Nhiều kiến nghị hỗ trợ khi hợp nhất PVFC-Westernbank
Thanh Thương
![]() |
Giao dịch tại Ngân hàng Phương tây (Westernbank). Ảnh: TL. |
(TBKTSG Online) – Ngày 16-3, theo kế hoạch, Westernbank sẽ tổ chức cuộc họp đại hội đồng cổ đông để thông qua kế hoạch hợp nhất với Tổng công ty Tài chính dầu khí (PVFC). Trong bản đề án hợp nhất trình đại hội đồng cổ đông, cả hai phía đã đưa ra nhiều kiến nghị hỗ trợ từ cổ đông lớn và Ngân hàng Nhà nước.
Muốn được hỗ trợ 37.000 tỉ đồng!
Về phía PVFC, để đảm bảo trạng thái an toàn thanh khoản cho tổ chức tín dụng trước khi hợp nhất, PVFC đề nghị Tập đoàn Dầu khí (PVN) hỗ trợ trong quá trình làm việc với đối tác và các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền; đồng thời gửi thêm cho PVFC số tiền 7.000 tỉ đồng với kỳ hạn tối thiểu 6 tháng.
Đề án này cũng đề nghị phía Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ cho vay từ nguồn tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại khoảng 30.000 tỉ đồng để hỗ trợ thanh khoản cho ngân hàng hợp nhất, đồng thời tạo nguồn vốn để ngân hàng có thể phát triển mảng tài trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp xuất khẩu. Lãi suất cho vay từ nguồn tái cấp vồn này thấp hơn lãi suất huy động khoảng 6% để hỗ trợ ngân hàng hợp nhất bù đắp các chi phí trực tiếp và chi phí cơ hội phát sinh trong quá trình hợp nhất, thời hạn vay khoảng 3- 5 năm.
Một số kiến nghị khác cũng đã được nhắc đến trong đề án, như PVN chỉ thoái vốn trong điều kiện đảm bảo được sự ổn định và phát triển an toàn của PVFC và ngân hàng hợp nhất. Đồng thời việc giảm vốn của PVN không làm ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng của các cổ đông hiện hữu hoặc/và các đối tác chiến lược của ngân hàng.
Bên cạnh đó, trong đề án, PVFC cũng đề nghị PVN ban hành nghị quyết về việc sử dụng dịch vụ và khuyến khích các doanh nghiệp trong tập đoàn ưu tiên sử dụng dịch vụ tài chính ngân hàng của PVFC và của ngân hàng mới sau chuyển đổi. Đồng thời cho phép ngân hàng mới sau hợp nhất được phép cung cấp dịch vụ tài khoản trung tâm của tập đoàn và cung cấp dịch vụ quản lý dòng tiền đối với các công ty con thuộc tập đoàn.
Đề án hợp nhất đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép ngân hàng hợp nhất được duy trì dự trữ bắt buộc 50% bằng tiền mặt, 50% bằng các giấy tờ có giá có tính thanh khoản cao như trái phiếu chính phủ, tín phiếu Kho bạc, tín phiếu Bộ Tài chính nhắm đầu tư vào các sản phẩm có tính thanh khoản cao, rủi ro thấp để khắc phục lỗ phát sinh trước khi tái cơ cấu.
Đồng thời, cho ngân hàng hợp nhất được mở rộng mạng lưới do đặc trưng của PVFC có mạng lưới kinh doanh hạn chế trong khi WesternBank mới chỉ triển khai được mạng lưới bán lẻ ở một số địa phương, trung bình được mở từ 20- 25 chi nhánh/1 năm trong vòng 3 năm kể từ ngày hợp nhất.
Đề án cũng kiến nghị không tính vào tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng đối với dư nợ Vinashin và Vinalines, để ngân hàng hợp nhất có đủ điều kiện và thời gian tiến hành khắc phục theo lộ trình. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước không tính chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế so với vốn chủ sở hữu bình quân cũng như dư nợ của Vinashin và Vinalines trong khi thực hiện xếp loại tổ chức tín dụng và xét duyệt mở chi nhánh.
Ngân hàng hợp nhất cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước kiến nghị Bộ Tài chính xem xét chấp thuận cho ngân hàng hợp nhất được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong ba năm sau khi hợp nhất và giảm 50% theo mức thuế hiện hành trong hai năm tiếp theo để giúp ngân hàng hợp nhất tích lũy vốn sau khi tái cơ cấu.
Trước khi hợp nhất, PVFC và Westernbank đều có những khoản nợ khó đòi khá lớn. Như tại PVFC, dư nợ (gốc) tại thời điểm 31-5-2012 của nhóm khách hàng Vinashin là 1.068 tỉ đồng và của nhóm khách hàng Vinalines là 1.745 tỉ đồng.
Với Westernbank, tính đến hết ngày 29-2-2012 còn khoản phải thu là tiền gửi liên ngân hàng đã quá hạn tại 4 ngân hàng Đệ Nhất, Sài Gòn, Việt Nam Tín Nghĩa (đã hợp nhất) và Trustbank vào khoảng 1.118 tỉ đồng. Westernbank sẽ phải trích lập dự phòng 559 tỉ đồng cho khoản nợ này. Đồng thời dư nợ tín dụng có nhiều khoản nằm dưới dạng ủy thác đầu tư và đặt cọc môi giới chứng khoán, trong đó nợ từ nhóm 3 đến nhóm 5 khoảng 578 tỉ đồng.
Vốn chủ sở hữu của Westernbank sau khi điều chỉnh số liệu trích lập dự phòng bổ sung tại thời điểm 29-2-2012 giảm xuống còn 2.310 tỉ đồng, thiếu 690 tỉ đồng so với mức vốn điều lệ tối thiểu mà Ngân hàng Nhà nước quy định.
Từ sau thời điểm 29-2-2012, Westernbank đã thực hiện nhiều biện pháp tái cấu trúc tài chính và cho đến 29-2-2013, vốn chủ sở hữu đã lên khoảng 2.700 tỉ đồng. Khoản lỗ lũy kế 761 tỉ đồng chỉ còn khoảng 342 tỉ đồng.
Westernbank là ngân hàng có quy mô nhỏ, vốn điều lệ 3.000 tỉ đồng, tổng tài sản vào khoảng 15.200 tỉ đồng. PVFC tương đương với một ngân hàng quy mô trung bình, vốn điều lệ 6.000 tỉ đồng, tuy vậy, tổng tài sản rất lớn, gần 90.000 tỉ đồng. Khi hợp nhất, vốn điều lệ của ngân hàng mới sẽ là 9.000 tỉ đồng, tổng tài sản khoảng hơn 100.000 tỉ đồng, tương đương với các ngân hàng đã hợp nhất trước đó là Ngân hàng TMCP Sài Gòn và Sài Gòn Hà Nội (SHB). PVN hiện đang nắm 72% vốn tại PVFC, và sau khi hợp nhất, mức vốn này sẽ giảm xuống còn 48%. Đối tác chiến lược nước ngoài của PVFC là Morgan Stanley hiện có 10% vốn cổ phần cũng sẽ bị giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 6,7%. Westernbank nằm trong nhóm 9 ngân hàng phải tái cơ cấu theo đề án của Ngân hàng Nhà nước. Trước đó, trong đầu năm 2012, ba ngân hàng Đệ Nhất, Việt Nam Tín Nghĩa và Sài Gòn đã hợp nhất. Habubank, vốn bị nợ xấu nghiêm trọng do cho vay Tập đoàn Vinashin cũng đã sáp nhập vào Ngân hàng Sài Gòn-Hà Nội (SHB). Và mới đây, Trustbank cũng đã đuợc Tập đoàn Thiên Thanh tuyên bố tham gia vào hội đồng quản trị ngân hàng bằng cách mua lại gần 10% cổ phần và rót vào hàng ngàn tỉ đồng để tái cơ cấu ngân hàng này. |