“Nhức đầu” chữ nghĩa báo, đài!
![]() |
Đọc báo, thấy bài “Bệnh sính chữ nghĩa”, có đoạn: “Cách đây không lâu một người bà con ở quê ra thăm tôi. Chúng tôi ngồi với nhau đúng lúc truyền hình phát chương trình về an toàn giao thông. Đang xem bỗng bác ấy hỏi tôi: tham gia giao thông là gì? Tôi nói: là đi đường. Bác ấy hỏi tiếp: sao không nói đi đường cho dễ hiểu mà lại nói tham gia giao thông?”. Thật là… đồng cảm!
Bây giờ, đọc báo, nghe đài nhiều lúc “nhức đầu” với chữ nghĩa người ta dùng. Cũng trong phạm vi giao thông như đề cập ở trên, thường thấy cụm từ: “chủ phương tiện giao thông đường bộ”. Đó là người đã bỏ tiền ra mua chiếc xe đạp, xe gắn máy, xe bốn bánh… Còn “chủ phương tiện giao thông đường thủy” là các ông các bà có tài sản là ghe, tàu các loại. Cớ sao lại phải dài dòng như vậy khi ta có thể gọi vắn tắt là “chủ xe”, “chủ tàu”?!
Cũng khó nhớ như vậy vì dài dòng là cụm từ “giấy phép điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”, “giấy phép điều khiển phương tiện giao thông đường thủy”.
Riêng “hệ giấy phép” còn có cụm từ “giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”, “giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà”… Chợt nhớ ngày trước, khi nói về cụm từ “lòng thòng” này người ta chỉ gọi vắn tắt là “bằng khoán”. Bằng là giấy phép. Khoán là giao cho ai đó cái quyền gì. Thật gọn và dễ nhớ.
Riêng tên các quốc gia, các địa danh nước ngoài mới lộn xộn làm sao. Khi thì Trung Quốc, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Nga… Lúc lại Pa-kít-xtăng, Áp-ga-nít-xtăng, Niu Di-lân, Ốt-xtrây-li-a… Vậy còn Pháp sao không gọi là Phờ-răng, Nhật là Gia-păng…?
Ở đây không bàn đến chuyện cách nào đúng nhất, hay nhất mà chỉ đặt vấn đề cần thống nhất một cách gọi tên các nước, các địa danh… thay cho cái kiểu viết và đọc tùy tiện, bộc lộ sự lúng túng, rắm rối trong việc sử dụng tiếng Việt Nam trên báo, đài (và cả sách) hiện nay.
Nghe trên các đài phát thanh hoặc các đài truyền hình địa phương, kể cả trung ương cũng không kém phần điên đầu. Giống “Ô Môn” thường được bà con trong Nam gọi quen thuộc là “Ô Em”. Vậy mà cô phát thanh viên Đài Truyền hình Việt Nam đọc là “Ô Mờ” khiến nghĩ mãi mới ra đó là giống lúa nổi tiếng khắp cả nước từ lâu này.
Cụm từ PNTR, cũng là phát thanh viên trên đài, người thì đọc “pi en ti a”, người thì đọc “pê en tê e”. Tương tự, nghe các bình luận viên hoặc các người tường thuật trực tiếp bóng đá, khó phân biệt cầu thủ nào với cầu thủ nào. Cũng một cầu thủ đó, khi thì họ gọi theo tiếng Anh, lúc gọi theo tiếng Pháp, thậm chí gọi theo kiểu “bá nạp” vừa Anh vừa Pháp vừa Việt vừa chẳng biết là tiếng nước nào.
Ví dụ như huấn luyện viên trưởng đội tuyển Việt Nam, ông Henrique Calisto thì đọc là Hăng-rít-kê Ca-lít-tô; thủ môn Pháp Bathez thì đọc là Ba-thét… Mới đây, trên sóng VTV nghe đọc quảng cáo một loại thuốc mới có tên Ti-sô-rê, nhưng khi thấy chữ mới biết đó là Tisore. Ai lại Việt hóa chữ tây một cách đầy… tính “dân tộc” như vậy?
Không biết bao giờ tình trạng chữ nghĩa lộn xộn này mới chấm dứt để người dân không còn bị nhức đầu?
CÚC TẦN (Cần Thơ)