Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhìn lại để nhìn tới…

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhìn lại để nhìn tới…

(TBKTSG) – LTS: Năm 2010 đã trôi qua với nhiều cung bậc cảm xúc trong mỗi con người. Dù thuộc thành phần nào trong xã hội, chắc hẳn mỗi cá nhân đều có những nghĩ suy, cảm nhận riêng về một năm họ đã sống, làm việc, buồn vui, trăn trở, ước muốn… Năm 2011 đã đến, và mỗi người vẫn tiếp tục sống với công việc của mình, trong môi trường thực tế quanh mình.

Nhóm phóng viên TBKTSG đã ghi lại suy nghĩ của một số giới về những ngày qua, và hy vọng của họ về những ngày sắp đến…

“Nông dân nghèo vẫn hoàn nghèo”

Ông Nguyễn Văn Sáng, nông dân ở thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang

Năm nay cũng không khác gì những năm trước. Cái điệp khúc “được mùa rớt giá” hay “được giá mất mùa” cứ lặp đi lặp lại. Lấy thí dụ hai vụ lúa hè thu và đông xuân vừa qua. Khi giá nhón lên một chút thì nông dân không còn lúa để bán, vì bà con đã bán hết khi vừa thu hoạch xong. Họ không có kho giữ lúa, không có vốn, phải trang trải nợ nần… Còn lúc giá lúa xuống thấp thì có nài nỉ cũng chẳng ai thèm mua.

Không riêng gì cây lúa, hầu hết các loại cây trồng, vật nuôi khác cũng đều lâm vào tình cảnh tương tự. Giá đầu ra cứ trồi sụt, bấp bênh. Giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cây giống, con giống… thì ngày càng tăng. Bà con nông dân làm ra sản phẩm không biết bán cho ai, không tự định đoạt được giá cả.

Cứ kiểu này nông dân sao có thể yên tâm sản xuất, càng không thể tích lũy vốn! ĐBSCL là vùng sản xuất lúa gạo chính của cả nước nhưng đời sống nơi đây luôn phải gánh chịu thiệt thòi, nghèo vẫn hoàn nghèo. Đã vậy, càng về cuối năm, giá cả hàng hóa thiết yếu về tới nông thôn chỉ thấy tăng chớ không thấy giảm, đời sống nông dân càng thêm khó khăn.

Thời gian tới đây, tôi kiến nghị Chính phủ cần có chính sách tạo nguồn vốn dài hạn và ưu đãi cho nông dân, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, cần quy hoạch vùng canh tác, bình ổn giá đầu vào, đầu ra, có dự báo tiêu thụ nông sản ngay từ đầu vụ, kể cả kế hoạch bao tiêu sản phẩm. Làm được vậy thì nông dân mới đỡ khổ.

“Phải kiếm tiền học thêm, cuộc đời mới tốt đẹp hơn”

Chị Hoàng Thị Hằng, 21 tuổi, công nhân một cơ sở may ở quận Tân Bình, TPHCM

Quê tôi ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Tôi vào TPHCM làm công nhân may đã được ba năm. Điều lo lắng lớn nhất của những công nhân xa nhà như tôi là chi phí cho cuộc sống. Năm nay, thực phẩm, rau quả cứ tăng giá đều đều, cả tiền thuê nhà trọ và nhiều chi phí khác cũng vậy. Cuộc sống mỗi lúc một khó khăn hơn.

Làm thân con gái như tôi cũng có nhiều thứ cần phải chi tiêu nhưng vì giá cả hàng hóa cứ tăng nên tôi ít dám nghĩ chuyện mua sắm cho bản thân, cũng hạn chế chi tiêu, ít đi chơi với bạn hơn, chỉ lâu lâu một lần, mấy chị em rủ nhau di dạo một vòng siêu thị, nhưng chỉ để xem thôi.

Hiện tại, lương tháng của tôi là 1,5 triệu đồng. Sống ở cái thành phố đắt đỏ này muốn chi một thứ gì cũng phải tính toán chi li, cân nhắc kỹ lưỡng, không khéo sẽ thiếu hụt ngay. Sợ nhất là những lúc ốm đau bệnh hoạn phải nghỉ làm, thu nhập sụt giảm lại phải chi thêm tiền thuốc. Làm việc khổ cực tôi không ngại nhưng tiền dành dụm cứ mỗi lúc ít dần. Năm nay, tôi không thể gửi tiền đều đặn hàng tháng về cho cha mẹ già như trước nữa, mà phải ba bốn tháng mới gửi một lần.

Chẳng còn cách nào khác, chắc sắp tới đây tôi sẽ phải làm nhiều hơn để kiếm thêm với hy vọng mỗi năm có thể về quê thăm gia đình một lần. Tôi cũng muốn kiếm thêm tiền để học văn hóa ban đêm, vì tôi cũng chỉ mới học hết lớp 11. Tôi chưa bao giờ từ bỏ ý định theo học một trường mỹ thuật may công nghiệp nào đó. Có lẽ chỉ có học thêm thì cuộc đời mới có thể tốt đẹp hơn. Chắc tới khi đó tôi mới dám nghĩ đến chuyện lập gia đình.

“Đua đòi danh lợi làm con người điên đảo, mất phương hướng”

Ông Lê Minh Tiến, giảng viên xã hội học

Tệ nạn xã hội ngày càng xuất hiện nhiều hơn và càng lúc càng nghiêm trọng hơn. Nỗi bất an trong đời sống hàng ngày của người dân ngày càng tăng. Cướp của, giết người, hiếp đáp, tống tình, đua xe phân khối lớn, đạo văn, bằng giả… đều là hệ quả của một xã hội đua đòi theo lối sống hưởng thụ nhưng thiếu cơ sở nền tảng. Người người đua nhau tìm kiếm danh lợi, và trong nhiều trường hợp là bằng mọi giá.

Điều nguy hiểm là khi tham vọng hưởng thụ trong xã hội lên cao mà các cơ hội đạt được trong thực tiễn không nhiều thì áp lực hưởng thụ sẽ khiến con người ta đánh mất những giá trị văn hóa tốt đẹp như: lòng nhân, chữ tín, sự tự trọng, lòng trung thực, tinh thần trách nhiệm… Đó là sự đánh mất những giá trị tạo nên vốn căn bản cho một xã hội lành mạnh, ổn định. Một trong những nguyên nhân của sự xuất hiện ngày càng nhiều những tội phạm trẻ tuổi cũng từ áp lực hưởng thụ này.

Có thể nói, lối sống hưởng thụ đó đã làm rối ren những chuẩn mực xã hội. Trong mọi việc, người ta có xu hướng nhắm đến việc vơ vét cho đầy hầu bao, hoặc sửa sang hào nhoáng bên ngoài. Trong vòng xoáy của thực tế đó, nhiều người trở nên căng thẳng, điên đảo, ảo tưởng, mất phương hướng. Thế mới xảy ra những sự nhố nhăng của đấu giá từ thiện giả, những bi kịch con giết cha, vợ giết chồng, những nỗi đau đớn khi nhận ra có quá nhiều trẻ em đang bị hành hạ, ngược đãi.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào thay đổi thực trạng này để xây dựng một xã hội an hòa hơn, hoặc ít ra là ngăn chặn đà phát triển của những tệ nạn cũ và mới? Câu trả lời, có lẽ, căn bản vẫn là cải cách giáo dục, từ nhà trường đến gia đình và cả xã hội.

Tôi nghĩ các bậc cha mẹ phải thay đổi, nhà trường phải thay đổi cách giáo dục sao cho các em có thể phát triển toàn diện, không chỉ có kiến thức mà còn cả nhân cách có kỹ năng tư duy để phân định được các giá trị sống, có tinh thần hòa ái, sự tự chủ, khả năng tự chịu trách nhiệm…

“Ít có thành phố nào có nhiều người bịt mặt như thành phố chúng ta”

Ông Đặng Văn Khoa, đại biểu HĐND TPHCM

Là đại biểu HĐND thành phố, tôi quan tâm nhất vấn đề môi trường: khói bụi, ô nhiễm nguồn nước, đặc biệt, chuyện ô nhiễm kênh Ba Bò vẫn chưa có hồi kết, là nỗi lo nặng trĩu cho hàng chục ngàn người sống ven kênh, cả ở TPHCM lẫn Bình Dương. Trước đây chúng ta chỉ lo tập trung phát triển kinh tế, thiếu quan tâm môi trường khiến ô nhiễm hiện nay trở nên trầm trọng. Không chỉ kênh Ba Bò, đi dọc kênh Tham Lương, suối Cái và nhiều kênh rạch khác sẽ thấy rõ cuộc sống người dân đang bị nạn ô nhiễm môi trường thập diện mai phục.

Nhẩm đếm lại thấy không có bao nhiêu công viên cây xanh. Vườn hoa, bãi cỏ, những nơi cho thiếu nhi vui chơi cũng không có nhiều trong cái thành phố ngột ngạt, khói bụi dày đặc này. Có lẽ ít có thành phố nào có nhiều người phải bịt mặt khi ra đường như thành phố chúng ta.

Tôi không ước mơ gì cao xa, chỉ mong rằng trong năm 2011, nhiều con đường của thành phố sẽ phủ thêm màu xanh của cây lá, hoa cỏ. Chính từ môi trường dễ chịu, tình cảm con người được nảy mầm, được nuôi dưỡng. Tôi cũng mong trong năm tới, thành phố có thêm các khu vui chơi dành cho thiếu nhi được xây dựng.

“Văn hóa nghệ thuật là để thưởng thức, cảm thụ và sống cùng, không đơn thuần giải trí”

Nhạc sĩ Dương Thụ

Ngày cuối tuần đi qua Nhà hát Thành phố, thấy trên bậc thềm các nghệ sĩ trình diễn miễn phí cho đám đông qua đường. Các biển quảng cáo cũng giới thiệu nhiều hơn những chương trình thính phòng giao hưởng, vừa vui vui, lại cũng thấy buồn buồn. Vui vì một nét đẹp văn hóa, nhưng buồn vì đấy chỉ là cái bề ngoài có vẻ như “làm kiểng” nhằm “trộ” khách du lịch. Bởi chỉ lèo tèo vài người dừng xe máy đứng ngó chơi. Còn bên trong nhà hát? Tôi là khán giả thường xuyên chứng kiến những dãy ghế trống vắng trong những đêm diễn.

Hay như con hẻm trưng biển “Khu phố văn hóa” mà tôi đi về mỗi ngày. Đầu hẻm là rác bẩn và bịch nylon bay phơ phất; giữa hẻm nếu không ồn ào karaoke “nhạc thị trường” thì cũng là nhạc kẹo kéo, “nhạc bán dạo” không thiếu những lời lẽ nhảm nhí; và tít cuối hẻm là đá gà ăn tiền.

Thành phố này có bao nhiêu rạp hát, rạp chiếu bóng, bar-café phòng trà và tụ điểm ca nhạc đang “chạy” hết công suất? Một thành phố tràn ngập âm nhạc và phim ảnh, “huyên náo văn hóa” đến vậy làm sao lòng vẫn buồn? Nhiều lúc muốn “chạy trốn”!

Mảnh đất này rất sôi động, giàu sức sống nhưng dường như văn hóa là để giải trí, không phải để thưởng thức, cảm nhận và sống cùng. Những người làm văn hóa thực sự luôn cảm thấy lạc lõng.

Nhưng cuộc sống không nằm trong suy nghĩ, nó ở ngoài kia, những cái đang diễn ra mới là sự thật. Vậy cái văn hóa, cái nghệ thuật thực sự của những ai đó cũng không thể chỉ nằm trong suy nghĩ, chỉ là sự bức xúc mà không chịu bắt tay làm. Phải hiểu sự thật để ta không ảo tưởng, để ta biết cách tham gia vào nó một cách phù hợp với mình nhất chứ không phải để chối bỏ nó.

Chúng ta vẫn có những con người đang lặng lẽ sống và làm việc, cống hiến cho những giá trị văn hóa bền vững, đặc biệt trong khu vực văn hóa đỉnh cao. Mỗi khu vực đều có nhiều cái mới, có sự suy nghĩ tìm tòi đúng hướng, nhưng chưa có thời gian cho độ chín để thành quả. Làm các chương trình chuyên đề Cà phê thứ Bảy, tôi được tiếp xúc với họ, từ những trí thức văn nghệ sĩ lớn tuổi hàng đầu cho đến các bạn trẻ đang còn vô danh nhưng được đào tạo rất bài bản từ nước ngoài về. Họ đang làm việc rất tốt và có cách nhìn tích cực. Và không phải chỉ ở Cà phê thứ Bảy, có thể tìm ra những con người như vậy ở nhiều nơi khác. Đó là những con người luôn có niềm tin để sống và phấn đấu làm người tử tế cho sự phát triển (đúng nghĩa) ở tương lai.

Và đó cũng là quy luật của sự phát triển: những tài năng thực thụ, những gì thuộc về tinh hoa dù ẩn sâu nhưng luôn có sức sống của nó và sẽ phát triển với thời gian, vấn đề chỉ là nhanh hay chậm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới