Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhựa Tân Đại Hưng trao tặng công trình chống sạt lở bờ sông Cần Lố

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhựa Tân Đại Hưng trao tặng công trình chống sạt lở bờ sông Cần Lố

Ngọc Phương

Chiều ngày 24-9-2019 tại thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, UBND huyện Cao Lãnh đã tổ chức buổi lễ nhận công trình kè mềm dài 40 mét chống sạt lở bờ sông Cần Lố, có tổng vốn đầu tư khoảng 2,2 tỉ đồng, do Công ty Cổ phần Nhựa Tân Đại Hưng tài trợ toàn bộ.

Nhựa Tân Đại Hưng trao tặng công trình chống sạt lở bờ sông Cần Lố
Các đại biểu tham quan kè mềm do Công ty CP Nhựa Tân Đại Hưng tài trợ.

Theo số liệu của UBND tỉnh Đồng Tháp, từ năm 2018 đến tháng 6-2019, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra tổng cộng 52 vụ sạt lở trên sông Tiền, sông Hậu tại 21 xã, phường, thị trấn thuộc 8 huyện, thị xã, thành phố, với tổng chiều dài sạt lở 28,5 km, diện tích sạt lở 17,98 ha, thiệt hại ước tính lên đến hơn 43 tỉ đồng.

Nguyên nhân sạt lở chủ yếu do tác động của dòng chảy trên các sông, ngoài ra còn do các hoạt động của con người như: khai thác cát không đúng quy định; xây dựng các công trình trái phép; phương tiện giao thông chạy với tốc độ lớn… Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu và nước biển dâng, thủy điện thượng nguồn… cũng có những tác động đến quá trình sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh.

Để ngăn chặn, khắc phục tình trạng sạt lở, UBND tỉnh Đồng Tháp đã có nhiều biện pháp, bao gồm biện pháp phi công trình như: tổ chức theo dõi, kiểm tra, cắm biển báo và tuyên truyền để nhân dân biết chủ động phòng tránh; phê duyệt đề cương dự toán dự án “Đo đạc, giám sát đánh giá ổn định bờ sông Tiền và thiết lập hành lang sạt lở tại khu vực đông dân cư và cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp”… và cả biện pháp công trình như thực hiện các dự án kè chống, xử lý sạt lở…

Tuy vậy, việc khắc phục sạt lở gặp khá nhiều khó khăn, trong đó kinh phí do trung ương hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình phòng, chống sạt lở còn hạn chế, thời gian thi công các công trình kéo dài là một trong những nguyên nhân chính.

Cho đến nay, tình trạng sạt lở bờ sông tại Đồng Tháp vẫn đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt, tài sản, thậm chí đe dọa đến tính mạng của nhiều hộ dân. Mới đây, tại tuyến đường Thiên Hộ Dương cặp bờ sông Cần Lố sạt lở đã làm mất đi hoàn toàn diện tích đường nhựa nội bộ, khiến người dân và các phương tiện giao thông không thể di chuyển qua khu vực này.

Trước thực trạng trên, Công ty Cổ Phần Nhựa Tân Đại Hưng đã tài trợ toàn bộ kinh phí để xây dựng tuyến kè mềm nhằm khắc phục tình trạng xói lở, khôi phục lại toàn bộ đoạn sạt lở dài 40 mét trên tuyến đường Thiên Hộ Dương, giúp người dân đi lại được thuận tiện.

Theo ông Phạm Trung Cang – Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Nhựa Tân Đại Hưng, trái ngược với “giải pháp xám” (grey solution) là các kết cấu kè cứng bằng bê tông hoặc đá, kè mềm thuộc nhóm “giải pháp xanh” (green solution), là giải pháp tích hợp sử dụng các kết cấu địa kỹ thuật (ống geotube cát và bao cát sinh thái) và vật liệu cát tại chỗ.

Ông Phạm Trung Cang – Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Nhựa Tân Đại Hưng phát biểu tại buổi lễ.

Kết cấu chung của kè mềm gồm ba bộ phận: lấp hố xoáy sâu, hàm ếch, gia cố chân kè, phục hồi mái kè và thân đường giao thông (hoặc đê bao). Tùy từng hoàn cảnh cụ thể mà kỹ sư thiết kế có thể sử dụng cả ba hay từng phần kết cấu của kè mềm. Ưu điểm của loại kè này là đem lại hiệu quả cao với chi phí thấp hơn từ 40 – 70% so với kè cứng, tùy thuộc vị trí và địa hình sạt lở.

Giải pháp này đã được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới trong vòng 10 năm qua. Tại Việt Nam, công nghệ chế tạo các kết cấu địa kỹ thuật đã được Viện đổi mới công nghệ thủy lợi Mekong – MWI (TPHCM) chuyển giao cho tập đoàn Tân Đại Hưng thực hiện nhằm hỗ trợ các địa phương giải quyết vấn đề sạt lở bờ sông kịp thời và phù hợp.

Hiện nay, Công ty Cổ phần Nhựa Tân Đại Hưng đã sản xuất được các mẫu kết cấu vải địa kỹ thuật thay thế hàng nhập khẩu với giá cả hợp lý và kết cấu phù hợp với từng địa phương. Giải pháp này đã áp dụng thành công tại các tỉnh Tiền Giang, TPHCM, Đồng Tháp và có thể áp dụng cho tất cả địa phương đang phải đối mặt với sạt lở bờ sông.

Nhận định về công trình thiết thực này, ông Nguyễn Minh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lãnh cho biết: “Tôi rất ấn tượng khi tham quan thực tế và tìm hiểu về công trình kè mềm do Công ty CP Nhựa Tân Đại Hưng tài trợ tại bờ sông Cần Lố. Dù đây là mô hình thí điểm, nhưng huyện Cao Lãnh sẽ coi như một trong những giải pháp chính, nghiêm túc nghiên cứu để nhân rộng, nhằm khắc phục các điểm sạt lở khác trên địa bàn huyện”.

Công ty Cổ phần Nhựa Tân Đại Hưng trao bảng tặng kè mềm cho đại diện địa phương.

Công ty Cổ phần Nhựa Tân Đại Hưng hiện cũng đã có kế hoạch tài trợ cho tỉnh Bến Tre các công trình kè mềm để bảo vệ bờ biển Thạnh Phú với tổng kinh phí lên tới 10 tỉ đồng. Trong bối cảnh tình trạng sạt lở bờ sông tại Sóc Trăng đã đến mức báo động, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng cũng đã đến tham dự buổi lễ nhằm tìm hiểu để có thể áp dụng tại địa phương này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới