Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhiều niềm tin và kỳ vọng gửi cho các đại sứ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhiều niềm tin và kỳ vọng gửi cho các đại sứ

Đại diện các doanh nghiệp lắng nghe các nhà ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài (bên phải) nói về thông tin thị trường. Ảnh: Quốc Hùng

(TBKTSG Online) – Gần 200 đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp phía Nam đã tìm cách gửi, cả cách cố dúi vào tận tay cho 44 vị đại sứ những thông tin, hình ảnh sản phẩm về doanh nghiệp với niềm tin và kỳ vọng được các vị đại sứ làm cầu nối với các đối tác nước ngoài.

Đó là những hình ảnh sống động nhất tại cuộc tọa đàm do Sở Ngọai vụ TPHCM phối hợp cùng Vụ Tổng hợp Kinh tế (Bộ Ngoại giao) tổ chức tại TPHCM vào ngày 12-12.

Gần hai giờ dành cho các doanh nghiệp trực tiếp đặt câu hỏi và trao đổi với trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thuộc bốn khu vực châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Phi và Trung Đông, nhưng dường như chưa đủ thời gian cho doanh nghiệp thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu thông tin.

Mặc dù ban tổ chức đã nhiều lần nhắc nhở thời gian cho phiên thảo luận không còn, nhưng nhiều doanh nghiệp, đại diện các hiệp hội vẫn cố “giữ chân” các vị đại sứ của Việt Nam ở các nước để cố khai thác những thông tin về thị trường cần thiết cho họ.

Không ít người đã tìm cách gửi – cả cách cố dúi vào tận tay – các vị đại sứ những tập tài liệu, brochure và những thông tin hình ảnh, sản phẩm về doanh nghiệp mình để gửi gắm, kỳ vọng được các vị đại sứ làm cầu nối với các đối tác nước ngoài. Và hầu như doanh nghiệp nào cũng đã nhận được những danh thiếp của đại sứ để liên lạc ngay khi có thể, nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ thông tin thị trường, tập quán làm ăn luật pháp của nước sở tại…

Tổng lãnh sự tại San Francisco (Hoa Kỳ), ông Lê Quốc Hùng luôn bận rộn với những câu hỏi và xin thông tin liên lạc từ nhiều doanh nghiệp ở TPHCM.

Theo nhiều nhà doanh nghiệp, với một thị trường đây biến động và khó khăn hiện nay thì “kênh” thông tin cung cấp từ phía ngoại giao được đặt nhiều niềm tin và kỳ vọng. Do đó, tại hội nghị, một số doanh nghiệp đã đề xuất với các đại sứ được trả tiền cho các cơ quan tại nước ngoài khi có nhu cầu thu thập thông tin liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu.

Trong khi thị trường thế giới gặp nhiều biến động gần như khắp toàn cầu, nhiều doanh nghiệp đã nhanh chân tìm đến một thị trường xuất khẩu mới, chưa được khai thác nhiều. Do vậy, mặc dù khu vực thảo luận nhóm Trung Đông – châu Phi tại hội thảo chỉ có năm trưởng cơ quan đại diện (thấp nhất so với các nhóm thảo luận khác), nhưng khu vực này luôn sôi động.

Những câu hỏi về tiềm năng thị trường, nhu cầu hàng hóa nhập khẩu, tiêu thụ cũng như là chính sách thuế, tập quán thương mại của các nước trong khu vực này và khả năng thanh toán của doanh nghiệp, tính rủi ro kinh doanh.. được nhiều doanh nghiệp đặt ra.

Theo đại sứ VN tại Các tiểu vương quốc Ả rập Thống Nhất Nguyễn Quang Khai, về chính trị thì Việt Nam ngày càng có mối quan hệ tốt với khu vực này, nhưng về phát triển kinh tế thì chưa xứng tầm. Theo ông Khai, xuất khẩu sang thị trường này mới chỉ đạt 2-3 tỉ đô la Mỹ, quá thấp so với tiềm năng của hai nước. Theo ông, Dubai là một thị trường rất dễ tính và cũng là nơi trung chuyển hàng hóa dễ dàng so với nhiều nước mà Việt Nam đang xuất khẩu mạnh.

Nhiều doanh nghiệp gặp trực tiếp các đại sứ để tìm thêm thông tin chi tiết. Ảnh: Quốc Hùng

Tương tự, thị trường châu Phi được các đại sứ Việt Nam ở khu vực này tiết lộ, đây là một thị trường rất tiềm năng, cởi mở, không đòi hỏi cao về chất lượng. Tuy nhiên, theo các đại sứ, hiện nay do chưa có vận chuyển hai chiều giữa Việt Nam và các nước khu vực này, nên hàng hóa của Việt Nam đến châu Phi đắt hơn Trung Quốc, Thái Lan và Ấn Độ. Mặt khác, doanh nghiệp trong nước hiện nay cũng ít vào châu Phi.

Các đại sứ khuyên các doanh nghiệp vào thị trường này không chỉ chú ý xuất khẩu mà phải tính đến hướng nhập khẩu, theo tiêu chí hàng đổi hàng, để dễ cạnh tranh. Các đại sứ lưu ý, vào thị trường châu Phi rất phức tạp, nhưng rất nhiều tiềm năng.

Trong khi đó, ở nhóm thảo luận khu vực châu Mỹ, bên cạnh tìm kiếm thông tin về cơ hội làm ăn, các doanh nghiệp cũng không dấu vẻ lo lắng về tình hình biến động kinh tế ở khu vực này, nhất là thị trường Mỹ.

Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp cũng mong muốn các đại sứ, tổng lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài quan tâm cung cấp nhiều thông tin hơn nữa về thị trường khu vực này, đánh giá về khả năng đưa hàng hóa vào thị trường này; những thông tin về hội chợ, đưa đoàn doanh nghiệp nước sở tại gặp gỡ làm ăn với doanh nghiệp Việt Nam…

Vẫn còn nhiều trở ngại

Tuy nhiên, thực tiễn vẫn còn nhiều trở ngại cho các doanh nghiệp và cơ quan đại diện ngoại giao tại các nước. Khó khăn lớn nhất, theo hai phía đó là trưởng cơ quan đại diện ngoại giao chỉ nắm kỹ các vấn đề vĩ mô, những việc lớn của chính phủ giao, còn những việc liên quan đến kinh tế vẫn có những hạn chế.

Do đó, việc giúp doanh nghiệp mới chỉ dừng lại ở kết nối hợp tác hai bên, đảm bảo đối tác làm ăn nghiêm chỉnh, chứ hiểu sâu về từng ngành, từng lĩnh vực là rất khó. Một vấn đề nữa là sự thiếu hụt thông tin hai chiều. Doanh nghiệp phàn nàn các cơ quan ngoại giao khó tiếp xúc và chậm phản hồi thông tin.

Ngoài ra, cũng còn một lý do khiến nhiều trưởng cơ quan đại diện ngoại giao còn e ngại là vì nhiều doanh nghiệp còn kém trong giữ uy tín, gây ảnh hưởng đến sự tin tưởng của đối tác với cơ quan ngoại giao của ta.

Kiến nghị của các doanh nghiệp đối với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tập trung vào các vấn đề: khai thông, tạo lập khuôn khổ chính sách, tham mưu, triển khai và hỗ trợ công tác đàm phán và ký kết các thỏa thuận quốc tế trong lĩnh vực kinh tế, thương mại; thẩm định năng lực đối tác nước ngoài; phát hiện và làm cầu nối với những đối tác tiềm năng giúp doanh nghiệp xây dựng được những đối tác chiến lược.

Các doanh nghiệp cũng mong nhận được nhiều hơn từ các cơ quan đại diện những tư vấn về pháp luật, thông tin những sản phẩm, dịch vụ có khả năng thâm nhập thị trường, xu hướng của thị trường, đặc biệt là những thị trường giàu tiềm năng và ít bị ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới như: Trung Đông, châu Phi…

Các cơ quan đại diện cũng cần tăng cường hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp mở chi nhánh, tổ chức hoặc tham gia hội chợ, triển lãm ở nước ngoài.

Ngoài ra, những thông tin về các rào cản kỹ thuật ở một số nước, nhất các trong lĩnh vực lao động, môi trường… cũng là vấn đề các doanh nghiệp quan tâm và cần hỗ trợ.

“Mục tiêu của chúng tôi là làm sao xây dựng được cầu nối giữa các trưởng cơ quan đại diện và các doanh nghiệp, để làm sao khi cần là hai bên có thể liên hệ trao đổi trực tiếp với nhau. Trưởng các cơ quan đại diện hiểu và có thông tin về các cơ hội kinh doanh ở địa bàn họ phụ trách, trong khi đó các doanh nghiệp của Việt Nam cần những thông tin như vậy, thông tin về khách hàng, đối tác, sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh”, ông Trần Quang Dũng, Giám đốc Sở Ngoại vụ TPHCM chia sẻ.

QUỐC HÙNG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới