Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhìn cận cảnh các tập đoàn kinh tế

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhìn cận cảnh các tập đoàn kinh tế

Tư Giang

Nhìn cận cảnh các tập đoàn kinh tế
Nhà máy Đóng tàu Phà Rừng thuộc Vinashin. Ảnh: Thanh Tao.

(TBKTSG) – Không ít tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước có thể “lỗi hẹn” với mức tăng trưởng 15% trong năm nay như đã cam kết với Chính phủ hồi đầu năm. Song, câu chuyện không dừng ở đó.

Khi được mời tham vấn về kinh tế vĩ mô cho Chính phủ vào đầu tuần trước, không ít nhà tài trợ quốc tế đã tận dụng cơ hội này để một lần nữa khuyên Việt Nam đẩy mạnh cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vốn đang bị trì trệ.

Trong bối cảnh lãi suất tăng cao, Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo, các công ty có nợ lớn hơn vốn chủ sở hữu thì dễ bị tổn thương hơn. Chuyên gia kinh tế trưởng của WB Deepak Mishra nói: “Chính phủ cần tập hợp và công bố thông tin về bức tranh toàn cảnh về nợ của các DNNN”.

Cũng như WB, nhiều nhà tài trợ khác, trong đó có IMF, đều thúc giục Chính phủ tiếp tục cải cách khu vực kinh tế này.

Những cảnh báo nói trên là có cơ sở. Báo cáo mới công bố của Kiểm toán nhà nước cho biết tại 24 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước được kiểm toán năm 2010, chỉ có bốn doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa mà nguyên nhân chính là “do suy giảm kinh tế”.

Trong khi đó, báo cáo của Bộ Tài chính và các bộ khác trong vài năm nay đã không còn nhấn mạnh đến tiến trình này như trước đây. Trong phần kết luận hội nghị nêu trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thừa nhận: “Những năm vừa qua, chúng tôi phải đối phó với bất ổn kinh tế vĩ mô, nên tiến trình cải cách DNNN bị chậm lại”. Tuy nhiên, ông cam kết trong thời gian tới, Chính phủ sẽ đẩy mạnh cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty của nhà nước.

Nhiệm vụ tăng trưởng 15% là hết sức khó khăn

Trong dự thảo lần ba của báo cáo đề ngày 8-9 của Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương, một phần bức tranh của các DNNN là gam màu xám. Đảng ủy khối cảnh báo: “Hoạt động sản xuất kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp trong khối gặp khó khăn do thiếu vốn đầu tư thực hiện dự án trọng điểm, dẫn đến chậm tiến độ; chi phí đầu vào tăng cao dẫn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp thấp, thậm chí một số doanh nghiệp bị lỗ, nếu không có giải pháp tháo gỡ kịp thời, một số doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, dễ rơi vào khủng hoảng nợ”.

Báo cáo này cho biết, tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) thực hiện tái cơ cấu chậm, sản xuất kinh doanh chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra; một số đơn vị thành viên chưa có khả năng trả nợ lương, bảo hiểm xã hội cho người lao động. Tập đoàn Điện lực lỗ lũy kế tính đến ngày 30-6-2011 là 31.565 tỉ đồng (trong đó năm 2010 lỗ 23.647 tỉ đồng, sáu tháng đầu năm 2011 lỗ ước 7.918 tỉ đồng). Tổng công ty Hàng hải Việt Nam trong sáu tháng đầu năm 2011 lỗ 660 tỉ đồng, khoản nợ nhận từ Vinashin chuyển sang 16.000 tỉ đồng. Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam trong bảy tháng đầu năm 2011 lỗ 1.449 tỉ đồng. Tập đoàn Sông Đà thiếu vốn do chưa được chủ đầu tư thanh toán công nợ lên đến trên 5.500 tỉ đồng.

Theo ước tính của Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương, trong năm nay tập đoàn Điện lực có khả năng lỗ 11.669 tỉ đồng; Tổng công ty Xăng dầu lỗ 1.200 tỉ đồng; Vinashin lỗ 3.092 tỉ đồng; Tổng công ty Hàng hải lỗ 613 tỉ đồng.

Báo cáo cho biết, xét về hiệu quả kinh doanh, ngoài bốn doanh nghiệp nêu trên dự kiến lỗ, thì tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của hầu hết các đơn vị thuộc lĩnh vực sản xuất, thương mại dịch vụ, xây dựng đều giảm sút so với năm 2010. Một số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực vận tải, xây dựng, xi măng, sắt thép có tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đạt thấp, khoảng dưới 5%.

Về thực trạng đầu tư ngoài ngành chính, báo cáo cho biết có 21/31 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, và ngân hàng đầu tư ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính với tổng số vốn đầu tư hơn 22.590 tỉ đồng. Đảng ủy khối cảnh báo: “Một số doanh nghiệp đang thiếu vốn cho đầu tư phát triển ngành nghề kinh doanh chính nhưng lại đầu tư vào lĩnh vực nhạy cảm, tiềm ẩn nhiều rủi ro, mất an toàn vốn”.

Những con số trên mô tả một cách sinh động thực trạng của một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước có quy mô lớn của nền kinh tế. Trong cuộc gặp mặt đầu năm nay với Chính phủ, khu vực kinh tế này được yêu cầu tăng trưởng 15% trong năm nay nhưng xem ra đây là nhiệm vụ khó khăn.

Nhà nước vẫn chìa tay

Tại buổi họp báo Chính phủ ngày 1-9 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ tỏ ra khá cứng rắn với các khoản nợ của Vinashin. Ông nói: “Các khoản vay của Vinashin là các khoản vay thương mại. Nguyên tắc là Vinashin vay thì phải có trách nhiệm trả nợ. Chính phủ sẽ hỗ trợ Vinashin về cơ chế, chính sách để Vinashin được thuận lợi trong sản xuất kinh doanh, giảm dần mức lỗ, tiến tới hòa vốn và có lãi để trả nợ. (Chính phủ giữ) quan điểm như thế về Vinashin”.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ bảo lãnh 1.365 triệu đô la Mỹ cho 16 dự án xi măng. Trong số đó, có bốn dự án được bảo lãnh đang “rất khó khăn” và “khó có khả năng trả nợ”. Đó là các dự án: Đồng Bành 45 triệu đô la Mỹ (Nhà nước bảo lãnh năm 2008), Thái Nguyên 59 triệu đô la Mỹ (2005), Tam Điệp 133 triệu đô la Mỹ (năm 2000) và Hoàng Mai 145 triệu đô la Mỹ (năm 1998).

Bộ trưởng giải thích, theo quy định hiện nay với các khoản Chính phủ bảo lãnh, khi doanh nghiệp không trả được nợ, thì Bộ Tài chính ứng trả nợ thay cho nhiều nhất là ba kỳ. Ông Huệ nói: “Sau ba kỳ mà doanh nghiệp không trả được nợ, thì thực hiện theo Luật quản lý nợ công, tức là bán, thanh lý tài sản thế chấp để thu hồi trả nợ”.

Tuy vậy, vẫn theo lời Bộ trưởng Tài chính, cho đến nay tất cả các dự án xi măng vừa kể chưa đến mức không trả được nợ quá ba kỳ. Có điều, những rủi ro trong việc bảo lãnh các dự án xi măng nói trên đang có nguy cơ trở thành hiện thực. Ông Huệ nói: “Hiện nay, Bộ Xây dựng đang rà soát lại quy hoạch xi măng. Trong khi chờ quy hoạch mới, chúng tôi kiến nghị với Thủ tướng ngừng cấp bảo lãnh đối với tất cả các dự án xi măng cho đến khi Thủ tướng ký quy hoạch mới”.

Ở một góc khác, vẫn có những doanh nghiệp nhà nước, theo dự thảo báo cáo của Đảng ủy khối, làm ăn hiệu quả với mức tăng sản lượng hay doanh thu trong năm nay dự kiến từ 20-50% so với năm 2010. Đó là tập đoàn Dầu khí, Công nghiệp Cao su, Bưu chính Viễn thông và các tổng công ty giấy, cà phê, lương thực miền Bắc. Song sự tăng trưởng này chủ yếu nhờ vào giá cả thế giới tăng hơn là những nỗ lực tự thân từ các tập đoàn và tổng công ty.

Rủi ro cũ vẫn còn đó


Dự thảo báo cáo về thực trạng các doanh nghiệp nhà nước, kể cả khối các ngân hàng quốc doanh, ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước chi phối vốn, của Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương đưa ra hôm 8-9 cho thấy một thực tế là những bất cập của khu vực DNNN hầu như vẫn còn nguyên đó, chẳng hạn như hiệu quả thấp, tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu sụt giảm, nợ xấu của ngân hàng tăng, trong đó có chuyện đầu tư ra ngoài ngành đã được cảnh báo từ lâu…

Tình hình đầu tư ra ngoài ngành của các tập đoàn kinh tế dù đã được siết lại song cũng không cải thiện được là bao. 21/31 doanh nghiệp, ngân hàng đầu tư ra ngoài ngành kinh doanh chính với tổng vốn 22.590 tỉ đồng, trong đó sáu doanh nghiệp đầu tư từ 1.000 tỉ đồng trở lên.

Lần đầu tiên, những cái tên doanh nghiệp được lưu ý nhiều nhất là tập đoàn Dầu khí, đầu tư 6.690 tỉ đồng (gần 4% vốn điều lệ), chủ yếu là đầu tư vào tài chính, tập đoàn Công nghiệp cao su đầu tư 3.700 tỉ (xấp xỉ 20% vốn điều lệ), trong đó hơn 1.500 tỉ là vào bất động sản, trong khi họ làm ăn có lãi mới một hai năm gần đây.Thậm chí thua lỗ, nợ nần nhiều như EVN vẫn rót vốn ra ngoài ngành 2.100 tỉ.

Tóm lại, bất chấp những cảnh báo và thực tế chứng minh, nhiều vấn đề rất cũ của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn trong những năm gần đây đã không được cải thiện đáng kể. Đã vậy, thay vì tập trung vào việc nâng cao năng lực, khối doanh nghiệp này tại cuộc họp hôm 8-9 còn đề nghị Chính phủ chỉ đạo cắt giảm nguồn tín dụng đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân qua các kênh ngân hàng và tín dụng có bảo lãnh của Chính phủ để tạo điều kiện hơn cho doanh nghiệp nhà nước. Đây là một đòi hỏi không thể chấp nhận được.

Ngọc Lan

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới