Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhớ nhà văn Sơn Nam qua từng trang sách

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhớ nhà văn Sơn Nam qua từng trang sách

Thu Hà

Nhớ nhà văn Sơn Nam qua từng trang sách
Sách được bán với giá 50.000 đồng – ảnh: NXB Trẻ.

(TBKTSG Online) – Một lần nữa, những bạn đọc yêu văn chương và yêu nhà văn Nam bộ – nhà văn Sơn Nam – sẽ có dịp được đọc về ông trong tập sách “Mười năm đi và sống với Sơn Nam” do NXB Trẻ ấn hành.

Tập sách dày 210 trang được chia làm hai phần. Phần thứ nhất là nội dung tập bút ký “Đi và sống với Sơn Nam” của Đào Tăng được tổ chức lại, có sửa chữa và bổ sung.

Phần thứ hai là Phụ lục, gồm một bài trả lời phỏng vấn của nhà văn Sơn Nam trên tạp chí Văn ở Sài Gòn năm 1968 trong chuyên mục Nhà văn ở phút-nói-thật; một bài viết của giáo sư Đặng Tiến được in trên tạp chí Lý luận văn học tháng 9-2011 viết về Sơn Nam nhân kỷ niệm ba năm ngày mất của ông; và lời giới thiệu 20 tập sách trong bộ sách Sơn Nam của NXB Trẻ.

Sơn Nam – tên thật là Phạm Minh Tày, sinh năm 1926 ở vùng quê Kiên Giang. Hồi đầu thế kỷ, ông nội của nhà văn đã đưa cả gia đình từ cù lao Ông Chưởng ở Long Xuyên đến lập nghiệp ở ven rừng U Minh Cà Mau, nơi phần lớn người Khmer sinh sống. Tuổi thơ của ông được “tắm mình” trong hương sắc của rừng U Minh với muôn vàn cỏ cây, hoa lá, chim muông. Ðó cũng chính là vốn sống và nguồn cảm hứng sáng tác được ông thể hiện trên các trang viết sau này.

Hơn nửa thế kỷ nay, từ thập niên 1950, Sơn Nam được giới văn học cả nước biết đến như một tài năng của văn chương Nam bộ. Ông không những là một nhà văn, mà còn được đánh giá cao như một nhà Nam bộ học, một nhà văn hoá. Những năm gần đây, tác phẩm của ông liên tục được xuất bản và tái bản.

Tác phẩm đầu tay của nhà văn Sơn Nam là một tập thơ mang tựa đề “Lúa reo”, do Hội Văn hoá kháng chiến Kiên Giang xuất bản năm 1948. Năm 1951-1952, với hai truyện ngắn “Bên rừng Cù Lao Dung” và “Tây đầu đỏ”, ông đã giành giải nhất trong cuộc thi do Uỷ ban Kháng chiến – Hành chính Nam bộ tổ chức. Tuy nhiên, ông lại nổi danh trên văn đàn với tập truyện ngắn “Hương rừng Cà Mau”, xuất bản năm 1962.

Ngoài truyện dã sử, truyện ngắn, nhà văn Sơn Nam còn thành công cả ở những công trình biên khảo có hệ thống như “Lịch sử khẩn hoang miền Nam”, “Văn minh miệt vườn Gia Ðịnh xưa”, “Bến Nghé xưa”… Và đây cũng là những đề tài mà ông theo đuổi suốt sự nghiệp.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới