốc gia khác nhưng không nói rõ chi tiết.

Ở Việt Nam, Keangnam đã hoàn thành và đang quản lý dự án tòa tháp căn hộ Keangnam Hanoi Landmark Tower gồm 2 chung cư 50 tầng và một tòa tháp 72 tầng ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Những ngân hàng cung cấp tín dụng cho Keangnam – gồm Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc, Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc, Tập đoàn bảo hiểm thương mại Hàn Quốc và Ngân hàng Shinhan – nói rằng họ vẫn chưa xác định làm thế nào để xử lý các dự án của Keangnam ở nước ngoài và chờ đợi phán quyết của tòa án Hàn Quốc. Nếu không có nhà đầu tư mua lại hoặc rót vốn mới vào công ty, tòa án sẽ phải tuyên bố Keangnam bị phá sản.

Ngoài vụ điều tra tham nhũng ở Hàn Quốc, trong lúc này Keangnam còn phải đối diện với một vụ kiện ở Madagascar. Theo Sở Giám sát tài chính (FSS) Keangnam đang bị một công ty xây dựng ở châu Phi kiện, đòi bồi thường 110 tỉ won cho những thiệt hại gây ra từ sự chậm trễ trong hợp đồng xây dựng một nhà máy điện.

Thành lập năm 1951, Keangnam trở thành công ty đại chúng từ tháng 2-1973 và niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán Seoul. Nhưng từ hôm qua thứ Tư 15-4, cổ phiếu của Keangnam đã bị hủy niêm yết (delist) do số thua lỗ đã vượt quá vốn cổ phần của công ty.

Theo báo cáo tài chính, năm 2013 Công ty Keangnam thua lỗ 310,9 tỉ won, và năm ngoái lỗ 408,4 tỉ won. Giá cổ phiếu của công ty đã rơi thảm hại, từ mức 225.000 won/cổ phiếu năm 1994 xuống 4.800 won/cổ phiếu cuối năm ngoái và 113 won/cổ phiếu hôm thứ Ba 14-4.

Khi cổ phiếu của Keangnam bị hủy niêm yết, các ngân hàng là cổ đông lớn của tập đoàn này bị thiệt hại nặng; Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc – nắm giữ 10,9% cổ phần của tập đoàn – bị mất khoản 20 tỉ won; Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc và Ngân hàng Shinhan mất khoảng 12 tỉ won mỗi đơn vị, theo ước tính của báo Korea Times.

(Theo Korea Times)

Đọc thêm:

– Hàn Quốc: điều tra tham nhũng dẫn tới… dinh tổng thống

– Hàn Quốc rúng động vì nhiều tập đoàn bị điều tra

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới