NHNN: Sẽ chỉ huy động vàng qua quan hệ mua bán
Thanh Thương thực hiện
![]() |
Ông Lê Minh Hưng. Ảnh: Thanh Thương |
(TBKTSG Online) – Trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề quản lý thị trường vàng, ông Lê Minh Hưng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết cơ quan này sẽ quản lý hoạt động kinh doanh vàng như quản lý kinh doanh ngoại tệ để chống vàng hoá, đồng thời việc huy động nguồn lực vàng sẽ thông qua quan hệ mua bán chứ không phải kênh gửi tiết kiệm.
Thời báo Kinh tế Sài Gòn xin trích đăng quan điểm của ông Lê Minh Hưng, Phó Thống đốc NHNN về vấn đề này.
Vàng đã gây ảnh hưởng đến ổn định vĩ mô
Vàng bắt đầu có giá trị hơn từ năm 2008, khi bắt đầu xảy ra khủng hoảng kinh tế, một số lớn các nhà đầu tư, đầu cơ đã bỏ một nguồn lực lớn để trú ẩn vào vàng. Còn trong nước, tâm lý người dân vẫn chọn vàng làm tài sản an toàn. Khi mà kinh tế vĩ mô bất ổn, kinh tế thế giới khủng hoảng, lạm phát leo thang, lòng tin vào tiền đồng giảm sút thì việc nắm giữ vàng ngày càng tăng.
Bên cạnh đó, trong những năm trước, khuôn khổ pháp lý về quản lý vàng còn lỏng lẻo .Cả nước có hơn 12.000 doanh nghiệp kinh doanh mua bán vàng miếng, không ai quản lý, tổ chức tín dụng thì huy động và cho vay vàng trong suốt 10 năm, điều chỉ có ở Việt Nam.
Những điều trên gây ra hệ luỵ là khi giá cả biến động người dân đổ xô đi mua vàng, rồng rắn xếp hàng, một lượng lớn tiền đổ vào vàng, không mang lại giá trị gia tăng gì cho nền kinh tế. Khi giá biến động thì nhiều đối tượng lại vơ vét ngoại tệ để nhập lậu vàng về, sản xuất vàng miếng. Tỷ giá trên thị trường tự do lập tức tăng lên, trực tiếp tác động đến thị trường ngoại tệ chính thức. Và trước tình thế đó, NHNN phải mua vàng về để bán bình ổn, ổn định lại thị trường, có lúc gây sức ép lên tỷ giá, buộc NHNN phải điều chỉnh tỷ giá. Mỗi khi điều chỉnh như vậy lại gây mất ổn định vĩ mô, ảnh hưởng đến lạm phát.
Cộng với việc tổ chức tín dụng huy động và cho vay vàng đã khiến một lượng lớn tiền đồng đổ vào vàng, gây ảnh hưởng đến thanh khoản hệ thống ngân hàng, không có lợi cho quốc kế dân sinh. Tất cả các biến cố này tác động mạnh đến kinh tế vĩ mô.
Người dân bán ra 60 tấn vàng trong 5 tháng
Hiện tại, nhà nước đã và đang làm rất nhiều biện pháp, đầu tiên là ban hành Nghị định 95/2011/NĐ-CP về
Gia hạn thời gian huy động không phải vì lợi ích nhóm Theo quy định, đến ngày 25-11 NHNN sẽ cấm tổ chức tín dụng huy động và cho vay vàng. Nhưng nếu đóng thì từ nay đến đó thì họ cần mua vào 20 tấn vàng, dùng tiền đồng để mua vàng thì ảnh hưởng đến thanh khoản hệ thống khi nhu cầu vốn cuối năm đang lớn. Vì vậy NHNN quyết định sẽ gia hạn qua thời gian tết nhưng tối đa là 30-6-2013 sẽ không được huy động nữa. Trong thời gian đó, tổ chức tín dụng chỉ được mua vàng, huy động vàng, thu nợ bằng vàng để giải quyết thanh khoản. Đó là lý do vì sao các ngân hàng được gia hạn. Ở đây, chuyện lợi ích nhóm đã không còn, thay vào đó là ổn định kinh tế vĩ mô. Thực chất, các tổ chức tín dụng được bán vàng vào năm ngoái để bình ổn thị trường, nay phải mua lại với giá cao nên đã lỗ. Đọc báo cáo tài chính quí 3 của họ sẽ thấy rõ điều này. |
xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, sửa đổi bổ sung nghị định 22 về vi phạm hành chính trong ngân hàng, có tính chất răn đe, góp phần tích cực và hiệu quả trong việc chống đô la hoá, vàng hoá. Sau đó chính phủ cũng ban hành nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh vàng, theo hướng vẫn tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh chế tác hàng trang sức mỹ nghệ. Riêng hoạt động sản xuất mua bán vàng miếng nhà nước quy định các điều kiện rất nghiêm ngặt để lập lại trật tự.
Từ bước đi xử phạt nghiêm khắc đó, cộng với việc ban hành khuôn khổ pháp lý thì NHNN đã đạt được kết quả bước đầu rất thành công. Cụ thể như người dân đã không còn đổ xô đi mua vàng. Đồng thời không có hiện tượng nhập lậu vàng nên tỷ giá trên thị trường tự do và chính thức là rất ổn định. Nhà nước đã không còn phải tốn một đồng ngoại tệ nào cho việc nhập vàng. Giúp giảm bớt hiện tượng sốt vàng gây ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô.
Điều này thể hiện bằng việc số dư huy động tiền gửi bằng đồng tăng rất mạnh, đặc biệt là huy động tiền gửi từ dân cư, trong khi tiền gửi ngoại tệ của dân cư giảm mạnh. Người dân đã có niềm tin hơn vào tiền đồng, bằng chứng là họ đã bán ngoại tệ ra để gửi tiền đồng. Từ đầu năm đến nay NHNN đã mua vào hơn 10 tỉ đô la Mỹ, cộng với việc đó là trong 5 tháng gần đây, người dân đã bán ra 60 tấn vàng cho tổ chức tín dụng. Những việc này tạo nên việc thanh khoản đồng nội tệ đã rất dồi dào trong các tháng trước, giúp cho việc cấp tín dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh
NHNN không mua, bán để bình ổn giá vàng
Có cần bán vàng ra để bình ổn thị trường? Không. Vàng không phải là mặt hàng thiết yếu, không mang lại giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Nhà nước sẽ không bình ổn giá vàng, và như vậy nhà nước sẽ không phải tốn ngoại tệ để nhập khẩu, như vậy cũng sẽ không kích hoạt tình trạng vàng hoá và tâm lý nắm giữ vàng của người dân.
Làm thế nào để huy động nguồn lực bằng vàng? Huy động ở đây không phải là huy động tiết kiệm. Nhà nước sẽ ứng xử với vàng đúng như cách đã ứng xử với ngoại tệ. Tức nhà nước sẽ chuyển từ quan hệ vay mượn sang quan hệ mua bán. Cụ thể, pháp luật cho phép người dân mua bán vàng tại các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng đủ điều kiện mua bán vàng. Nếu muốn bảo quản an toàn tài sản của mình, người dân có thể sử dụng dịch vụ giữ hộ, có thu phí. Tổ chức tín dụng sẽ không được phép huy động vàng nữa vì quá rủi ro.
Việc không huy động vàng sẽ giúp người dân giảm thiểu tâm lý giữ vàng. Vì khi người dân vừa dễ mua vàng, vừa được gửi vàng có lãi suất thì người dân sẽ giữ vàng, như vậy lại kích hoạt vàng hoá. Các biện pháp của nhà nước sẽ khiến người dân thấy nắm giữ bằng tiền đồng thì có lợi ích kinh tế lớn hơn là bằng vàng, từ đó, người dân sẽ bán vàng cho tổ chức được phép. Quan hệ lúc đó là cung cầu theo kinh tế thị trường.
Khi mà tổ chức tín dụng đã nắm vàng mà có nhu cầu bán cho nhà nước, NHNN sẽ tham gia thị trường như là biện pháp cuối cùng. Nhà nước chỉ mua khi có lợi cho nhà nước, để làm tăng dự trữ ngoại hối. Còn thị trường vàng có những biến động bất thường, như vấn đề thanh khoản, thì NNHNN bán ra hỗ trợ thị trường, nhưng với giá có lợi cho nhà nước, không bình ổn giá. Nếu mua lượng vàng lớn, nhà nước có thể xuất khẩu để lấy ngoại tệ về. Dù làm cách nào thì cũng làm tăng dự trữ ngoại hối, tăng uy tín và tiềm lực thanh toán đối ngoại cho nhà nước. Cách đó là chuyển một nguồn lực lớn vàng nằm chết thành ngoại tệ hoặc tiền đồng.
Việc huy động vàng dạng gửi tiết kiệm, dù là nhà nước hay tổ chức tín dụng, thì trên thế giới đều không có nghiệp vụ này. Vì rủi ro giá vàng lớn, nếu hoán đổi ra ngoại tệ thì có rủi ro kép về tỷ giá. Nếu huy động rồi gửi ra thị trường quốc tế kỳ hạn rất dài, 9 tháng đến 1 năm, trong khi đó lãi thì thấp, trong khi người dân lại gửi ngắn hạn, như vậy sẽ mất cân đối kỳ hạn, đến ngày đến giờ dân rút vàng mà không có thì phải nhập để trả.
Khi tổ chức tín dụng không huy động vàng, cũng đồng nghĩa với việc không có áp lực phải trả vàng khi đến hạn, như vậy nhu cầu vàng cũng giảm, nguồn cung có thể tăng lên. Áp lực trên thị trường giảm sẽ giúp cho giá vàng đi xuống. Tổ chức tín dụng sẽ chỉ còn chức năng mua bán vàng miếng như các công ty, nhưng cũng sẽ chịu quy định trạng thái vàng hằng ngày như trạng thái ngoại tệ, nhưng vàng sẽ không có trạng thái âm vì chỉ khi mua được vàng, tổ chức tín dụng mới được bán. Ví dụ như mỗi ngày chỉ được mua bằng 10% vốn tự có, nếu không bán hết lượng đó thì không được mua thêm. Như vậy sẽ không có chuyện ngân hàng đầu cơ vàng.