Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

 Nhiều việc Bộ cần làm trước khi tăng học phí  

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

 Nhiều việc Bộ cần làm trước khi tăng học phí  

(SGTO) – Không đợi đến bây giờ, nhiệm kỳ đầu tiên của Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân, mà từ nhiệm kỳ của Bộ trưởng trước (nguyên Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển), đề án tăng học phí đã từng chuẩn bị đặt lên bàn của Thủ tướng.

Trẻ em vùng cao lội bộ năm sáu cây số để đến trường – Ảnh: LÊ TRIẾT

Phỏng vấn trực tuyến

Đề án lúc đó cũng được xây dựng trên những lý do xác đáng và cân nhắc thận trọng, như: học phí đã giữ nguyên suốt 8 năm qua, học phí cần điều chỉnh để góp phần tăng nguồn thu nhằm trang trải chi phí dạy và học, đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo…

Nhưng cũng thời điểm đó, một ngày trước khi dự phiên trả lời chất vấn của Quốc hội trong kỳ họp diễn ra tháng 11 năm 2005, Bộ trưởng Hiển đã phải rút lại đề án tăng học phí dự kiến sẽ chính thức trình Thủ tướng Chính phủ. Lý do, qua đóng góp ý kiến của nhân dân, việc tăng học phí dường như vượt quá sức dân, trong khi đó đề án chỉ tính đến tăng học phí mà lẽ ra phải cần một chính sách đồng bộ hơn trên cả ba vấn đề: học phí, hoc bổng và chính sách hỗ trợ học sinh sinh viên. Tại kỳ họp Quốc hội năm đó, Bộ trưởng Hiển đã phải trả lời chất vấn hàng loạt vấn đề liên quan đến điều chỉnh học phí: ngân sách giáo dục, chương trình sách giáo khoa, thiết bị dạy học, chất lượng giáo dục, đề án đào tạo cán bộ ở nước ngoài…

Vì sao cứ mỗi lần đưa ra đề án tăng học phí đều ít đạt được sự đồng thuận của xã hội, không chỉ ở người lao động bình thường mà cả ở những trí thức trong ngành, các nhà nghiên cứu giáo dục? Người dân Việt Nam, với tinh thần hiếu học và tôn sư trọng đạo, không phải không thấy có nghĩa vụ phải đóng góp với ngành giáo dục, không phải không biết đền đáp công ơn cho các thầy cô đã mang cái chữ đến cho con em của họ. Hơn nữa, người dân cũng biết học phí mà họ đang trả đã quá lạc hậu, bởi qua tám, chín năm nay vẫn giữ nguyên trong khi giá cả sinh hoạt tăng từng ngày và đồng lương thầy cô giáo vẫn hết sức eo hẹp.

Vậy thì, vì sao vậy?

Những người nghèo có con đi học (đa số người dân Việt Nam là người nghèo), nhất là những người có nhiều con đi học, có lẽ sẽ hơn ai hết thấm thía gánh nặng tiền trường mà nhiều năm qua ngành giáo dục đã đặt lên vai họ. Nào chỉ có học phí. Cứ mỗi đầu năm học mới, nhìn cảnh những người lao động nghèo khó chạy vạy kiếm tiền để đóng các khoản cho trường, cho lớp, mới thấy cảm thông cho họ.

Đó là tiền sách giáo khoa mà cứ mỗi năm là mỗi em học sinh phải thay một bộ mới; đứa em không thể dùng lại sách cũ của đứa anh. Đó là tiền đồng phục mà mỗi năm cũng phải thay bộ mới nếu như nhà trường muốn “cải cách” thêm cái nơ, chiếc cà vạt, váy đổi thành quần, áo xanh thành áo trắng, cộc tay thành dài tay…

Đó là tiền đóng góp trang bị cơ sở vật chất cho trường lớp, tiền quỹ chi hội phụ huynh lớp, hội phụ huynh trường, tiền đoàn đội, tiền bán trú, tiền tham quan, tiền vệ sinh…

Và chắc chắn, ngoài học phí chính khoá, phụ huynh sẽ phải “tự nguyện” đóng học phí ngoại khóa, phụ đạo, học thêm. Bậc làm cha mẹ lại cũng không cầm lòng nhìn ánh mắt thất vọng của con khi không thể đóng đủ bao nhiêu là khoản tiền kể trên để cho chúng đàng hoàng đến lớp giống như bao bạn bè trang lứa. Và thế là phải cố gắng, và cố gắng hơn. Cho nên, khi nghe tăng học phí, dù ít dù nhiều, cũng là một nỗi lo lắng của họ.

Với dự thảo đề án học phí mới, Bộ Giáo dục – Đào tạo có nói đề án được xây dựng trên nguyên tắc không để học sinh, sinh viên nào phải nghỉ học vì lý do học phí. Đúng là có những học sinh con nhà nghèo sẽ phải nghỉ học vì bao nhiêu là gánh nặng tiền trường kể trên. Nhưng bộ sẽ yên tâm rằng “Thật chính xác! Chúng nó nghỉ học không phải vì lý do học phí”

Nghĩ lại, nếu như Bộ Giáo dục – Đào tạo chịu khó quan tâm đến những gánh nặng tiền trường như đã nói và tìm cách giảm bớt đi thì nếu có tăng học phí, chắc phụ huynh sẽ không hề kêu ca. Và có thể, sẽ hạn chế được số em phải nghỉ học, dù rằng không phải nghỉ học vì tăng học phí.

Đã bao nhiêu năm nay, dư luận lên tiếng về tình trạng độc quyền in và cung cấp sách giáo khoa, đẻ ra bao nhiêu là hệ lụy, nhưng bộ vẫn chưa chấn chỉnh. Để đến hẹn lại lên, con em chúng ta mỗi năm phải thay sách giáo khoa một lần, phải mua mới cả bộ, không thể mượn được của nhà trường để học, cuối năm trả lại để dành cho lớp đàn em sau.

Đã bao nhiêu năm nay dư luận lên tiếng về tình trạng độc quyền biên soạn sách giáo khoa, dẫn đến chương trình dạy và học đầy bất cập và sai sót. Các thầy cô giáo, những người trực tiếp giảng dạy chương trình, lên tiếng góp ý, nhưng dường như chưa đến tai người có trách nhiệm. Chương trình nặng nề về thi cử, áp đặt, khiến thầy cô giáo phải dạy thêm để đảm bảo chất lượng giáo dục. Học trò phải đi học thêm, còn cha mẹ của chúng phải lo mà kiếm tiền để trả cho học phí dạy thêm (học phí này là bên ngoài nên cũng không phải lỗi nghỉ học vì tăng học phí của bộ).

Vấn đề nữa là minh bạch thu chi của ngành. Ngân sách giáo dục và các khoản đóng góp của nhân dân đã được sử dụng như thế nào, đầu tư vào cơ sở vật chất, mua sắm máy móc thiết bị, bồi dưỡng, tập huấn cán bộ trong ngành ra sao… Ngân sách không thể sử dụng lãng phí để đầu tư cho những vị tiến sĩ có dịp đi ra nước ngoài chỉ nhằm để bồi dưỡng… tiếng Anh.

Có thể nói, người dân đã đóng góp cho ngành giáo dục quá nhiều rồi. Nếu Bộ Giáo dục – Đào tạo chịu rà soát và giảm bớt những khoản phải đóng góp nói trên (như chuyện mua sách giáo khoa, chuyện phải học thêm vì chương trình chính khoá bất cập…) thì sẽ bớt đi gánh nặng tiền trường oằn vai phụ huynh học sinh. Và lúc ấy, chuyện tăng học phí chỉ là “chuyện nhỏ”.   

LÊ UY LINH    

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới