Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhiều giải pháp khắc phục thiếu điện

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhiều giải pháp khắc phục thiếu điện

(TBKTSG Online) – Trưởng ban chỉ đạo nhà nước quy hoạch điện VI (gọi tắt là  tổng sơ đồ VI), Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, hôm 18-4 đã đưa ra 6 biện pháp, nhắc lại việc rà soát và đẩy nhanh các dự án cung cấp điện, quy hoạch các trung tâm điện lực nhằm gia tăng nguồn cung và giảm áp lực thiếu điện trong mùa khô.

Sau hai phiên họp gần nhất tìm các biện pháp giải quyết tình trạng thiếu điện mùa khô, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương xem xét, phê duyệt các quy hoạch trung tâm điện lực than, rà soát và kiến nghị Thủ tướng bổ sung kịp thời các dự án vào danh mục Quy hoạch điện VI để triển khai thực hiện.

Theo phương án đệ trình của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong giai đoạn 2006-2010, EVN tiếp tục đầu tư 23 cụm nhà máy điện với tổng công suất 33.000 MW (chiếm 56% khối lượng đầu tư nguồn điện của tổng sơ đồ VI ) để đưa vào vận hành (không kể điện mua của Trung Quốc).

Tuy nhiên, tiến độ các dự án sản xuất điện của EVN và các nhà máy sản xuất điện độc lập (IPP) và các dự án BOT khác đều có những vấn đề về tiến độ. Hầu hết các dự án đang thi công đều chậm tiến độ 3-5 tháng, có dự án chậm tiến độ hàng năm vì các nguyên nhân: thiếu nhân lực, xe máy thi công, phương thức quản lý và sự phối hợp giữa các bên còn bất cập, một số dự án công tác quản lý còn nhiều yếu kém, công tác giải phóng mặt bằng tái định cư ở một số dự án gặp rất nhiều khó khăn; ngoài ra còn có các nguyên nhân khách quan như giá vật liệu tăng cao

Chính phủ yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu EPC trong nước và nước ngoài nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, thực hiện ngay các giải pháp để lấy lại tiến độ các dự án bị chậm vừa qua. Ban Chỉ đạo sẽ xem xét các dự án chậm tiến độ để kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ xử lý người đứng đầu theo thẩm quyền.

Bộ Công Thương cũng chỉ đạo các bên liên quan và tổ chức đàm phán – ký hợp đồng với các đối tác nước ngoài thực hiện các dự án  BOT Vĩnh Tân 1 và Mông Dương 2 theo tiến độ quy định và báo cáo kết quả lên Ban Chỉ đạo trong tháng 5-2008. Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ định thầu các dự án Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1 theo đúng quy định. Nếu trong quá trình thương thảo hợp đồng, nhà thầu thông báo giá cao, chủ đầu tư xét thấy không hiệu quả thì thực hiện đấu thầu theo quy định.

Đồng thời, Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam phải chủ động đàm phán với Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các chủ đầu tư khác liên quan về hợp đồng cung cấp than dài hạn cho các nhà máy điện.

Ngoài ra, Bộ Công Thương phải sớm hoàn thành việc thẩm định chiến lược phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2015 và chiến lược phát triển nguồn năng lượng mới và tái tạo, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đồng thời chỉ đạo các đơn vị liên quan lập và phê duyệt quy chế vận hành các hồ chứa thủy điện theo quy định hiện hành. 

Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn chỉnh việc cấp phép khai thác cho các mỏ than và chỉ đạo đẩy mạnh công tác thẩm định trữ lượng tài nguyên than. Tập đoàn Điện lực Việt Nam hợp đồng với tư vấn nước ngoài có năng lực để thẩm định, bổ sung quy hoạch lưới điện 220-500kV. Các tập đoàn Điện lực Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Sông Đà và các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai thực hiện các dự án thủy điện ở Lào và Campuchia theo đúng tiến độ quy hoạch.

Nếu các biện pháp cấp bách và dài hạn không được đốc thúc song hành về tiến độ, tình hình điện mùa khô ở nước ta (kể cả trong trường hợp tiết kiệm 1,5% điện thương phẩm) vẫn tiếp tục gây khó khăn cho sản xuất và đời sống nhân dân, ảnh hưởng lớn đến an ninh năng lượng.

NGỌC LAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới