Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhóm ngành nào tạo động lực phục hồi kinh tế hậu giãn cách?

V.Dũng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Bằng nhiều cách khác nhau, không ít doanh nghiệp, ngành hàng đã hạn chế được tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, duy trì sản xuất và giữ được đà tăng doanh thu, lợi nhuận. Đây cũng là những nhóm ngành được dự báo sẽ dẫn dắt đà phục hồi của nền kinh tế khi thị trường mở cửa sau giãn cách.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quí 3 ước giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quí đến nay. Tuy nhiên trong bức tranh chung 9 tháng đầu năm vẫn có nhiều ngành đang cho thấy khả năng “vượt bão” Covid-19 tốt và trở thành động lực chính cho nền kinh tế. Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng, công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế.

Ngành sản xuất vật liệu đứng vững trong đại dịch

Theo nhận định của Tổng cục Thống kê, khu vực công nghiệp và xây dựng, công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,05%. Nổi bật nhất là ngành sản xuất kim loại, cụ thể là thép cán có mức tăng trưởng 48,3% so với cùng kỳ, gấp khoảng 3 lần so với mức tăng của cùng kỳ năm 2020.

Nhìn vào kết quả kinh doanh mới công bố của hai doanh nghiệp dẫn đầu ngành thép là Hòa Phát và Hoa Sen cho thấy dường như lĩnh vực này đang miễn nhiễm với dịch bệnh.

Ngành thép đang duy trì được tốc độ tăng trưởng tốt bất chấp đại dịch. Ảnh minh họa: TTXVN

Cụ thể, trong báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất tháng 8, Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG) ước tính doanh thu hơn 4.700 tỉ đồng, bằng 166% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế 320 tỉ đồng, bằng 147% so với cùng kỳ.

Lũy kế 11 tháng niên độ tài chính 2020-2021, HSG ước đạt tổng sản lượng hơn 2 triệu tấn sản phẩm, vượt xa so với kế hoạch 1,8 triệu tấn và bằng 143% so với cùng kỳ. Doanh thu trong 11 tháng của HSG đạt trên 42.500 tỉ đồng, gần gấp đôi so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ước đạt gần 4.000 tỉ đồng, tăng rất mạnh so với lợi nhuận chỉ hơn 1.000 tỉ đồng trong 11 tháng cùng kỳ.

Với lợi thế có cảng biển nước sâu ngay tại nhà máy, sản phẩm thép của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát cũng có nhiều lợi thế cạnh tranh nhờ việc dễ dàng vận chuyển đến các thị trường quốc tế. Tính riêng tháng 8-2021, sản lượng sản xuất thép thô của doanh nghiệp này đạt 681.000 tấn, tăng 40% so với cùng kỳ, trong khi đó, sản lượng bán hàng các sản phẩm thép đạt tới 690.000 tấn.

Doanh nghiệp ngành thép này cũng định hướng đẩy mạnh xuất khẩu đối với các sản phẩm như tôn mạ lạnh và mạ kẽm đến các nước châu Âu, Mỹ, khu vực Nam Mỹ và Đông Nam Á. Đã có thời điểm, sản lượng xuất khẩu tôn mạ lạnh và mạ kẽm của doanh nghiệp chiếm trên 50% sản lượng sản xuất.

Cũng trong ngành vật liệu xây dựng,  Công ty cổ phần Vicostone vừa có báo cáo ước tính kết quả kinh doanh hợp nhất quí 3 với doanh thu và lợi nhuận cùng tăng hai chữ số so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu nhà sản xuất đá thạch anh nhân tạo này ước tính ghi nhận được trong giai đoạn tháng 7-9 là gần 1.859 tỉ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020.

Sau khi trừ giá vốn và các chi phí phát sinh trong kỳ, Vicostone thu về gần 575 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức lợi nhuận trước thuế cao nhất mà nhà sản xuất đá nhân tạo này ghi nhận được trong một quí kinh doanh.

Trong buổi họp báo tháng 8, bà Phí Thị Hương Nga, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng, Tổng cục Thống kê, nhận định việc Chính phủ có chủ trương đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó các công trình có vốn đầu tư công được đặc biệt chú trọng đã làm cho nhu cầu cung cấp nguyên vật liệu cho ngành xây dựng như là sắt thép, xi măng là rất lớn. Điều này thúc đẩy các doanh nghiệp trong ngành này duy trì được tốc độ tăng trưởng ngay cả trong dịch bệnh.

Ngành nào có động lực phục hồi sau giãn cách?

Trong quí cuối cùng của năm 2021 nền kinh tế sẽ bước vào một giai đoạn hoàn toàn mới khi vừa khôi phục kinh tế vừa đảm bảo hoạt động an toàn. Vậy khi nền kinh tế dần mở cửa trở lại, đâu là những nhóm ngành được kỳ vọng dẫn dắt thị trường trong thời gian tới?

Theo ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB (MBS), nhìn về thống kê dòng tiền thì họ vẫn nhận thấy nhóm ngành thép, nhóm chứng khoán được hưởng lợi bởi vẫn hút được dòng tiền và duy trì các tốc độ tăng giá tốt trong những tháng cuối năm.

Ngoài ra, còn có nhóm đầu tư công, nhóm xuất khẩu, nhóm liên quan đến thực phẩm, nhóm cảng biển hoặc là những nhóm phòng thủ như là dược phẩm, bảo hiểm, phân phối điện hay là nước sạch cũng là những nhóm ngành được chú ý.

Chính phủ thúc đẩy giải ngân đầu tư công trong thời gian tới đang hỗ trợ cho đà phục hồi nhóm ngành xây dựng. Ảnh minh họa: V.Dũng

Nhóm ngành công nghiệp chế tạo và vật liệu xây dựng được kỳ vọng nhất bởi động lực của tăng trưởng đến từ đẩy mạnh giải ngân đầu tư công trong thời gian tới. Thực tế, đầu tư công trong 3 quí đầu năm chưa đạt được như kỳ vọng một phần do tác động của đợt dịch lần thứ 4. Đã 9 tháng của năm nhưng giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt 50% kế hoạch cả năm.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Dragon Capital Việt Nam, Chính phủ sẽ phải tăng giải ngân đầu tư công trong giai đoạn để bù đắp lại tăng trưởng yếu của khối tư nhân, đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế. Điều này là cơ sở để nhóm ngành trên tin tưởng vào cơ hội phục hồi sớm trong năm nay.

Nhóm ngành tài chính – chứng khoán đang được kỳ vọng tạo động lực cho sự phục hồi khi dòng vốn đang rẻ vì lãi suất đang thấp và dòng tiền vẫn trú ngụ trên thị trường chứng khoán thêm một thời gian nữa. Theo FiinGroup dự báo, dòng tiền từ thế hệ nhà đầu tư trẻ sẽ còn ở lại thị trường khi các kênh đầu tư thay thế vẫn kém hấp dẫn.

Báo cáo phân tích về các yếu tố cung, cầu trên thị trường chứng khoán của FiinGroup đánh giá, vàng và đô la không còn là ưu tiên với thế hệ nhà đầu tư trẻ của Việt Nam hiện nay. Họ có kiến thức về đầu tư và đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm đầu tư chứng khoán trong nhiều năm vừa qua.

Nhóm phân tích cho rằng các dòng tiền trên, kể cả dòng tiền từ bán chứng khoán, dự báo tiếp tục ở lại trên thị trường cho đến ít nhất là hết quí 1 khi các hoạt động sản xuất kinh doanh được khôi phục ở mức 50-60% so với trước đại dịch.

Trong khi đó, các chuyên gia tại Dragon Capital đặt kỳ vọng vào nhóm ngân hàng bởi lãi suất được dự đoán duy trì ở mức thấp trong thời gian dài sẽ là yếu tố ủng hộ ngành này. Theo đánh giá của chuyên gia Dương Phạm, phụ trách mảng ngân hàng tại Dragon Capital, Việt Nam là một trong số ít quốc gia được hưởng lợi lớn nhất từ môi trường lãi suất thấp.

Mặt bằng lãi suất của các nước trong khu vực đã rất thấp nên không còn nhiều dư địa giảm như tại các ngân hàng Việt Nam. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại cũng tận dụng được chi phí vốn rẻ từ nước ngoài với mức lãi suất 3% mỗi năm, thấp hơn vốn huy động trong nước. Hiện nay, việc huy động vốn từ các tổ chức nước ngoài chiếm 5,5% tổng huy động của các ngân hàng Việt Nam, tăng lên gấp đôi so với 2018.

Ngành dịch vụ đang trong giai đoạn giảm sâu nhất khi chịu ảnh hưởng bởi làn sóng dịch bệnh lần thứ 4. Đà phục hồi cũng có thể chậm hơn các ngành sản xuất vì vẫn phải hoat động trong những phép thử của các chính sách chống dịch mới. Các chuyên gia từ Dragon Capital dự báo ngành sản xuất có thể đạt được mức công suất như trước dịch vào quí 1-2022, còn khu vực dịch vụ sẽ phục hồi quí 2-2022.

1 BÌNH LUẬN

  1. Ngành thép nói riêng và ngành kim loại nói chung như kẽm, đồng… đang thu lợi nhuận khủng trong thời gian đại dịch không phải là do phương pháp điều hành giỏi, mà là sự ghim hàng kìm giá. Tại sao giá quặng sắt thế giới trượt dốc thẳng đứng trong đợt dịch lần thứ 4 tại VN nhưng giá kim loại trong nước vẫn không giảm tương ứng (lý do logistics tăng chi phí chỉ là phần nhỏ).

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới