Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

NHNN khăng khăng bảo vệ chính sách tiền tệ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

NHNN khăng khăng bảo vệ chính sách tiền tệ

Tư Hoàng

NHNN khăng khăng bảo vệ chính sách tiền tệ
Ông Trương Đình Tuyển gợi ý tỉ giá VND/USD nên giảm thêm 3%. Ảnh TG

(TBKTSG Online) Đại diện ngân hàng nhà nước khăng khăng bảo vệ tính đúng đắn của chính sách tiền tệ, trong khi các chuyên gia kinh tế lại tiếp tục bày tỏ mối băn khoăn về các vấn đề lãi suất, tỉ giá, và nợ xấu tại Diễn đàn Kinh tế Mùa Thu 2014 tổ chức ngày 27-9 tại Ninh Bình.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, mặt bằng lãi suất hiện nay đã quay về mức của năm 2006, và chỉ bằng 40% so với mức của cuối năm 2011 (trên 20%/năm).

Bà Hồng nói: “Lãi suất cho vay hiện nay tạo sự ổn định trên thị trường”, và nhận xét thêm, việc hạ lãi suất tiếp chưa chắc đã giúp tháo gỡ lưu thông tín dụng.

“Việc hạ lãi suất tiếp có thể tháo gỡ lưu thông tín dụng hay không? Thực tế, tín dụng mắc rất nhiều, chứ không phải chỉ là lãi suất”, Phó thống đốc nói.

Nhận xét của Phó thống đốc là để đáp lại lời cảnh báo của chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược tại Diễn đàn, rằng lãi suất của Việt Nam hiện đang thuộc vào nhóm cao nhất trên thế giới, nếu so với lãi suất ở Châu Âu là âm, và ở Nhật Bản là 0%.

“Với mức lãi suất như hiện nay thì doanh nghiệp của chúng ta không thể cạnh tranh được”, ông Lược nhận xét.

Tuy nhiên, lời giải thích của Phó thống đốc chưa làm chuyên gia Võ Đại Lược thỏa mãn. Ông tranh luận, trước đây lãi suất cao đến 18% nhưng vẫn thấp hơn so với lạm phát; còn hiện nay, lãi suất dù đã xuống 6%, thì vẫn cao hơn mức lạm phát là 2%.

Về điểm này, bà Hồng giải thích, chính sách điều hành lãi suất của NHNN phải tương ứng với diễn biến của lạm phát. Lạm phát đạt 3,62% tính đến tháng 9 năm nay so với cùng kỳ năm trước là 3,62%, và kỳ vọng đạt khoảng 5% cả năm 2014.

Bà khẳng Hồng định: “Lãi suất huy động là 5%/năm. Nhiều ngân hàng cho vay dự án tốt, xuất khẩu chỉ với mức lãi suất 6%/ năm”.

Phó thống đốc cho biết thêm, tăng trưởng tín dụng đạt 6,73% tính đến ngày 23-9 so với cuối năm 2013.  Bà hy vọng tín dụng cả năm sẽ tăng 10-12%, sát với chỉ tiêu định hướng mà NHNN đặt ra từ đầu năm.

Nợ xấu cũng là vấn đề trọng tâm mà Phó thống đốc đáp lại các nhận xét băn khoăn của các nhà kinh tế tại Diễn đàn.

Trước đó, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cho rằng, nợ xấu đạt 162,2 ngàn tỉ đồng, tương đương 4,11% vào cuối tháng 7-2014, cao hơn so với 3,61% cuối năm 2013.

Tuy nhiên, ông Thiên nhận xét, tỉ lệ này do NHNN công bố là thấp hơn của các tổ chức quốc tế. Điều này hàm ý rằng, các ngân hàng thương mại hiện vẫn chưa trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, tiềm lực vốn của các ngân hàng thấp hơn con số mà họ công bố.

Ông Thiên cũng cho rằng, VAMC không thể xử lý nhanh nợ xấu do thiếu thể chế thích hợp. Công ty này đã mua được hơn 56.000 tỉ đồng nợ xấu.

Ông khẳng định các khoản cho vay sân sau có thể lên tới “hàng trăm ngàn tỉ đồng”, tức các món vay rất lớn, và VAMC chưa thể đụng tới.

Giải thích băn khoăn nợ xấu của ông Thiên và nhiều nhà kinh tế khác, Phó thống đốc cho biết, VAMC đã mua được khoảng 74.000 tỷ đồng nợ xấu. Đây là điều đáng kể trong bối cảnh công ty này chỉ có vốn điều lệ vỏn vẹn 500 tỉ đồng, và không có đồng nào từ ngân sách nhà nước. Trong khi đó, các nước khác đã mất 10-20% GDP để xử lý nợ xấu.

“VAMC là sáng tạo của Việt Nam và rõ ràng cần có thời gian (để xử lý nợ xấu)”, bà Hồng nói.

Trước đó, nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng, NHNN cần xem xét khả năng hạ giá đồng Việt Nam so với đô la Mỹ khoảng 3% để khuyến khích xuất khẩu và đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ trong điều kiện lạm phát thấp và đang xuất siêu.

Tuy nhiên, Phó thống đốc không đồng tình quan điểm này khi khẳng định, sau thời điểm tỷ giá được điều chỉnh 1%, NHNN quan sát thấy rằng tỷ giá thị trường nằm dưới mức trần tỷ giá quy định. Bên cạnh đó, cán cân thanh toán quốc tế dự kiến sẽ thặng dư 10 tỉ đô la Mĩ năm 2014 cũng không tạo áp lực lớn lên tỷ giá.

“Chính sách tỷ giá nói chung bao giờ cũng đặt ra việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát… Chính sách tỷ giá không phải chỉ tính đến việc hỗ trợ ngành công nghiệp hỗ trợ, mà còn là vấn đề nợ công, nhất là nợ công của ta ở mức cao”, bà Hồng nói.

Bà Hồng nhất mạnh, bà rất đồng tình với đánh giá của Viện phó CIEM Võ Trí Thành là nguy cơ đổ vỡ hệ thống đã được đẩy lùi. “Chỉ một câu ngắn gọn thế thôi, nhưng đó là cố gắng của chúng tôi”, bà nói.

Mời đọc thêm:

>>>Ông Trương Đình Tuyển đề xuất ba trụ cột cho nền kinh tế thị trường

>>>"Chúng ta cố đừng thất vọng!"

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới