Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhu cầu lao động tăng, lương có tăng?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhu cầu lao động tăng, lương có tăng?

Thuỳ Dung

Nhu cầu lao động tăng, lương có tăng?
Quang cảnh buổi hội thảo – Ảnh: Thuỳ Dung

(TBKTSG Online) – Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập, nhiều chuyên gia cho rằng, nhu cầu về lao động chắc chắn sẽ tăng nhưng việc có tăng được lương hay không còn phụ thuộc vào năng suất và chất lượng của người lao động.

Đây là thông tin được đưa ra trong buổi hội thảo: “Chính sách tiền lương trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập” do Bộ Lao động Thương binh Xã hội, Hội đồng Tiền lương quốc gia tổ chức trong hai ngày 25-26 tháng 11.

Nhu cầu lao động chắc chắn sẽ tăng mạnh

Tại hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Trung tâm phát triển quan hệ lao động, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho hay, Việt Nam đang tham gia một loạt các hiệp định như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và EU, FTA giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Belarus, Kazakhstan và Nga …

Bản chất những hiệp định thương mại nói chung là làm tăng dòng lưu chuyển hàng hoá, vốn đầu tư, kích thích sự phát triển kinh tế của các nước và nhu cầu về việc làm sẽ tăng lên. Đặc biệt, khi Việt Nam tham gia Cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC) vào năm 2015 thì lao động là một trong 5 yếu tố được tự do di chuyển. Khi đó, AEC sẽ tạo nên sự cạnh tranh về lao động trong ASEAN và tác động không những tới tiền lương mà còn là cơ hội việc làm và năng suất lao động.

Những lĩnh vực có nhu cầu tuyển dụng lao động cao, theo ông Cường bao gồm ngành dệt may, da giày, lắp ráp điện tử, chế biến đồ gỗ… Đây là những lĩnh vực có triển vọng xuất khẩu lớn.

Báo cáo của Tổ chức Lao động thế giới (ILO) cho thấy, sự ra đời của AEC năm 2015 sẽ hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng việc làm thêm 10,5% và nhu cầu đối với việc làm tay nghề trung bình sẽ tăng nhanh nhất, ở mức 28%.

Nhưng tiền lương có tăng?

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho hay, ngành dệt may trong 15 năm qua đều có mức phát triển cao so với các ngành khác, khoảng 15%/năm. Đặc biệt, các FTA được ký kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho ngành dệt may.

“Tuy nhiên, tăng nhu cầu lao động chỉ là một biến số để tăng lương, việc có tăng lương được hay không còn phụ thuộc vào việc chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng, phụ thuộc vào năng suất lao động vì nếu doanh nghiệp tăng lương mà chất lượng lao động không được cải thiện thì sản phẩm sản xuất ra sẽ không cạnh tranh được với các nước dẫn tới đóng cửa doanh nghiệp. Khi đó, lao động không những không được tăng lương mà còn mất việc” – ông Trường nói.

Về vấn đề này, bà Nicola Connolly, Chủ tịch Eurocham (Phòng thương mại Châu ÂU) cho hay, các doanh nghiệp đang phải chịu mức tăng lương tối thiểu quá cao, trung bình 15% mỗi năm trong khi chất lượng lao động tăng chậm. Theo nguyên tắc về lương thì tốc độ tăng lương phải tăng chậm hơn mức tăng năng suất lao động nhưng ở Việt Nam lại làm ngược lại. “Điều này khiến cho doanh nghiệp cảm thấy họ đang phải gánh vác phần trách nhiệm của nhà nước và làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp” – bà Nicola Connolly nói.

Tiền lương của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất trong khu vực ASEAN

Ông Malte Luebke, Chuyên gia cao cấp về tiền lương của Văn phòng ILO, khu vực Châu Á-Thái Bình Dương cho hay, tiền lương tối thiểu của Việt Nam hiện tuy cao hơn Lào, Campuchia và Myanmar nhưng vẫn thuộc nhóm có mức lương tối thiểu thấp nhất trong khu vực ASEAN.

Không chỉ có mức lương tối thiểu thấp, mức lương bình quân của Việt Nam ở mức 3,8 triệu đồng/tháng (181 đô la Mỹ) cũng chỉ cao hơn Lào (119 đô la Mỹ), Campuchia (121 đô la Mỹ) nhưng vẫn thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực ASEAN như: Philippines (206 đô la Mỹ), Thái Lan (357 đô la Mỹ), Malaysia (609 đô la Mỹ), Singapore (3.547 đô la Mỹ).

Chính vì vậy, ông Malte Luebke cho hay, việc tăng lương tối thiểu thời gian qua vẫn chưa ảnh hưởng nhiều tới doanh nghiệp và sức cạnh tranh của Việt Nam so với các nước trong khu vực.

“Lương của Việt Nam thấp chủ yếu do cơ cấu kinh tế của Việt Nam là các lĩnh vực có giá trị gia tăng thấp như nông nghiệp, gia công… Chính vì vậy, muốn tăng lương thì phải chuyển dịch cơ cấu sang các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao hơn như sản xuất, tài chính, dịch vụ….” – ông Malte Luebke giải thích.

Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho hay, trong những năm qua, kinh tế Việt Nam có mức tăng trưởng tốt nhưng GDP trên đầu người, năng suất lao động và chuyển dịch cơ cấu kinh tế kém. Điều này giảm sức cạnh tranh của doanh nghệp và gây khó khăn cho việc nâng lương của người lao động.

Hơn nữa, Việt Nam có tới 95% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó có 65% là siêu nhỏ, khả năng cạnh tranh hạn chế và chủ yếu làm trong lĩnh vực thâm dụng lao động như làm gia công, may mặc, da giày, cơ khí lắp ráp…những ngành này hoàn toàn không có lợi thế. Chính vì vậy, khi kinh tế khủng hoảng những doanh nghiệp này chịu ảnh hưởng đầu tiên, dẫn tới việc tăng lương cho lao động gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Huân, để tăng lương hiệu quả thì phải tăng năng suất lao động và để tăng lao suất lao động thì không còn cách nào khác là phải tái cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hoàn thiện chính sách tiền lương theo nguyên tắc thị trường, gắn với chính sách việc làm, tăng cường thương lượng tiền lương.

Xem thêm:

Lương tối thiểu và năng suất lao động

Cốt lõi vấn đề là năng suất lao động

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới