Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhỏ và lớn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhỏ và lớn

Biên Hà

(TBKTSG) – Chuyện “đinh tặc” vốn “nhỏ như cây đinh”, nhưng cứ khiến cho những người dân lương thiện mãi nhức nhối. Gần đây, trên báo có một mẩu tin với nội dung Thành đoàn TPHCM sẽ dành khoảng 250 triệu đồng trong năm 2011 để hỗ trợ cho lực lượng phản ứng nhanh phòng chống đinh tặc. Số tiền này dùng để hỗ trợ cho lực lượng phản ứng nhanh tham gia hút đinh, phát hiện và phản ánh đến cơ quan chức năng để xử lý (Thanh Niên, 31-3-2011).

Trong khi đó, một tờ báo khác đưa tin công an quận Thủ Đức đã trả tự do cho “đinh tặc” Phùng Anh Tuấn do “không đủ chứng cứ xử lý”(!) Trước đó, công an phường Bình Thọ (Thủ Đức) đã phát hiện Tuấn rải đinh tự chế để “bẫy” người đi đường và Tuấn đã khai nhận tội lỗi của mình.

Hai sự việc nói trên cho thấy rõ chuyện “đinh tặc” sở dĩ còn đó và lây lan nhanh chóng là do các cơ quan chức năng làm không rốt ráo, hay nói đúng hơn là thiếu trách nhiệm. Bắt “đinh tặc” là nhiệm vụ của công an, nhưng năm thì mười họa lực lượng này mới tóm được một thủ phạm vậy mà sau đó lại thả về vì “không đủ chứng cứ xử lý” (?!) Bởi nếu cứ hiểu hoặc quy định một cách cứng nhắc đinh của “đinh tặc” X rải phải gây hại cụ thể cho nạn nhân Y, Z nào đó mới kết tội được thì chỉ có nước… thua!

Và thử hỏi bao nhiêu nạn nhân từng bị “lủng túi”, bị thương tật, thậm chí mất mạng trước đó là do ai gây ra? Còn bảo các nạn nhân tự giác đến cơ quan công an khai báo là điều rất khó, bởi không ai muốn mất thời gian, công sức trong khi không biết chắc là có được việc hay không.

Lớn hơn cây đinh gấp vạn lần là những chiếc xe ben to đùng mà có người gọi là “hung thần”. Lâu nay, những “hung thần” này luôn là nỗi khiếp hãi của người đi đường và các loại phương tiện giao thông khác. Mặc kệ cảnh sát giao thông, chúng vẫn cứ thản nhiên chở quá tải, không cần che chắn, chạy như chốn không người, nghênh ngang ra vào đường cấm mà rất hiếm khi bị xử phạt.

Lý do các “hung thần” được ưu ái, mà theo giải thích của những người có trách nhiệm, một phần “do quân số mỏng, không đủ bố trí trên đường”, nhưng mặt khác “do một số anh em (cảnh sát giao thông) nhát tay, không dám xử lý các xe ông nội, tức xe đã được bảo kê” (Tuổi trẻ, 13-4-2011).

Có thể thấy xe “ông nội” mới thật sự là nguyên nhân chính của vấn nạn “hung thần” xe ben tồn tại lâu nay. Và một khi vấn đề “mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật” chưa được thực thi, thì những chuyện như vậy sẽ còn tiếp tục làm khổ dân ta dài dài.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới