Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhiều tuyến phố bị ngập khi mưa kéo dài, Hà Nội xây dựng ‘kịch bản’ tiêu úng

T.Đào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Sở Xây dựng Hà Nội đã lập “kịch bản” tiêu úng cho từng khu vực trên địa bàn như phối hợp với lực lượng liên quan dẫn dòng, ứng trực, đưa nước về trạm bơm; duy trì hệ thống cống, rãnh thoát nước để chống ngập khu vực nội thành, theo TTXVN.

Một đoạn đường bị ngập do mưa kéo dài ở Hà Nội. Ảnh: m.hanoi.gov.vn

Theo cổng thông tin của UBND thành phố Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết thành phố vẫn còn tình trạng ngập úng do có những đợt mưa trái quy luật hoặc lượng nước vượt xa so với công suất thiết kế của hệ thống thoát nước. Một số nơi có tốc độ đô thị hóa nhanh dẫn đến hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ theo quy hoạch; những dự án giao thông cũng ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống thoát nước.

Dự báo, năm nay, địa phương tiếp tục có những đợt mưa lớn. Trên cơ sở đó, Sở Xây dựng đã xây dựng “kịch bản” tiêu úng cho từng khu vực trên địa bàn theo lưu vực của từng con sông chảy qua.

Chẳng hạn, một số nơi thuộc phía Tây như Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Đan Phượng, khi có mưa lớn, sở sẽ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất phương án dẫn dòng, phối hợp ứng trực, đưa nước về Trạm bơm Yên Nghĩa.

Sở cũng lên các phương án, giải pháp để thoát nước, chống úng ngập khu vực nội thành gồm duy trì hệ thống cống, rãnh thoát nước, mương, sông, hồ điều hòa; kiểm soát, giữ mực nước đệm trên hệ thống mương, sông; bảo dưỡng các công trình đầu mối, trạm bơm; lưu ý những nơi hay xảy ra ngập úng khi có mưa lớn.

TTXVN thông tin, một số tuyến phố ở trung tâm Hà Nội hay xảy ra ngập úng khi lượng mưa khoảng 50 mm kéo dài khoảng một giờ như ngã tư Phan Bội Châu giao với Lý Thường Kiệt, phố Đặng Thái Thân, phố Liên Trì-Nguyễn Gia Thiều, đường Nguyễn Khoái, Quang Trung, Trần Quốc Toản.

Với những trận mưa khoảng 70 mm, địa bàn sẽ có nhiều khu vực ngập úng khác như phố Nguyễn Khuyến, Hoa Bằng, ngã năm Đường Thành-Bát Đàn-Nhà Hỏa, phố Cao Bá Quát, Thụy Khuê (đoạn dốc La Pho), Minh Khai (đoạn chân cầu Vĩnh Tuy), Nguyễn Chính, đại lộ Thăng Long, phố Ngọc Lâm, đường Hoàng Như Tiếp.

Còn với các trận mưa từ 100 mm/giờ trở lên, dự kiến trên địa bàn thành phố xuất hiện thêm 19 điểm, khu vực úng ngập cục bộ, trong đó có phố Tông Đản, Đinh Tiên Hoàng, Phùng Hưng, ngã ba Cầu Giấy-Dịch Vọng, Mạc Thị Bưởi, Quan Nhân, Cự Lộc, Nguyễn Trãi, Phan Văn Trường, Dương Đình Nghệ.

Theo trang web của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ngày 9-5, Trung tâm Ứng dụng công nghệ khí tượng thủy văn (Tổng cục Khí tượng thủy văn) và Công ty Weathernews Inc. (Nhật Bản) đã tổ chức lễ bàn giao và vận hành radar X-band (radar thời tiết).

Theo đó, radar này sẽ cùng 13 radar hiện có trên cả nước (10 radar băng sóng C và S, 3 radar băng sóng X) hoàn thiện mạng lưới nhằm dự báo sớm các thiên tai, đặc biệt là bão, mưa lớn, lũ, lũ quét.

Về vận hành, với ưu thế về kinh nghiệm sử dụng đa nguồn dữ liệu quan trắc, kết hợp với công nghệ và kỹ thuật dự báo tiên tiến, phía Nhật Bản đề xuất phương án hợp tác với Tổng cục Khí tượng thủy văn Việt Nam là xây dựng dự báo thời tiết trước 3 tiếng, hướng đến hỗ trợ cho hoạt động phòng, chống thiên tai, giảm thiểu rủi ro.

Radar sẽ được đặt tại Trạm khí tượng Nông nghiệp Hoài Đức (Hà Nội), là công cụ phục vụ cho công tác cảnh báo sớm mưa lớn cho địa bàn Hà Nội và một số địa bàn lân cận.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới