Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhu cầu mua gạo Việt Nam và Thái Lan tăng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhu cầu mua gạo Việt Nam và Thái Lan tăng

Hải Hà

Nhu cầu mua gạo Việt Nam và Thái Lan tăng
Gạo Việt Nam đang tăng giá nhờ khách hàng từ Trung Quốc – Ảnh: TL.

(TBKTSG Online) – Giá gạo Việt Nam và Thái Lan tuần qua đều tăng nhờ những thông tin tích cực về nhu cầu mua của các khách hàng quốc tế.

Khách hàng Nigeria bất bình về sự tắc nghẽn cảng biển ở Ấn Độ tạo cơ hội cho gạo Thái Lan tăng giá, trong khi nhu cầu từ Trung Quốc là yếu tố hỗ trợ đắc lực thị trường lúa gạo xuất khẩu của Việt Nam ở thời điểm này.

Giá gạo đồ của Thái đã tăng 11% lên mức 612 đô la/tấn, từ 550 đô la chỉ một tuần trước đây, sau khi khách hàng Nigeria chuyển từ Ấn Độ sang Thái Lan.

“Tôi nghĩ Nigeria cần lấp đầy những hợp đồng với khối lượng khoảng 100.000 tấn bằng gạo đồ Thái Lan, sau khi cảng biển Ấn Độ tắc nghẽn”, một thương gia ở Bangkok cho biết.

Chính điều này đã giúp thị trường gạo Thái Lan sôi động trở lại trong tuần qua, với gạo trắng 100% B RI-THWHB-P1 tăng lên mức 560 đô la/tấn, từ 540 đô la một tuần trước.

ViệcThái Lan nhận được 3 hợp đồng mậu dịch liên chính phủ để xuất khẩu 3 triệu tấn gạo mỗi năm sang Bangladesh, Indonesia và Philippines cũng góp phần đẩy giá tăng lên.

Tuy nhiên, các thương gia cho rằng sự sôi động chỉ trong chốc lát, và hoạt động xuất khẩu nhìn chung vẫn trì trệ bởi giá đang ở mức khó có thể cạnh tranh với các đối thủ khác, vì chương trình can thiệp của chính phủ giữ giá gạo Thái cao hơn 100 đô la mỗi tấn so với gạo Ấn Độ và Việt Nam.

Xuất khẩu gạo Thái đã giảm xuống 1,07 triệu tấn từ đầu năm tới nay, chỉ bằng một nửa mức 2,15 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái.

Và một hiện tượng ngoài dự kiến đã xảy ra. Các nhà xuất khẩu đã bắt đầu thành lập các đại lý cho riêng mình và đang tự đóng bao gạo để cố gắng tiêu thụ trên thị trường nội địa.

Chủ tịch Hiệp hội Đóng bao Gạo Thái Lan – tổ chức của các nhà bán lẻ, ông Somkiat Makcayathon cho biết: “Số lượng những nhà bán lẻ mới tăng rất mạnh. Hiện chúng tôi đã thấy có tới 20 đại lý mới”.

Một hậu quả khác nữa là Thái lan có thể mất vị trí nước xuất khẩu số 1 thế giới trong năm nay. Dự kiến Thái Lan sẽ xuất khẩu nhiều nhất là 7 triệu tấn trong năm 2012, thấp hơn nhiều so với mức kỷ lục 10 triệu tấn năm 2011.

Giá gạo Việt Nam tuần qua cũng tăng mạnh, chủ yếu nhờ nhu cầu từ nước láng giềng là Trung Quốc. Giá xuất khẩu tuần qua đã tăng 3% trước khi bắt đầu chương trình thu mua tạm trữ vào ngày 15/3.

“Nông dân giữ lúa lại trước khi chính phủ bắt đầu chương trình mua tạm trữ, cộng với việc một số tàu hàng đang bốc xếp gạo để chở sang Trung Quốc, vậy nên giá đã tăng trong tuần qua”, một thương gia của  một công ty nước ngoài ở TPHCM cho biết.

Lúa đông xuân loại 1 – dùng chế biến thành gạo 5% tấm xuất khẩu – cuối tuần qua tăng lên 7.050-7.250 đồng/kg tại ĐBSCL, tăng khoảng 3% so với 6.700-7.200 đồng hôm 8/3.

Lúa đông xuân loại 2 (dùng sản xuất gạo 25% tấm) tăng ít hơn, thêm 1,5% lên 6.700-6.900 đồng.

Theo kế hoạch, các công ty xuất khẩu sẽ mua 2 triệu tấn lúa đông xuân bắt đầu từ ngày 15-3 kéo dài tới ngày 30-4 để tạm trữ, và sẽ giữ khối lượng đó lại trong kho cho tới 15-6, theo chương trình do chính phủ tài trợ.

Gạo 5% tấm của Việt Nam tuần qua đã tăng lên 425-430 đô la/tấn, FOB, cao hơn 3% so với 410-420 đô la một tuần trước đó.

Gạo 25% tấm giá tăng 1,3% lên 380-400 đô la/tấn.

Từ đầu năm tới nay, Việt Nam đã ký hợp đồng xuất khẩu 200.000 tấn gạo sang Trung Quốc, không kể khối lượng bán tiểu ngạch qua biên giới – thường không được phản ánh ở những thống kê chính thức.

Các thương gia ước tính khối lượng xuất khẩu thực tế sang Trung Quốc ít nhất nhiều gấp đôi so với khối lượng ghi trong các hợp đồng của Hiệp hội Lương thực Việt Nam.

Vị trí đặt bình chọn

Năm 2011 Trung Quốc nhập khẩu 309.000 tấn gạo Việt Nam, cao hơn gần 150% so với 124.500 tấn năm 2010, theo thống kê của Hải quan Việt Nam.

Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines (NFA) mới đây thông báo ngày 19/3 sẽ đấu thầu cấp phép nhập khẩu 190.000 tấn gạo. Các thương gia nhận định Việt Nam sẽ là ứng cử viên số 1 về cung cấp gạo đợt này cho Philippines.

“Philippines là khách hàng truyền thống của Việt Nam, và giá gạo Việt Nam cũng đang rẻ hơn những nước khác, vậy nên chúng tôi không nghi ngờ Việt Nam sẽ chiến thắng”, một thương gia Ấn Độ cho biết.

Hôm 14/3 Philippines thông báo sẽ giới hạn nhập khẩu gạo trong lĩnh vực tư nhân ở 380.000 tấn trong năm nay, nhưng Bộ trưởng Nông nghiệp Proceso Alcala cho biết các hợp đồng liên chính phủ sẽ bổ sung thêm và chắc chắn tổng lượng gạo nhập khẩu sẽ lên tới 500.000 tấn đúng như kế hoạch.

Một đối thủ cạnh tranh mới về xuất khẩu vào thị trường Philippines là Campuchia. Nước này đang kỳ vọng sẽ mở rộng thị trường tiêu thụ ở châu Á, nhất là sau khi nhận được những đơn đặt hàng từ Manila – điều chưa từng có.

Công ty Mega Green Imex Cambodia của Campuchia từ đầu năm tới nay đã nhận được đơn đặt hàng mua tổng cộng 50.000 tấn từ Philippines, nhiều hơn 13.000 tấn so với tổng đơn đặt hàng từ Liên minh châu Âu năm 2011.

(Theo Reuters, Oryza)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới