Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhiều dự án thép lớn tiếp tục đình trệ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhiều dự án thép lớn tiếp tục đình trệ

Ngọc Lan

Nhiều dự án thép lớn tiếp tục đình trệ
Các dự án đầu tư thép lớn tiếp tục gặp khó khăn trong khi tình hình sản xuất thép trong nước hiện có vẫn dư thừa năng lực. Ảnh:TL

(TBKTSG Online) – Năng lực của chủ đầu tư, năng lực của chủ thầu và nhiều vấn đề khác nữa khiến những dự án thép quy mô lớn đang đầu tư dang dở hiện nay gặp thêm khó khăn và tiếp tục đình trệ.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công thương về tình hình đầu tư các dự án thép lớn, hiện tại có 6 dự án thép đang tiếp tục gặp những khó khăn trong việc triển khai, khiến cho việc chậm trễ xảy ra từ nhiều năm nay tiếp tục chậm hơn nữa.

Trong số này phải kể đến dự án khai thác mỏ quặng sắt Thạch Khê (công suất 10 triệu tấn/năm). Sau khi Chính phủ yêu cầu 4 doanh nghiệp nhà nước lớn rút vốn ra khỏi dự án này vì không có vốn thực góp, giao lại cho Tập đoàn công nghiệp than và khoáng sản (TKV) cùng Tổng công ty thương mại Hà Tĩnh giữ vai trò là các cổ đông chính, dự án mới hoàn thành thiết kế kỹ thuật tổng dự toán để làm tiến độ triển khai xây dựng.

Tuy nhiên, Bộ Công thương nhận định rằng tiến độ dự án này chậm vì năng lực của chủ đầu tư và tư vấn chưa đạt yêu cầu. Nguyên nhân quan trọng khác là tiến độ góp vốn của các cổ đông (vốn điều lệ 2.400 tỉ đồng/10.398 tỉ đồng tổng mức đầu tư) đến nay mới chỉ thực đóng được vài trăm tỉ.

Một dự án khác gặp khó vì năng lực của nhà thầu Trung Quốc và các nhà thầu phụ Việt Nam là dự án cải tạo nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 (công suất 500.000 tấn phôi thép/năm, tổng mức đầu tư 3.843 tỉ đồng). Mục tiêu của dự án là hoàn thành lắp đặt và đi vào hoạt động từ cuối năm nay nhưng tiến độ hiện rất chậm vì vướng mắc năng lực nhà thầu và chủ đầu tư dự án phải đôn đốc quyết liệt để việc tiến hành lắp đặt thiết bị xưởng luyện gang được diễn ra theo kế hoạch.

Dự án thép tấm cán nóng miền Nam (công suất 2 triệu tấn thép tấm cán nóng/năm, tổng mức đầu tư 10.276 tỉ đồng) cũng chưa biết có thể khởi công trong năm 2011 theo kế hoạch được không do thu xếp vốn chậm.

Hai dự án có vốn đầu tư nước ngoài là Nhà máy thép liên hợp Hà Tĩnh (công suất 4,5 triệu tấn/năm, tổng mức đầu tư 5 tỉ đô la Mỹ) thì hiện chủ đầu tư là Tập đoàn Tata (Ấn Độ) và liên doanh Việt Nam đang làm việc với tỉnh để cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án, song hiện vẫn chưa đạt được thỏa thuận về kinh phí giải phóng mặt bằng và một số vấn đề khác.

Riêng dự án Nhà máy thép Guang Lian Dung Quất (công suất điều chỉnh từ 5 triệu tấn thép/năm lên 7 triệu tấn thép/năm, vốn điều chỉnh từ 3 tỉ đô la lên 4,5 tỉ đô la), UBND tỉnh Quảng Ngãi hiện vẫn chưa chấp nhận cấp giấy chứng nhận điều chỉnh vì chưa có những tín hiệu cho thấy năng lực tài chính của chủ đầu tư (E- United, Đài Loan).

Cũng vì e ngại năng lực tài chính của chủ đầu tư sau khi cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh lần 4 (18/7/2008) và đến nay triển khai thi công rất ít nên tỉnh Quảng Ngãi cũng chưa phê duyệt việc cấp đất bổ sung (478 héc ta lên 502 héc ta).

Chưa cần đến các dự án đầu tư có quy mô lớn nói trên đi vào sản xuất, năng lực tiêu thụ thép của Việt Nam hiện nay mới chỉ bằng 50% đến 60% năng lực sản xuất hiện có.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới