Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhiều hứa hẹn khả quan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhiều hứa hẹn khả quan

Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn đối với các tập đoàn điện tử đa quốc gia và công nghệ cao.

(TBVTSG) – Gần đây, nhiều dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực điện tử được khởi động đã hứa hẹn một tương lai sáng sủa cho hoạt động xuất khẩu hàng điện tử Việt Nam.

Những tín hiệu vui

Nói đến đầu tư vào công nghiệp điện tử và công nghệ cao tại Việt Nam, không thể không nhắc đến Fujitsu. Trong vài năm trở lại đây, kim ngạch xuất khẩu của công ty này tại Việt Nam có giảm chút ít nhưng vẫn còn trên mức 500 triệu đô-la Mỹ một năm (năm cao nhất đạt 750 triệu đô-la Mỹ).

Nissei Electric đang hoạt động tại Khu chế xuất Linh Trung (TPHCM) có số vốn đầu tư 40 triệu đô-la Mỹ, là doanh nghiệp đang sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao như dây điện, cáp điện, điện trở, công-tắc để xuất khẩu. Nidec Tosok đầu tư vào Khu chế xuất Tân Thuận từ năm 1998, đến nay vốn đã lên tới 86 triệu đô-la Mỹ, chuyên sản xuất mô-tơ, trục điều khiển hộp số tự động…

Trong khi đó, Canon không còn xa lạ với các sản phẩm máy ảnh phim, máy ảnh kỹ thuật số, máy in và các thiết bị số phục vụ công việc cho văn phòng, gia đình… Chính vì tự tin ở thương hiệu Canon cũng như đánh giá cao sức tiêu thụ của thị trường Việt Nam mà năm 2006, Canon đã quyết định đầu tư khoảng 110 triệu đô-la Mỹ để xây dựng thêm một nhà máy sản xuất máy in được đánh giá là hiện đại nhất không những tại Việt Nam mà còn ở khu vực Đông Nam Á với công suất 700.000 sản phẩm mỗi tháng.

Nhà máy này được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1, với mức đầu tư khoảng 70 triệu đô-la Mỹ, Canon xây dựng nhà máy có diện tích ước chừng 200.000 m2 để sản xuất một số loại máy in màu Inkjet giá rẻ, không những phục vụ thị trường Việt Nam mà còn xuất sang các nước trong khu vực.

Trước đó, Canon đã có hai nhà máy sản xuất máy in, đó là máy in phun tại Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội) và máy in laser tại Khu công nghiệp Quế Võ (Bắc Ninh). Người của văn phòng đại diện Canon Singapore tại Việt Nam nói rằng, Canon đánh giá thị trường thiết bị công nghệ thông tin (CNTT) tại Việt Nam nói chung và các dòng máy in nói riêng có mức tăng trưởng cao nhất thế giới. Đây chính là lý do khiến họ mở rộng nhà máy sản xuất những dòng máy in cao cấp.

Dù chưa đi vào sản xuất nhưng việc Intel tuyên bố đầu tư nhà máy đóng gói chip tại Khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTP) với số vốn đầu tư 1 tỷ đô-la Mỹ là một tín hiệu tích cực cho các nhà sản xuất công nghệ cao trên thế giới quan tâm nhiều hơn đến thị trường Việt Nam. Đại diện của hãng Intel cho biết, đây là một trong những nhà máy có nguồn vốn đầu tư lớn của Intel trên toàn cầu.

Ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, thuộc Bộ Kế hoạch Đầu tư, cho biết cơ cấu nguồn vốn đầu tư nước ngoài năm 2007 chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực kinh tế quan trọng như điện tử, viễn thông… Có thể kể tên những dự án sau: dự án xây dựng nhà máy lắp ráp và kiểm tra các bản mạch in của Jabil Circuit (Mỹ) tại TPHCM với tổng vốn 100 triệu đô-la Mỹ; hai nhà máy sản xuất linh kiện cho nhóm công nghệ cao của Foxconn (Đài Loan) ở Bắc Ninh với tổng vốn 80 triệu đô-la Mỹ; nhà máy sản xuất máy tính xách tay của tập đoàn Intelligent Universal (Đài Loan) có tổng vốn 500 triệu đô-la Mỹ…

Cũng trong năm 2007, Renessas Technology thông qua công ty thành viên tại Việt Nam là Renessas Việt Nam đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất vi mạch bán dẫn ở Khu chế xuất Tân Thuận (TPHCM) với số vốn đầu tư 13 triệu đô-la Mỹ.

Furukuwa Automotive Parts cũng là công ty của Nhật, chuyên sản xuất các sản phẩm công nghệ cao như bộ dây điện truyền dẫn năng lượng và tín hiệu thông tin chuyên dùng trong xe hơi với số vốn sau nhiều lần chuyển đổi, bổ sung đã lên tới gần 52,4 triệu đô-la Mỹ…

Tiếp tục khởi động

Dự án đầu tiên “mở hàng” năm 2008 đã được ghi nhận là việc Trung tâm Nghiên cứu và Thiết kế vi mạch lớn nhất thế giới (ngoài khu vực Bắc Mỹ) của AMCC, tập đoàn chuyên sản xuất chip năng lượng (power chip) cho các thiết bị kỹ thuật số, truyền dẫn và lưu trữ của Mỹ có trụ sở tại Khu chế xuất Tân Thuận (TPHCM) vừa chính thức đi vào hoạt động.

Theo ông Vũ Nguyễn, Phó chủ tịch kỹ thuật của AMCC kiêm Giám đốc AMCC Việt Nam, trung tâm này có nhiệm vụ thiết kế chip, sau đó chuyển những bản mạch này về hai nhà máy tại Mỹ và Đài Loan để sản xuất. Được biết, có 35 kỹ sư chuyên về kỹ thuật thiết kế vi mạch hiện đang làm việc tại trung tâm này.

Theo bà Nguyễn Thị Gia Lai, phụ trách tiếp thị của văn phòng Canon Singapore tại Việt Nam, đúng với kế hoạch đã được xác định từ hai năm trước, Công ty TNHH Canon Việt Nam đang chuẩn bị đầu tư giai đoạn hai của nhà máy sản xuất máy in tại Khu công nghiệp Quế Võ, với vốn đầu tư khoảng 40 triệu đô-la Mỹ để sản xuất thêm máy in laser và máy in đa chức năng.

Ngày 25-3 vừa qua, Samsung Electronics đã được Ban Quản lý Khu công nghệ cao Bắc Ninh cấp giấy phép xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại di động tại Khu công nghiệp Yên Phong 1.

Ông Nguyễn Văn Đạo, Phó tổng giám đốc Samsung Vina, cho biết nhà máy này sẽ được khởi công ngay trong tháng Tư và một năm sau đi vào sản xuất. Theo kế hoạch, giai đoạn đầu nhà máy sẽ sản xuất khoảng 30 triệu chiếc điện thoại di động mỗi năm.

Theo ông Đạo, đây là dự án được xây dựng theo hình thức liên hiệp. Nghĩa là sẽ có hệ thống nhà máy vệ tinh chuyên cung ứng linh kiện để nhà máy sản xuất hoàn chỉnh chiếc điện thoại di động ngay tại Việt Nam. Được biết, sẽ có bảy nhà máy thuộc hệ thống này, đó là Alpha Prisition Việt Nam, Deoman Machine Interface Việt Nam, Flexcom Inc, Em-Tech Gimhae, Samyong Technologies, Seun Metal Holdings và Seshin Electronics. Dự kiến, bảy doanh nghiệp này có tổng vốn đầu tư là 47,2 triệu đô-la Mỹ.

Nguồn tin từ tỉnh Bắc Ninh cũng cho biết, gần đây tỉnh này cũng đã cấp phép đầu tư cho hàng loạt doanh nghiệp có vốn đầu tư Hàn Quốc để xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện điện tử, gồm : Alpha Prisition Việt Nam, Deoman Machine Interface Việt Nam, Flexcom Inc, Em-Tech Gimhae, Samyong Technologies, Seun Metal Holdings, Seshin Electronics. Có thể có một trong các nhà máy này sẽ tham gia cung cấp linh kiện phụ trợ cho nhà máy điện thoại của Samsung.

Cuối tháng Hai vừa qua, Foxconn International Holdings (FIH, thuộc tập đoàn Foxconn – Đài Loan) đã làm việc với tỉnh Vĩnh Phúc về việc đầu tư xây dựng một nhà máy sản xuất điện thoại di động tại tỉnh này. Ông Uông Tín Nghĩa, đại diện FIH tại Việt Nam, cho biết nhà máy này sẽ chính thức đi vào hoạt động vào đầu năm 2009 và thu hút 3.500 lao động.

Được biết, tập đoàn Compal cũng đang xây dựng một nhà máy sản xuất máy tính xách tay tại Khu Công nghiệp Bá Thiện, tỉnh Vĩnh Phúc. Nhà máy này có vốn đầu tư khoảng 500 triệu đô-la Mỹ và sẽ hoạt động vào cuối năm nay, sử dụng vài vạn lao động. Đến cuối năm 2009, nhà máy này sẽ lắp ráp máy tính với công suất mỗi tháng một triệu máy.

Không chỉ các dự án trên, Hiệp hội Các nhà sản xuất mạch in Đài Loan cũng vừa quyết định xây dựng một tổ hợp dành cho nhà sản xuất mạch in Đài Loan tại Hà Nội. Tổ hợp dự kiến được khởi động vào tháng Tám năm nay với diện tích 300 ha, là địa bàn hoạt động của 10-20 nhà sản xuất. Bên cạnh đó, theo báo giới Nhật, hãng máy ảnh Olympus của Nhật cũng có dự định đầu tư 45 triệu đô-la Mỹ để mở một nhà máy ở Việt Nam vào cuối năm nay.

Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn đối với các tập đoàn điện tử đa quốc gia và công nghệ cao. Tuy nhiên, nhược điểm của thị trường Việt Nam là thiếu những chuyên gia có tay nghề cao nhưng bù lại, yếu tố mà các nhà đầu tư nước ngoài cần nhất là sự ổn định chính trị và xã hội. “Đất nước các bạn còn thiếu chuyên gia và công nhân lành nghề, chúng tôi sẽ cùng làm việc để trao đổi kinh nghiệm và kiến thức. Nhưng một xã hội nếu không ổn định thì dù có tay nghề cao cũng chưa chắc đã thu hút được ai vào đây làm ăn,” một chuyên gia của AMCC khẳng định.

Cần chọn lọc

Ông Ngô Khánh Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Công nghiệp CNTT, Bộ Thông tin Truyền thông, cho rằng gần đây Việt Nam thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp điện tử và công nghệ cao chính là nhờ vào hiệu ứng “đàn sếu bay”. Các nhà đầu tư này vào Việt Nam sau khi thấy Intel đầu tư hơn 1 tỷ đô-la Mỹ để hình thành một nhà máy sản xuất chip tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, ngoài Trung Quốc và Malaysia, Việt Nam là một lựa chọn trong chương trình “bỏ trứng vào nhiều giỏ” để tránh rủi ro của nhà đầu tư. Ông Sơn nói: “Thu hút đầu tư tốt do ta biết chớp thời cơ. Khi biết một số nước láng giềng chuẩn bị có chính sách phát triển, thu hút đầu tư vào một số vùng của đất nước họ, ta có chính sách tốt hơn và làm trước”.

Thật vậy, Việt Nam ngày càng thu hút đầu tư về ngành điện tử là một điều rất tốt. Song, theo ông Sơn, nhà nước cũng cần “tỉnh” trong việc thu hút đầu tư. Ông Sơn cho hay, hiện nay nhiều nước trên thế giới đang có xu hướng đầu tư ra nước ngoài để tránh yếu tố ô nhiễm môi trường. Mặc dù doanh nghiệp nào khi đầu tư vào cũng có những cam kết về môi trường nhưng chi phí của doanh nghiệp cho môi trường chưa thực sự tốt. Do vậy, ta nên thu hút đầu tư có chọn lọc.

Thực tế cho thấy, so với các nước trên thế giới, Việt Nam còn là nước nghèo nên không có nhiều tiền để mua hoặc đầu tư nghiên cứu về công nghệ điện tử. Chính vì vậy, chúng ta phải chọn cách thu hút đầu tư nước ngoài để học tập về công nghệ. Trong thời gian đó nhanh chóng tích lũy vốn, tiềm lực và chuẩn bị đội ngũ nhân lực. Việc thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực điện tử cũng sẽ tạo cơ hội cho chúng ta có thể đạt được mục tiêu xuất khẩu 4-6 tỷ đô-la Mỹ vào năm 2010, như kế hoạch tổng thể phát triển công nghiệp điện tử đã đề ra.

HÒA VANG – OANH NGUYỄN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới