Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhìn lại 2008: Giải phẫu một cuộc suy thoái

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhìn lại 2008: Giải phẫu một cuộc suy thoái

Chính phủ Mỹ công bố gói cứu nguy ngành tài chính trị giá 700 tỉ đô la Mỹ

(TBKTSG) – Năm 2008 là thời gian đầy “bất ngờ” và “rối loạn” trên thị trường tài chính thế giới. Không chỉ người dân bình thường mà ngay các chuyên gia sừng sỏ cũng không thể nào dự đoán trước Ngân hàng Bear Stearns, 85 tuổi, sụp đổ trong một phút; chỉ một tuần sau đó Ngân hàng Lehman Brothers, 158 tuổi, cũng tiêu vong.

Hồi đầu năm không ai tin rằng các ngành kinh tế xương sống như tài chính-ngân hàng, xe hơi, bất động sản của Mỹ và một số nước khác bỗng chốc rơi vào tình huống tuyệt vọng, phải cầu cứu những khoản trợ giúp khổng lồ của chính phủ để tránh phá sản. Lòng tin vào chủ nghĩa tư bản thị trường tự do bị xói mòn tới mức đã có cảnh báo về sự diệt vong của chủ nghĩa tư bản.

1. Khủng hoảng nhà đất – tan tành giấc mơ Mỹ

Giấc mơ Mỹ đã xa vời

Cuộc khủng hoảng đang diễn ra là một phần của chu kỳ “bùng nổ-suy thoái” của kinh tế tư bản chủ nghĩa nhưng là vụ khủng hoảng trầm trọng nhất từ sau cuộc Đại suy thoái năm 1930. Từ vụ sụp đổ thị trường nhà đất thế chấp ở Mỹ giữa năm ngoái, đến nay khủng hoảng đã lan ra toàn cầu, tác động đến mọi ngành kinh tế với mức độ ngày càng nghiêm trọng.

Mầm mống sâu xa của nó là chính sách lãi suất thấp mà Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) áp dụng từ năm 2001 để kích thích sự phục hồi kinh tế sau đợt sụp đổ các công ty công nghệ thông tin hồi đầu thập niên. Lãi suất thấp, giá vốn rẻ kích thích nhu cầu vay vốn để đầu cơ nhà đất, đẩy giá nhà ở Mỹ lên cao đồng thời hạ thấp chất lượng tín dụng; phương thức cho vay dưới chuẩn (sub-prime) ra đời. Để tránh rủi ro, ngân hàng và các nhà đầu tư “sáng chế” ra hàng loạt công cụ tài chính phức tạp, biến các khoản vay thành cổ phiếu bảo đảm bằng tài sản thế chấp rồi bán ra thị trường chứng khoán.

Sự kiện chấn động đầu tiên là vụ sụp đổ hai quỹ đầu cơ do Ngân hàng Bear Stearns làm chủ chuyên đầu tư vào thị trường tín dụng hồi tháng 6-2007. Các ngân hàng giật mình phát hiện ra rằng những cổ phiếu cứ tưởng là an toàn hóa ra đã bị “nhiễm” cái gọi là “tài sản độc” (toxic mortgage). Cùng thời gian này, số lượng nhà đất bị tịch biên do người mua nhà không thanh toán đúng hạn tăng lên.

Giá nhà ở Mỹ rơi tự do, nhiều tài sản thế chấp có giá thấp hơn giá cầm cố để vay tiền ngân hàng. Cuộc khủng hoảng nhà đất bắt đầu và cho đến cuối năm nay thị trường địa ốc Mỹ đã mất đi 2.000 tỉ đô la và hiện có 11,7 triệu ngôi nhà thế chấp có giá thị trường dưới giá cầm cố, theo tin của CNN. Giấc mơ Mỹ xem ra khá xa vời với nhiều người.

Nạn nhân “chính thức” đầu tiên bị vỡ nợ do khủng hoảng nhà đất Mỹ – Ngân hàng Bear Stearns – bị đối thủ cạnh tranh là Ngân hàng JP Morgan Chase “thôn tính” vào tháng 3-2008 với giá 236 triệu đô la Mỹ, dù giá trị thị trường của Bear Stearns một năm trước là 35 tỉ đô la. Vụ sụp đổ của Bear Stearns, cùng một vài ngân hàng nhỏ khác như IndyMac Bank ở California, Northern Rock ở Anh, đã làm giới ngân hàng lo ngại và co cụm lại, dòng chảy tín dụng bị giảm sút và khủng hoảng tài chính-tín dụng bắt đầu. Tình trạng co cụm càng thêm nguy hiểm khi cuối tháng 3-2008, các ngân hàng công bố mức thất thoát do kinh doanh cổ phiếu “độc” đã lên tới 200 tỉ đô la  và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo, thất thoát do cho vay dưới chuẩn có thể vượt mức 1.000 tỉ đô la.

2. Những chủ nợ biến thành con nợ

“Đại gia” Fannie Mae, chủ nợ biến thành con nợ

Là một trong vài ngân hàng lớn và uy tín nhất thế giới nhưng Ngân hàng UBS (Thụy Sỹ) phải bán bớt cổ phần cho các quỹ đầu tư nhà nước từ Singapore và Trung Đông đồng thời kêu gọi cổ đông đóng góp thêm 15 tỉ franc Thụy Sỹ để tồn tại sau khi thua lỗ hơn 37 tỉ đô la, tính đến cuối tháng 5-2008. Ở Anh, Ngân hàng Barclays công bố lỗ 4,5 tỉ bảng Anh và phải bán 7,7% cổ phần cho một quỹ đầu tư của Qatar để lấy 1,7 tỉ bảng Anh.

Ở Mỹ, hai chủ nợ lớn nhất của thị trường nhà đất Mỹ – tập đoàn Fannie Mae và Freddie Mac, hai tổ chức tín dụng tư nhân nhưng do Chính phủ Mỹ bảo trợ, hiện quản lý khối nợ nhà đất khoảng 5.400 tỉ đô la – cũng là những tập đoàn đầu tiên bị biến thành con nợ. Ngày 7-9-2008, Chính phủ Mỹ quyết định ra tay kiểm soát hai tập đoàn này để ngăn ngừa xu thế sụp đổ nghiêm trọng có thể lan ra các định chế tài chính khác.

Nhưng thị trường vận động theo quy luật riêng của nó và các biến cố diễn ra dồn dập, ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước Mỹ. Ngày 12-9, chỉ 5 ngày sau vụ tiếp quản Fannie Mae và Freddie Mac, các quan chức tài chính cao cấp của Mỹ họp thâu đêm tìm cách cứu Ngân hàng Lehman Brothers, nhưng thất bại. Vụ phá sản của ngân hàng lớn thứ tư của Mỹ Lehman Brothers gây chấn động toàn cầu vì các sản phẩm tài chính của Lehman được trao đổi khắp thế giới. Nhiều nhà đầu tư, ngân hàng ở ngoài nước Mỹ bỗng chốc bị trắng tay vì “lỡ” đầu tư vào các sản phẩm này.

Để tránh vết xe phá sản của Lehman, Ngân hàng Merrill Lynch chấp nhận bán mình cho tập đoàn Ngân hàng Bank of America. Với sự ra đi của các ngân hàng lớn, thị trường tín dụng không chỉ ở Mỹ mà cả châu Âu và Nhật Bản đều rơi vào tình trạng đóng băng, không ai dám cho ai vay tiền vì lòng tin đã suy sụp nghiêm trọng.

Ngày 16-9 một đại gia tài chính khổng lồ khác là tập đoàn Bảo hiểm Mỹ AIG phát tín hiệu cầu cứu, không phải vì thua lỗ do cho vay dưới chuẩn mà do hoạt động bảo hiểm các khoản đầu tư cổ phiếu, gọi là hoán đổi thua lỗ tín dụng (CDS). Vì AIG “quá lớn để sụp đổ” nên FED buộc phải ứng cứu ngay 85 tỉ đô la. Thị trường chứng khoán mất ngay 500 điểm trong một phiên giao dịch, mức rơi lớn nhất từ đầu năm cho tới lúc đó.

3. Khắp nơi “cứu nguy” (bailout), kích cầu (stimulus)

Diễn biến lãi suất cơ bản của Mỹ, hiện đã xuống đến mức 0-0,25%

Từ khi cuộc khủng hoảng tài chính-tín dụng manh nha, FED đã nỗ lực ngăn cản bằng cách sử dụng công cụ tiền tệ: liên tục giảm lãi suất cơ bản. Đến giữa tuần trước thì “sự nghiệp” giảm lãi suất để kích thích kinh tế của Thống đốc FED Ben Bernanke đã “cơ bản hoàn thành”: lãi suất qua đêm liên ngân hàng của Mỹ đã rớt từ mức 3,5% hồi tháng 1-2008 xuống gần không (0%-0,25%) vào giữa tháng 12-2008; và giới quan sát nhận định FED đã “hết đạn”, tức là không còn công cụ lãi suất để can thiệp vào thị trường.

Hành động của FED có ý đồ khích lệ các ngân hàng cho nhau vay tiền, và cho vay thương mại, song biện pháp tiền tệ này tỏ ra không mấy hiệu quả, thị trường chứng khoán vẫn tiếp tục lao dốc không phanh và các ngân hàng vẫn ra sức tích lũy tiền bạc mà không mặn mà với hoạt động tín dụng.

Ngay từ 7-3-2008, FED đã lập quỹ tín dụng đặc biệt cho các ngân hàng vay qua đêm với quy mô 200 tỉ đô la nhưng hiệu quả không đáng kể. Ngày 18-9 Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson công bố kế hoạch dài 3 trang giấy, đề nghị Quốc hội Mỹ phê chuẩn gói cứu nguy 700 tỉ đô la, dùng để mua lại những “tài sản độc” mà các ngân hàng lớn nhất đang nắm giữ, cân đối tài sản của ngân hàng và khôi phục lòng tin. Nhưng với số phiếu 228/205, Hạ viện Mỹ bác bỏ đề xuất này; thị trường chứng khoán lao thẳng xuống đáy, các chỉ số chính Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq đều mất trên dưới 9% trong một phiên giao dịch, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 10-1987. Kế hoạch này sau đó được sửa chữa, bổ sung và được thông qua Quốc hội Mỹ ngày 3-10-2008.

Tuy nhiên, hành động của Mỹ đã tỏ ra quá chậm. Các ngân hàng châu Âu đã dính líu quá sâu vào những cổ phiếu có tài sản thế chấp mà Wall Street cung cấp. Thất thoát từ những khoản đầu tư này, cũng như tác động bởi tình trạng thắt chặt tín dụng bên Mỹ đã đẩy nhiều định chế tài chính châu Âu vào vòng nguy hiểm.

Một tuần sau khi Mỹ phê chuẩn gói giải cứu tài chính 700 tỉ đô la, Chính phủ Đức công bố chính sách bảo đảm toàn bộ các tài khoản tiền gửi tiết kiệm của người dân và thu xếp những khoản tiền cứu nguy cho các ngân hàng lớn. Chính sách bảo đảm tiền gửi của Đức nhanh chóng được các chính phủ châu Á ở Singapore và Hồng Kông đi theo vì các tập đoàn ngân hàng đa quốc gia đều hoạt động mạnh tại hai lãnh thổ này. Giới phân tích bắt đầu kêu gọi một “giải pháp toàn cầu cho cuộc khủng hoảng toàn cầu”.

Bất chấp các gói giải cứu của Mỹ và Đức, tình hình trong tuần đầu tháng 10 xem ra vẫn rất u ám, các chỉ số chứng khoán chính đều tụt dài, trong đó Wall Street mất đi 20% giá trị chỉ trong một tuần. Ngày 8-10, lãnh đạo các ngân hàng trung ương hàng đầu trên thế giới quyết định bước đi đồng bộ đầu tiên là cắt giảm lãi suất cơ bản; đồng thời quyết định mua cổ phần của một số ngân hàng lớn; riêng tại Mỹ, Bộ Tài chính đã bỏ ra 250 tỉ đô la bơm vốn vào 9 ngân hàng lớn nhất, Anh bỏ ra 88 tỉ đô la trong một gói cứu nguy 350 tỉ đô la để “quốc hữu hóa” ba ngân hàng lớn nhất (RBS, Lloyds và HBOS) và Đức cũng chi ra 68 tỉ đô la. Tuy vậy một tuần sau, ngày 15-10, chỉ số chứng khoán Dow Jones rớt 733 điểm (7,87%).

Tháng 10-2008 cũng là thời điểm cuộc khủng hoảng tín dụng chuyển hóa thành cuộc suy thoái kinh tế, tác động đến toàn thế giới và chính phủ các nước lần lượt tung ra các gói cứu nguy để chặn đứng đà suy thoái. Ngày 11-10 lãnh đạo các nước công nghiệp phát triển G7 đề xuất 5 giải pháp đối phó, trong đó có việc tái cấp vốn cho hệ thống ngân hàng, giảm lãi suất cơ bản. Ngày 19-10 Hàn Quốc công bố gói cứu nguy 130 tỉ đô la, tiếp theo là Hà Lan 13,4 tỉ cứu Ngân hàng ING, Thụy Điển 205 tỉ và Anh Quốc tiếp tục bơm thêm 250 tỉ vào hệ thống tài chính. Các nước Nhật Bản, Úc cũng công bố những gói cứu nguy lớn.

Đáng chú ý là lần đầu tiên Trung Quốc thừa nhận tác động của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu và công bố gói kích cầu 586 tỉ đô la Mỹ, đặt trọng tâm vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng và hỗ trợ doanh nghiệp. Tình hình kinh tế Trung Quốc vẫn tiếp tục xấu đi nhanh chóng.

Các nước không có nguồn dự trữ ngoại tệ lớn đã phải chấp nhận những điều kiện khắc nghiệt để vay tiền của Quỹ Tiền tệ Quốc tế nhằm cứu nguy nền kinh tế: Ukraine vay 16,4 tỉ đô la; Iceland vay 2,1 tỉ và Pakistan vay 7,6 tỉ… là những trường hợp tiêu biểu.

Tuần báo Newsweek số ra ngày 22-12-2008 có hình bìa là con số 4 ngàn tỉ đô la – đó là tổng số tiền cứu nguy và kích cầu mà các chính phủ khắp thế giới đã bỏ ra trong năm nay. Tuy vậy, tiền đổ ra như nước chảy vào hang chuột; các ngân hàng được chính phủ cứu nguy thay vì khôi phục và đẩy mạnh hoạt động tín dụng lại tiếp tục tích trữ tiền bạc và tranh thủ thôn tính những đối thủ yếu hơn và tình trạng tín dụng hầu như chưa có sự cải thiện nào.

4. Giá cả biến động

Biến động giá dầu thế giới, từng vượt 147 đô la Mỹ/thùng để rồi tụt dốc xuống dưới mức 40 đô la. Nguồn: Omega Research

Nửa đầu năm 2008, thuật ngữ kinh tế được nói tới nhiều nhất là “lạm phát”. Giá lương thực, đặc biệt là giá dầu mỏ tăng chóng mặt đã đẩy giá sinh hoạt tăng cao ở nhiều nước trên thế giới. Lạm phát vượt mức 25% ở các nước Iran, Venezuela, Việt Nam… gây lo ngại về bất ổn xã hội. Rải rác đã có những cuộc biểu tình phản đối giá cả tăng cao, như ở Philippines. Một số quốc gia như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam bắt đầu áp dụng những chính sách hạn chế xuất khẩu lương thực để bình ổn giá trong nước; nhiều nước khác áp dụng chính sách trợ giá xăng dầu.

Tuy nhiên, xu thế lạm phát không kéo dài một phần nhờ những biện pháp can thiệp tích cực, nhưng phần quan trọng hơn là do nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, năng lượng sút giảm trên toàn cầu do tác động của suy thoái kinh tế. Tín dụng sụp đổ, đầu tư và tiêu dùng đều sút giảm mạnh ở các nền kinh tế phát triển khiến cho giá dầu đột ngột đảo chiều, từ 90 đô la Mỹ/thùng hồi đầu năm tăng lên 147 đô la/thùng vào ngày 14-7-2008 để rồi tụt dốc thảm hại xuống mức 40 đô la Mỹ/thùng hiện nay. Giá các nguyên liệu chiến lược như sắt thép, than đá cũng diễn biến theo xu thế tương tự.

Dự báo cuộc suy thoái kinh tế ở Mỹ và các nước công nghiệp sẽ kéo dài đến giữa năm sau; kinh tế các nước đang phát triển cỡ lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil tiếp tục sút giảm cho nên nhu cầu năng lượng và nguyên liệu sẽ không mạnh như những năm trước. Đó là lý do tại sao Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC vừa quyết định giảm sản lượng 2,2 triệu thùng dầu mỗi ngày (sau khi đã giảm 1,5 triệu thùng mỗi ngày hồi tháng 10) mà giá dầu vẫn tiếp tục đi xuống.

5. Người nghèo trắng tay

Người dân nghèo biểu tình chống tăng giá xăng dầu ở Indonesia ngày 18-5-2008

Lúc đầu các nước đang phát triển tự tin cho rằng sẽ không bị ảnh hưởng nặng bởi cuộc khủng hoảng tín dụng ở phương Tây. Nhưng thực tế, khi các nền kinh tế phát triển co cụm lại, người dân Mỹ và Âu châu bắt đầu thắt lưng buộc bụng thì các nước đang phát triển trở thành nạn nhân. Hoạt động xuất khẩu suy giảm hoặc đình trệ ở nhiều nước buộc hàng trăm ngàn nhà máy phải đóng cửa.

Nền kinh tế nào càng dựa vào xuất khẩu càng bị tác động mạnh. Tiêu biểu nhất là Trung Quốc – công xưởng của thế giới. Đến tháng 10-2008, hai phần ba số nhà máy sản xuất đồ chơi xuất khẩu ở Quảng Đông, khoảng 60.000 nhà máy, đã ngừng hoạt động. Tháng 11-2008, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc lần đầu tiên sút giảm so với năm trước, đe dọa cuộc sống của hàng chục triệu lao động di cư của nước này và bắt đầu làm bùng lên làn sóng bạo động xã hội; tại Quảng Châu, công nhân của một số nhà máy bao vây, phá hoại tài sản của doanh nghiệp do bị thất nghiệp mà không được thanh toán các khoản lương và trợ cấp.

Giảm thuế, hỗ trợ lãi suất tín dụng cho doanh nghiệp, thậm chí trừng phạt những doanh nghiệp nào sa thải từ 40 công nhân trở lên mà không được phép của cơ quan quản lý… là những biện pháp hành chính-kinh tế được các nước Đông Nam Á triển khai để ngăn chặn làn sóng đóng cửa nhà máy, sa thải công nhân, tạm thời duy trì sản xuất để chờ đợi.

Kích cầu tiêu dùng nội địa để bù vào sự suy giảm xuất khẩu cũng được đẩy mạnh trong những tháng gần đây. Ngoài Trung Quốc với khoản đầu tư công 586 tỉ đô la, Ấn Độ cũng công bố bỏ ra 4 tỉ đô la kích cầu, Việt Nam 1 tỉ đô la, còn Singapore và Đài Loan thì phát tiền mặt hoặc phiếu mua hàng miễn phí cho dân để thúc đẩy tiêu thụ trong những dịp lễ cuối năm.

Tuy vậy, khi sản xuất bị đình đốn, thất nghiệp gia tăng thì những biện pháp kích thích người dân tiêu thụ xem ra rất khó mang lại hiệu quả.

6. Bóng ma của chiến tranh thương mại

Cùng với cuộc suy thoái kinh tế, xu thế nhà nước can thiệp mạnh vào thị trường cũng như tâm lý phục hồi sự bảo hộ mậu dịch cũng mạnh dần lên và lấn át những nỗ lực tự do hóa thương mại toàn cầu. Với lý do duy trì tăng trưởng kinh tế để tạo công việc làm cho người dân, Trung Quốc vẫn cố tìm mọi biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu như hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp, đảo ngược quá trình tăng giá của đồng nhân dân tệ, tăng tỷ lệ hoàn thuế xuất khẩu để khuyến khích doanh nghiệp tìm thị trường mới, hạn chế nhập khẩu các sản phẩm công nghệ cao như máy bay Airbus để duy trì thặng dư thương mại…

Hành động của Trung Quốc chắc chắn sẽ gây phản ứng tiêu cực ở các nền công nghiệp phát triển. Khả năng xấu nhất là sẽ nổ ra một cuộc chiến tranh thương mại giữa các nước công nghiệp phát triển và các nước đang phát triển dựa vào xuất khẩu khi các rào cản thương mại và đầu tư được dựng lên trở lại sau nhiều năm vắng bóng. Cuộc thương thảo tháng 12-2008 của Vòng đàm phán Doha không triệu tập được sau nhiều lần đình hoãn là dấu hiệu không may mắn đầu tiên cho kinh tế thế giới trong năm tới.

HUỲNH HOA (Tổng hợp)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới