Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

NHNN chi 40.000 tỉ đồng tái cơ cấu NH Xây dựng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

NHNN chi 40.000 tỉ đồng tái cơ cấu NH Xây dựng

Nguyệt Thương

(TBKTSG Online) – Ngân hàng Nhà nước hôm nay đã công bố quyết định chuyển đổi mô hình hoạt động của NH TMCP Xây dựng Việt Nam thành Ngân hàng thương mại trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu. Theo Phó Thống đốc Nguyễn Phước Thanh, NHNN sẽ đưa ra 40.000 tỉ đồng để đưa NH Xây dựng trở lại hoạt động bình thường.

NHNN chi 40.000 tỉ đồng tái cơ cấu NH Xây dựng
Ngân hàng NHNN trao quyết định nhân sự cho NH Xây dựng. Ảnh: Thu Nguyệt

Vốn điều lệ của Ngân hàng Xây dựng là 3.000 tỉ đồng. Ngân hàng này kế thừa toàn bộ quyền và lợi ích hợp pháp của Ngân hàng Xây dựng. Ngân hàng Nhà nước trở thành chủ sở hữu (100% vốn điều lệ) của Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam với sự tham gia quản trị, điều hành của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB).Theo đó, gần như 100% nhân sự chủ chốt trong Ngân hàng Xây dựng là do nhân sự của Vietcombank chuyển qua.

Theo thông tin từ NHNN, thời gian qua, hoạt động của Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam đã bộc lộ nhiều yếu kém, việc quản trị, điều hành ngân hàng vi phạm một số quy định của pháp luật. Trước tình hình đó, để kiểm soát rủi ro, giảm thiểu tổn thất tài sản của ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định đặt Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam vào tình trạng kiểm soát đặc biệt theo quy định của pháp luật.

Với tổn thất tài chính nặng nề, trong khi Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam lại không có các giải pháp khả thi để xử lý theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước nên căn cứ theo quy định của Luật các TCTD, Quyết định số 48/2013/QĐ-TTg ngày 1/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc góp vốn, mua cổ phần bắt buộc của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã quyết định mua bắt buộc toàn bộ cổ phần của các cổ đông hiện hữu tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam.

Theo NHNN, việc trực tiếp mua lại toàn bộ cổ phần của Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam giúp NHNN hoàn toàn chủ động để tái cơ cấu ngân hàng này, đảm bảo chi trả tiền gửi, ngăn ngừa sự lây lan các yếu kém của ngân hàng này sang các TCTD khác.

"Đây là biện pháp can thiệp của nhà nước cần thiết nhằm đảm bảo mục tiêu giữ ổn định hệ thống các TCTD và đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp cũng như giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội theo đúng định hướng Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 1/3/2012", thông cáo báo chí viết.

Sau khi tiếp quản Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam, NHNN sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai phương án tái cơ cấu xử lý những tồn tại, yếu kém đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồng thời triển khai các giải pháp phát triển Ngân hàng TM TNHH MTV Xây dựng Việt Nam hoạt động an toàn, đúng pháp luật.

Ông Nguyễn Phước Thanh, Phó Thống đốc NHNN cho biết đến hôm nay NHNN mới chính thức công bố quyết định chuyển đổi ngân hàng này. “Tôi tin ngân hàng sẽ từ từ vượt qua khó khăn. Nhân viên vẫn làm việc bình thường, chế độ bình thường, nhưng ban kiểm soát mới sẽ rà soát bố trí lại để làm sao bộ máy hoạt động hiệu quả và tinh gọn nhất. Việc mua lại Ngân hàng Xây dựng chỉ tác động đến lợi ích của cổ đông cũ,” ông Thanh nói.

Theo ông Thanh, NHNN mua lại bắt buộc ngân hàng này, sau khi cách đây gần một tháng khi Đại hội cổ đông của VNCB không thông qua việc tăng vốn. Do đó, NHNN mua lại nhằm đảm bảo lợi ích người gửi tiền, còn những người đầu tư gây thất thoát mất vốn bị mất quyền lợi là đúng theo luật pháp.

Ông Thanh nói thêm việc mua lại một ngân hàng đã hoạt động thua lỗ là nhằm ổn định chính trị, xã hội để làm sao cho xã hội phát triển bền vững, tránh sự xáo trộn, bất ổn.

“Từ nay khi nhà nước tuyên bố mua thì nhà nước chịu trách nhiệm với người gửi tiền. Điều kiện tài chính của Ngân hàng Xây dựng đủ điều kiện để phá sản, nhưng nhà nước không cho phá sản, và chưa cho trong điều kiện hiện tại để đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền”.

Ông Thanh cho biết thêm, việc này không phải là nhà nước quốc hữu hoá, mà là sự mua bán bình thường, không có sự cưỡng bức mà phải mua bắt buộc. NHNN mua lại Ngân hàng Xây dựng với giá 0 đồng, nhưng sau này NHNN phải có kế hoạch tăng vốn để hỗ trợ, trong đó có việc đưa ra 40.000 tỉ đồng để ngân hàng này trở lại hoạt động bình thường.  NHNN giao trách nhiệm cho Vietcombank để đảm bảo ngân hàng này hoạt động tốt.

Như vậy, đây là lần đầu tiên NHNN đã chính thức chuyển đổi mô hình hoạt động của ngân hàng yếu kém thành ngân hàng 100% vốn nhà nước. Và sắp tới, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể sẽ mua lại 100% cổ phần của hai ngân hàng để tái cơ cấu nữa, đó là Oceanbank và GPBank.

Đây cũng là lần đầu tiên NHNN tham gia tái cơ cấu một ngân hàng thương mại bằng cách tham gia góp vốn mua cổ phần cho dù việc này đã có quy định trong Quyết định số 48/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực từ ngày 20-9-2013.

Theo Quyết định này, NHNN sẽ được góp vốn mua cổ phần ở các ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt; biện pháp mua lại cổ phần của tổ chức tín dụng yếu kém được thực hiện sau khi tổ chức tín dụng đã đảm bảo được khả năng chi trả nhờ được hỗ trợ tái cấp vốn từ NHNN.

Cụ thể, NHNN trực tiếp mua lại vốn điều lệ hoặc cổ phần của tổ chức tín dụng yếu kém để chấn chỉnh, củng cố, lành mạnh hóa một bước; sau đó sẽ tiến hành sáp nhập, hợp nhất với tổ chức tín dụng khác hoặc bán lại cho nhà đầu tư có đủ điều kiện.

Phó TGĐ Vietcombank trở thành Chủ tịch HĐTV Ngân hàng Xây dựng

Ông Nguyễn Văn Tuân – Phó Tổng giám đốc Vietcombank – được điều động giữ chức vụ Chủ tịch HĐTV, với thời hạn 5 năm kể từ ngày điều động và bổ nhiệm.

Ông Đàm Minh Đức – Tổng giám đốc NH Xây dựng hiện tại giữ chức vụ thành viên hội đồng thành viên, kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng Xây dựng, với thời hạn 5 năm.

Ông Phạm Thế Tuân – Phó giám đốc chi nhánh TPHCM của Vietcombank giữ chức thành viên hội đồng thành viên từ lúc được điều động và bổ nhiệm cho đến khi nghỉ hưu.

Ông Trần Trung Tường – Phó giám đốc chi nhánh Bắc Sài gòn của Vietcombank giữ chức vụ thành viên HĐTV trong thời hạn 5 năm kể từ ngày điều động và bổ nhiệm.

Ông Nguyễn Văn Minh – Giám đốc Vietcombank chi nhánh Tiền Giang giữ chức Phó tổng giám đốc Ngân hàng Xây dựng thời hạn 5 năm kể từ ngày được điều động và bổ nhiệm.

Ông Phạm Văn Đạt – Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Xây dựng tiếp tục giữ chức Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Xây dựng, thời hạn 5 năm.

Ông Nguyễn Thanh Quang – Trưởng phòng kiểm tra giám sát tuân thủ Vietcombank Chi nhánh Tân Định, giữ chức vụ thành viên ban kiểm soát.

Ông Lê Ngọc Minh – Cán bộ phòng kiểm tra giám sát tuân thủ thuộc hội sở chính Vietcombank giữ chức thành viên ban kiểm soát Ngân hàng Xây dựng, thời hạn 5 năm.

Ông Lê Quốc Giàn – Phó ban phụ trách kiểm tra giám sát tuân thủ thuộc Vietcombank chi nhánh Tiền Giang giữ chức thành viên ban giám sát Ngân hàng Xây Dựng.

Ông Hoàng Minh Giang – Phó trưởng phòng kế toán Vietcombank TPHCM – giữ chức vụ kế toán trưởng Ngân hàng Xây dựng.

Ông Đỗ Tất Kha – Phó giám đốc Vietcombank chi nhánh Bắc Sài gòn giữ chức vụ thành viên hội đồng thành viên Ngân hàng Xây dựng.

Xem thêm:

Ngân hàng Nhà nước chính thức nắm 100% vốn NH Xây dựng

NHNN có thể mua lại hai ngân hàng Oceanbank và GPBank

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới