Thứ Tư, 17/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhiều vấn đề phát sinh khi tái cơ cấu DNNN

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhiều vấn đề phát sinh khi tái cơ cấu DNNN

Tư Giang

Nhiều vấn đề phát sinh khi tái cơ cấu DNNN
Cổ phần hóa Vietnam Airlines đang trong lộ trình. Ảnh TL.

(TBKTSG Online) – Hàng loạt các vấn đề về tài chính đã phát sinh trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, theo ghi nhận tại Hội nghị giao ban đánh giá tình hình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước 6 tháng đầu năm 2015 do Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, chủ trì.

Theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, các doanh nghiệp đã thoái vốn nhà nước 7.522 tỉ đồng, thu về 11.161 tỉ đồng, bằng 1,48 lần giá trị sổ sách.

Tuy nhiên, con số này sẽ không thấm tháp vào đâu so với số tiền mà Nhà nước phải bỏ ra để tăng vốn chỉ cho ba tập đoàn kinh tế, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông.

Ông cho biết, tổng vốn chủ sở hữu còn thiếu để đáp ứng yêu cầu vốn điều lệ ở ba tập đoàn là Hóa chất, VNPT và TKV là 40.458 tỉ đồng, căn cứ theo Nghị định 69.

Ông Đông nói: “Con số này nếu so với số thu về từ cổ phần hóa trong 6 tháng qua là 11.161 tỉ thì quá lớn. Số vốn thu được từ cổ phần hóa không đủ bù về cho các doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty so với trước khi cổ phần hóa”.

“Đây là vấn đề chúng tôi muốn nêu lên để khi quyết định điều lệ tập đoàn, tổng công ty phải hết sức cân nhắc. Với yêu cầu có hơn 40.000 tỉ đồng này thì bao giờ Nhà nước mới có đủ?” ông nói.

Ông cho biết, bộ này đang cùng các bộ, ngành khác xem xét phương án chấm dứt hoạt động dưới hình thức tập đoàn kinh tế Nhà nước với năm tập đoàn là Xăng dầu, Cao Su, Hóa chất, Bảo Việt và Dệt May trình Thủ tướng. Lý do là các tập đoàn này đến nay vẫn chưa bổ sung vốn điều lệ đủ, theo Nghị định 69.

“Nếu không thay đổi cái này (chấm dứt hình thức tập đoàn kinh tế), thì ta phải sửa Nghị định 69”, ông nói.

Chủ trì hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư có báo cáo lại đầy đủ tình hình thực hiện Nghị định 69 cho Chính phủ.

Ông cũng thúc giục đẩy nhanh việc thoái vốn: “Thoái vốn dưới giá trị thì bàn mãi rồi. Tôi biết các anh rất lo lắng cái này, bắt đắt, bán rẻ,… đa phần nói về chuyện bán lỗ.” Ông nói thêm trong quyết định của Chính phủ đã nói nếu có triển vọng thì tái cơ cấu lại để sau này bán, nhưng nếu càng để càng lỗ thì bán ngay. Rồi sau đó (mới tính đến) trách nhiệm xử lý việc vi phạm pháp luật.

Ông lấy ví dụ với ngành ngân hàng vẫn phải tái cơ cấu. “Anh nào vi phạm thì xử lý, không ngồi chờ được. Phải báo cáo đầy đủ, rõ ràng với cơ quan có thẩm quyền theo phân cấp.”

Theo báo cáo, các doanh nghiệp đã thoái vốn nhà nước 7.522 tỉ đồng, thu về 11.161 tỉ đồng. Trong đó, thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã đầu tư vào các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, quỹ đầu tư 3.368 tỉ đồng, thu về 3.863 tỉ đồng, bằng 1,15 giá trị sổ sách; đạt 15% số vốn các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cần phải thoái vốn.

Các đơn vị đi đầu là Viettel (thoái 2.655 tỉ đồng, thu về 3.169 tỉ đồng), Vinalines (thoái 918 tỉ đồng, thu về 1.256 tỉ  đồng), VNPT (thoái 596 tỉ đồng, thu về 783 tỉ đồng), EVN (thoái 588 tỉ đồng, thu về 593 tỉ đồng).

Nửa đầu năm nay, 289 doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa năm 2015 đã thành lập ban chỉ đạo; trong đó, 127 doanh nghiệp đang tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp, 44 doanh nghiệp đã có quyết định công bố giá trị doanh nghiệp và 61 doanh nghiệp đã hoàn thành cổ phần hóa.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới