(KTSG Online) – Sau hai tháng tạm ngưng để đảm bảo quy định phòng, chống dịch bệnh, ngày 9-9, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống tại TPHCM đã được phép hoạt động trở lại theo hình thức bán mang đi. Tuy nhiên, do thời gian gấp gáp nên nhiều điểm kinh doanh chưa thể mở cửa ngay vì không kịp nhập nguyên liệu, thiếu người lao động tại chỗ và chưa hoàn thành các thủ tục đối với đơn vị giao hàng để có thể bán hàng theo hình thức đặt hàng trực tuyến.
- TPHCM: hàng quán ăn uống mang đi được mở cửa, siêu thị được đóng cửa trễ
- TPHCM: đơn hàng online tăng vọt, thiếu hụt shipper

Trước đó, vào chiều tối ngày 8-9, UBND TPHCM đã ban hành công văn 2994 về việc tiếp tục tăng cường các biện pháp kiểm soát trong thời gian giãn cách xã hội, theo đó , từ ngày 9-9, cho phép loại hình kinh doanh dịch vụ ăn, uống; cơ sở cung ứng dịch vụ bưu chính, viễn thông, thiết bị tin học văn phòng, thiết bị dụng cụ học tập có Giấy phép đăng ký hộ kinh doanh được phép hoạt động từ 6 giờ đến 18 giờ hàng ngày theo hình thức đặt hàng trực tuyến.

Nhiều chủ cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn, uống chia sẻ, mặc dù vui mừng vì được quay trở lại công việc kinh doanh sau gần hai tháng phải đóng cửa để đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch, nhưng họ cũng có thêm nhiều mối lo hơn khi trong công văn mà UBND thành phố ban hành, để người lao động tại các cơ sở này đủ điều kiện quay trở lại công việc, họ phải được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine Covid-19 trước đó và phải có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính với Covid-19 2 ngày/1 lần theo mẫu đơn hoặc mẫu gộp 3 người theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Chị Hoàng, chủ quán phở Dậu trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (phường 8, quận 3) chia sẻ, mặc dù thành phố đã có công văn cho phép hàng quán được mở cửa trở lại, tuy nhiên công văn mới ban hành chiều qua thì sáng nay mở bán là quá gấp gáp, chị vẫn chưa kịp chuẩn bị nguyên liệu, bên cạnh đó, chị cũng đang nghiên cứu lại quy định của thành phố đối với cơ sở kinh doanh đủ điều kiện hoạt động trở lại để có thể sắp xếp nhân viên tại quán làm việc phù hợp.

Cũng như chị Hoàng, anh Quốc Dũng, chủ quán bánh mì Bảy Hổ trên đường Huỳnh Khương Ninh (phường Đa Kao, quận 1) bộc bạch: “Bây giờ nguồn nguyên liệu không có, không biết lấy gì để mở bán”. Anh Dũng cho biết, đến thời điểm hiện tại, nếu mở bán trở lại thì cửa hàng chỉ còn hai vợ chồng vì nhân viên cũ đã nghỉ gần hết còn nhân viên mới thì chưa kịp tuyển dụng. Chưa kể, cửa tiệm rất khó tuyển được người lao động đáp ứng yêu cầu được làm việc trở lại theo công văn của UBND thành phố, đặc biệt trong thời điểm giãn cách xã hội như hiện tại.
Khi nỗi lo về lực lượng lao động tại chỗ chưa biết giải quyết ra sao, thì những người kinh doanh dịch vụ ăn, uống lại phải đối mặt với bài toán tìm nhân sự giao hàng (shipper), vì gần như 100% lượng hàng bán ra đều thông qua hình thức đặt hàng trực tuyến.

Mối lo này không phải không có căn cứ, khi những ngày gần đây, lượng đơn đặt hàng nhu yếu phẩm tại các cửa hàng bán lẻ, siêu thị tăng đáng kể, trong khi lượng shipper không đủ để đáp ứng, dẫn đến tình trạng đơn hàng bị giam 3,4 ngày không thể đến tay khách hàng theo thông báo trước đó của phía cửa hàng, siêu thị. Nếu mở cửa, đồng nghĩa họ sẽ phải chia sẻ lực lượng shipper thiếu hụt với các siêu thị, cửa hàng bán lẻ.
Một đơn vị cung cấp dịch vụ giao hàng trực tuyến chia sẻ, những ngày gần đây, lượng đơn đặt hàng trực tuyến tại TPHCM tăng cao trong khi số lượng shipper được cấp phép hoạt động còn hạn chế, dẫn đến tình trạng chênh lệch cung cầu và tỷ lệ hủy đơn hàng khá cao.
Khác với các văn phòng phẩm hay thiết bị tin học văn phòng, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống hoàn toàn không thể đáp ứng tình trạng giam đơn, thậm chí chỉ cần một thời gian ngắn sau khi đặt hàng, nếu không có shipper nhận đơn, khách hàng sẽ hủy và tìm một địa chỉ quán khác ngay lập tức.
Anh Quốc Dũng, chủ quán bánh mì Bảy Hổ cho biết thêm, anh bán một ổ bánh mỳ chỉ chưa đến hai mươi nghìn đồng, trong khí phí giao hàng trung bình hiện tại rơi vào ba mươi đến bốn mươi nghìn đồng cho một đơn hàng, rất khó để khách hàng có thể chấp nhận. Hơn nữa, vì hầu hết hàng hóa được bán thông qua hình thức đặt hàng trực tuyến, anh Dũng nhẩm tính doanh thu chỉ có thể đạt khoảng 20% so với thời điểm trước khi có dịch.
Những mối lo toan dần xuất hiện, các hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống đắn đo khi mở cửa trở lại, thiếu người lao động tại chỗ, lực lượng shipper thiếu hụt, khách hàng đã dần tập quen với việc tự chuẩn bị món ăn tại nhà thay vì đặt giao từ bên ngoài như thời gian trước, lượng đơn hàng không cao là điều có thể đoán định. Mở cửa để bán hàng trong bối cảnh vẫn đang tuân thủ quy định giãn cách xã hội kéo dài hay tiếp tục đóng cửa và chờ đợi để chuẩn bị nguồn lực, là câu hỏi mà hộ kinh doanh, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ăn uống đang đặt ra lúc này.