Thứ Ba, 16/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

NHNN: không tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

NHNN: không tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá

Tư Hoàng

NHNN: không tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đang trả lời các câu hỏi của đại biểu Quốc hội. Ảnh: TL

(TBKTSG Online) – Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết tăng trưởng tín dụng 21% không phải mục tiêu bắt buộc của Chính phủ, và Ngân hàng Nhà nước không yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá.

> Xem các tin bài liên quan tới tăng trưởng tín dụng

Ông Hưng đã nêu ra lời khẳng định trên trong phiên trả lời chất vấn tại Quốc hội được tường thuật trực tiếp chiều 16-11 và sáng 17-11.

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) nêu vấn đề, thời gian gần đây, một số chuyên gia đã bày tỏ lo ngại về mục tiêu tăng trưởng tín dụng 21% trong năm nay, trong khi 9 tháng đầu năm mới tăng trưởng khoảng 11%. Việc đẩy vốn ra đột ngột trong thời gian ngắn có thể gây đến hậu quả khó lường cho nền kinh tế, trước hết là lạm phát, sau đó là nợ xấu.

Thống đốc cho biết, theo Nghị quyết phát triển kinh tế – xã hội của Trung ương và Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng kịch bản điều hành cho 2017 là tín dụng tăng trưởng khoảng 18%, có sự điều chỉnh linh hoạt tùy theo diễn biến nền kinh tế. Đến cuối tháng 10, tín dụng đã tăng trưởng khoảng 13,66%, cao hơn 1% so với cùng kỳ 2016 – tốc độ này không có gì là đột biến.

Ông Hưng giải thích, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước là tăng trưởng tín dụng đi kèm với chất lượng và tín dụng phải đi vào sản xuất, kinh doanh. Tín dụng 10 tháng đầu năm 2017 đã tập trung vào đúng lĩnh vực ưu tiên như: công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp; xuất khẩu; doanh nghiệp nhỏ và vừa…

“Báo cáo các đại biểu, từ nay đến cuối năm, chúng tôi vẫn giữ tốc độ tăng tín dụng phù hợp với tốc độ phát triển của nền kinh tế, không gây áp lực lên lạm phát và kiểm soát được chất lượng tín dụng”, ông nói.

Ông Hưng khẳng định, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng 21% không phải là lời chỉ đạo của Chính phủ. “Đây không phải là chỉ tiêu bắt buộc phải làm. Chúng tôi không yêu cầu tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá”, ông nói và cho biết, đến thời điểm này, tăng trưởng tín dụng vẫn bình thường, không có gì đột biến, dự báo cũng quanh mức 18% hoặc hơn.

“Chúng tôi ý thức được tín dụng không an toàn có thể tăng nguy cơ trong dài hạn, đặc biệt là nguy cơ lạm phát”, ông nói.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) đặt câu hỏi về việc lãi suất cho vay của các dự án BOT cao, nên tín dụng tập trung vào các dự án này và các dự án bất động sản, khiến dự án khác khó vay, tín dụng không chảy vào đúng nơi cần.

Thống đốc cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã kiểm soát rất chặt chẽ dòng tín dụng vào các dự án rủi ro như bất động sản và BOT. Dư nợ BOT hiện nay thấp hơn trước, với tỷ trọng 1,5% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống, nợ xấu cũng được kiểm soát ở mức rất thấp.

Về bất động sản, 10 tháng đầu năm cho vay với tỷ trọng 6,5%, trong khi năm ngoái là hơn 7%, đã có giảm, kiểm soát được rủi ro và dành tín dụng cho sản xuất kinh doanh và lĩnh vực ưu tiên.

Tuy nhiên, Thống đốc cũng thừa nhận, nhu cầu vay của các dự án BOT và bất động sản vẫn rất lớn, nên NHNN sẽ tiếp tục kiểm soát chặt và chỉ tiếp tục cho vay nếu dự án khả thi và tổ chức đi vay có năng lực thực sự.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) băn khoăn, dự án cao tốc Bắc Nam cần huy động đến 63.000 tỉ đồng, trong đó từ hệ thống ngân hàng là trên 50.000 tỉ đồng. “Thống đốc nói sẽ kiểm soát chặt chẽ cho vay các dự án BOT, tôi cho là rất chính xác, cần kiểm tra hiệu quả đầu tư. Một yếu tố có thể gây tắc nghẽn là số vốn cần cho cao tốc Bắc Nam vượt quá khả năng cho vay của hệ thống tín dụng do ràng buộc pháp lý – không được sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn; không được cho vay vượt quá 15% vốn chủ sở hữu… Vậy mong Thống đốc trả lời về vấn đề này để đại biểu yên tâm bấm nút”, ông Ngân hỏi.

Ông Hưng khẳng định: “Nhu cầu vốn cho dự án đường cao tốc là rất quan trọng, nhưng vấn đề rủi ro của hệ thống ngân hàng cũng quan trọng không kém”.

Thống đốc cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ làm việc với Bộ Giao thông Vận tải để làm rõ vấn đề vốn của các dự án. Nếu khả thi về tài chính thì vẫn sẽ cho vay, nhưng quản trị rủi ro, đặc biệt là rủi ro về kỳ hạn là không thể coi thường. Các dự án BOT thường vay 15-20 năm, thậm chí cao hơn, nguồn vốn rất lớn đến từ hệ thống ngân hàng – vốn huy động ngắn hạn, nên rủi ro chênh lệch kỳ hạn là rất lớn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới