Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhiều nước tăng cường tích trữ lương thực giữa mùa dịch

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhiều nước tăng cường tích trữ lương thực giữa mùa dịch

Khánh Lan

(TBKTSG Online) – Nhiều nước từ Jordan cho đến Trung Quốc đang đẩy mạnh mua lương thực trong những tháng qua dù giá đang tăng vì họ lo ngại dịch Covid-19 sẽ làm gián đoạn các chuỗi cung ứng trên toàn cầu.

Nhiều nước tăng cường tích trữ lương thực giữa mùa dịch
Công nhân làm việc ở một nhà máy sản xuất bột mì ở Islamabad, Pakistan. Ảnh: Bloomberg

Jordan đang mua tích trữ lúa mì ở mức kỷ lục, đủ dùng cho 17 tháng. Trong khi đó, Ai Cập, một trong những nước nhập khẩu lúa mì hàng đầu thế giới, bất ngờ tăng cường đấu thầu mua lúa mì trên thị trường quốc tế giữa lúc nước này đang bước vào vụ thu hoạch lúa mì.

Kể từ tháng 4, Ai Cập đã tăng mua lúa mì hơn 50%. Morocco đã dỡ bỏ thuế nhập khẩu lúa mì về 0%. Pakistan đang tăng mua lúa mì và đường. Chính quyền lãnh thổ Đài Loan cho biết sẽ gia tăng kho dự trữ lương thực chiến lược. Trong nhiều tháng qua, Trung Quốc chạy đua nhập khẩu các lương thực như bắp và đậu nành để chế biến thức ăn cho đàn heo của nước này.

Những nước trên đang tìm cách bảo đảm nguồn cung lương thực trong nước vì họ lo ngại làn sóng Covid-19 thứ hai sẽ làm gián đoạn hoạt động của các cảng và tàn phá thương mại toàn cầu.

Đại dịch Covid-19 đang gây áp lực cho các chuỗi cung ứng lương thực và thực phẩm trên thế giới khi kho hàng dự trữ của họ chỉ đủ cung cấp vừa đủ cho nhu cầu của khách hàng giữa lúc nhiều kệ hàng ở các siêu thị thực phẩm trên thế giới trống trơn. Điều này buộc người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm.

“Covid-19 khiến nhiều người tiêu dùng chuyển từ thói quen mua đủ dùng sang phương án mua dự phòng. Kết quả là người tiêu dùng đang tích trữ lương thực nhiều hơn để đề phòng các chuỗi cung ứng bị gián đoạn trong tương lai”, các nhà phân tích ở Ngân hàng Bank of America Corp, nhận định trong một báo cáo mới đây.

Đà tăng giá vừa qua ở các mặt hàng lương thực như ngô, lúa mì và đậu nành được kích hoạt bởi nhiều yếu tố bao gồm Bắc Kinh tăng mua hàng hóa nông sản theo cam kết trong thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Mỹ, lũ lụt nghiêm trọng ở Trung Quốc. Trong năm nay, Trung Quốc đã trải qua 21 trận lụt lớn, cao gấp 1,6 lần so với các năm trước đó và chạm mức kỷ lục kể từ năm 1998.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang rút ra các bài học từ đại dịch Covid-19, vì vậy, nước này tăng nhập khẩu lương thực để bảo đảm các kho dự trữ dồi dào, đủ để chống chọi các vấn đề về nguồn cung.

Abdolreza Abbassian, nhà kinh tế cấp cao ở Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO), nhận định một số nước quyết định mua sớm lương thực và thực phẩm để bảo đảm nguồn cung trong nước, đề phòng nguy cơ dịch Covid-19 làm xáo trộn các chuỗi cung ứng.

Ông cho rằng chỉ một số nước như Ai Cập và Pakistan thực sự tăng kho dự trữ lương thực để bình ổn giá cả trong nước. Trong khi đó, các vụ mùa thất bát ở Thổ Nhĩ Kỳ và Morocco khiến họ càng phải tăng cường nhập khẩu lúa mì

“Hiện nay, các nước mua rất nhiều lương thực nhưng họ có thể giảm mua vào năm sau vì không còn nhu cầu nữa. Tôi có thể thấy các nước đang tăng mua lương thực, đặc biệt là khi các điều kiện thời tiết mùa đông không thuận lợi cho gieo trồng lúa mì. Nếu bạn chần chừ, giá có thể tăng lên cao nữa”, Abbassian nói.

Chỉ số phụ hàng hóa nông nghiệp của Bloomberg đã tăng hơn 20% kể từ tháng 6. Ảnh: Bloomberg

Giá cả hàng hóa nông nghiệp trên toàn cầu đang trong đà tăng khi các nước đẩy mạnh các hoạt động nhập khẩu. Điều này kéo chỉ số phụ hàng hóa nông nghiệp của Bloomberg, theo dõi biến động giá các hợp đồng tương lai của các hàng hóa nông nghiệp quan trọng gồm cà phê, cotton, đậu nành, bã đậu nành, dầu đậu nành, đường, lúa mì tăng gần 20% kể từ tháng 6.

Trung Quốc có thể tiếp tục đốt nóng thị trường hàng hóa nông nghiệp đến năm sau. Bắc Kinh đang chuẩn bị tăng các kho dự trữ chiến lược của nhà nước bao gồm dầu thô, các kim loại và hàng hóa nông nghiệp quan trọng như là một phần của kế hoạch kinh tế năm năm.

Nhà phân tích Daniel Briesemann ở Ngân hàng Commerzbank nhận định: “Trung Quốc chắc chắn hỗ trợ giá cả hàng hóa nguyên liệu nếu nước này mở rộng các kho dự trữ chiến lược”.

Các nhà xuất khẩu lương thực và hạt có dầu ở Mỹ đang thu về lợi nhuận lớn nhất trong nhiều năm nhờ xuất khẩu sang Trung Quốc tăng mạnh. Bộ phận giao dịch toàn cầu của Tập đoàn chế biến thực phẩm Archer-Daniels-Midland (Mỹ) ở Geneva (Thụy Sĩ) ghi nhận lợi nhuận kinh doanh quí 2 tốt nhất trong lịch sử khi các nước tìm cách mua lương thực dự phòng để ứng phó dịch Covid-19

Giám đốc tài chính ADM, Ray Young, cho biết rất nhiều nước trên thế giới đã chuyển sang mua lương thực để dự phòng, thay vì chỉ mua đủ dùng trước mắt. Ông nói: “Họ muốn tăng dự trữ lương thực trong nước vì không biết các chuỗi cung ứng sẽ phản ứng ra sao trong môi trường dịch bệnh Covid-19”.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới