Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Những bất cập trong xúc tiến thương mại

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Những bất cập trong xúc tiến thương mại

Trần Sơn Nghĩa

Tham dự một hội chợ chuyên ngành nhiều lần, doanh nghiệp mới hy vọng tìm được đối tác làm ăn lâu dài.

(TBKTSG) – Ba năm qua, ông Thái Hồ Hải, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và sản xuất giày Quế Bằng (TPHCM), không còn mặn mà với những chuyến xúc tiến thương mại (XTTM)  do Nhà nước tổ chức. Lý do mà ông đưa ra là “mình tự đi, hiệu quả xúc tiến sẽ cao hơn”.

Không phủ nhận những lợi ích từ chương trình XTTM quốc gia mang lại cho doanh nghiệp trong nhiều năm qua, nhưng nhiều doanh nghiệp cho rằng còn quá nhiều bất cập trong lĩnh vực này.

Ông Hải dẫn chứng, trong một lần tham dự hội chợ da giày ở Đức, ngay trong đêm khai mạc, khu gian hàng Việt Nam mất điện. Lý do bị mất điện là vì đoàn doanh nghiệp Việt Nam chưa… đóng đủ tiền điện. “Các doanh nghiệp tham dự hội chợ đã đóng tiền đầy đủ cho hiệp hội, nhưng hiệp hội chỉ đóng cho ban tổ chức 50% số tiền, vì thế họ cắt điện”, ông Hải chua chát nói. Với lối hành xử thiếu chuyên nghiệp như vậy, hình ảnh của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam xuất hiện ở các hội chợ quốc tế luôn “lép vế” với những quốc gia khác.

Ngoài ra, hiện những chuyến xúc tiến ở nước ngoài vẫn tập trung nhiều doanh nghiệp ở những ngành nghề khác nhau. Một hội chợ, hội nghị kêu gọi xúc tiến có quá nhiều ngành nghề sẽ không gây ấn tượng với đối tác ở nước sở tại.

Ông Lê Văn Trí, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghiệp cao su miền Nam (Casumina), cho rằng những chuyến XTTM này, chỉ dành cho các doanh nghiệp lần đầu tiên tiếp cận thị trường. Những cuộc gặp như vậy chỉ để cộng đồng doanh nghiệp hai bên nhận diện và biết nhau.

“Nếu doanh nghiệp tìm khách hàng ở những chuyến đi này, tôi e rằng không đủ thời gian để tìm đối tác”, ông Trí nói, những chuyến XTTM do Nhà nước tổ chức vẫn còn tập trung vào hội nghị, hội thảo quá nhiều. Trong khi đó, điều doanh nghiệp cần là những khách hàng cụ thể.

Theo quy định mới về hoạt động XTTM, hiệp hội ngành nghề phải đăng ký đề án, trong đó chứng minh được doanh nghiệp đủ năng lực xuất khẩu vào thị trường dự định thâm nhập.

Nhưng thực tế, nhiều doanh nghiệp cho rằng, điều này không khả thi, và làm nảy sinh vấn đề “xin cho”. Như thế nào là đủ năng lực? Lẽ ra doanh nghiệp phải được hỗ trợ kinh phí xúc tiến khi doanh nghiệp thấy thị trường đó phù hợp với mặt hàng của mình. Nếu doanh nghiệp đã thâm nhập tốt thị trường này, có lẽ họ cũng không cần đến việc hỗ trợ XTTM nữa. Quy định trên đã gây khó cho doanh nghiệp.

Nhà nước cần đưa ra những thị trường trọng điểm và lập kế hoạch xúc tiến cho thị trường này để tránh tình trạng doanh nghiệp đi xúc tiến… mỗi năm một quốc gia như hiện nay.

Nguồn kinh phí hỗ trợ XTTM còn hạn hẹp, hiệu quả của việc XTTM cũng chưa được “cân đo đong đếm” cụ thể cũng là những bất cập khác trong công tác XTTM. Ví dụ, tổng kinh phí XTTM cho ngành xuất khẩu gỗ được Nhà nước phê duyệt trong năm 2009 chỉ vỏn vẹn có 1,1 tỉ đồng. Khoản kinh phí này được rót xuống doanh nghiệp thông qua Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vietforest). Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Chủ tịch Vietforest, mức chi này quá nhỏ so với kim ngạch xuất khẩu gỗ trung bình mỗi năm của ngành là gần 3 tỉ đô la Mỹ.

Khi được hỏi về hiệu quả của việc XTTM bằng kinh phí của Nhà nước trong những năm qua, nhiều hiệp hội thừa nhận là nó đã mang lại lợi ích cho doanh nghiệp nhưng không thể lượng hóa được kết quả. Theo ông Hải, mỗi chuyến XTTM ở nước ngoài, ban tổ chức đều thông báo, doanh nghiệp ký kết biên bản ghi nhớ nhiều triệu đô la.

Những biên bản này sau đó được thực hiện ra sao không ai biết và đến hội chợ sau, lại có những biên bản khác được ký kết. Để đo lường hiệu quả của những chuyến XTTM, mỗi hiệp hội cần theo dõi và thống kê đầy đủ những hợp đồng xuất khẩu có được từ hội chợ, những biên bản ghi nhớ.

Điều này không chỉ để chứng minh tính hiệu quả của chương trình XTTM mà còn là dữ liệu quý giá về thị trường, mà hiệp hội có thể cung cấp cho những hội viên mới gia nhập. Nhưng điều đáng buồn, theo ông Hải, “những con số thống kê hiện nay, chủ yếu để phục vụ cho việc báo cáo thành tích”.  

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, Nhà nước cần thay đổi phương thức XTTM. Đi đôi với điều này, mỗi hiệp hội doanh nghiệp ngành nghề cần thể hiện vai trò “đầu tàu” của mình trong việc tổ chức xúc tiến cho các doanh nghiệp hội viên.

Theo ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam, Nhà nước cần đưa ra những thị trường trọng điểm và lập kế hoạch xúc tiến cho thị trường này. Cụ thể, nếu đặt trọng tâm là thị trường Nhật, doanh nghiệp phải tham dự hội chợ ở quốc gia này không dưới năm lần, mới có thể tồn tại lâu dài ở thị trường này. “Làm điều này, để hạn chế tình trạng doanh nghiệp đi du lịch bằng tiền xúc tiến của Nhà nước”, ông Kiệt phân tích. Đây cũng là giải pháp để sàng lọc những doanh nghiệp không “tâm huyết” với thị trường mà mình muốn thâm nhập, mà chỉ thích đi xúc tiến… mỗi năm một quốc gia như hiện nay.

Về phía doanh ngiệp, để việc XTTM mang lại hiệu quả cao hơn, ông Trí cho rằng doanh nghiệp cần thiết lập ngay mối quan hệ với các thương vụ của Việt Nam ở nước ngoài sau mỗi chuyến đi, bởi đây là kênh xúc tiến hiệu quả mà các doanh nghiệp chưa khai thác hết. Ngoài ra, việc XTTM cũng cần đồng bộ và chuyên nghiệp hơn. Nếu Nhà nước đặt trọng tâm XTTM ở một thị trường mới, cũng phải xét đến những rào cản thương mại của thị trường này trong tương lai. “Chúng ta bỏ nhiều chi phí để thâm nhập một thị trường. Khi hàng Việt Nam có chỗ đứng và tăng trưởng mạnh, quốc gia nhập khẩu lại đưa ra quyết định điều tra chống bán phá giá, yêu cần về an toàn thực phẩm…”, một chuyên gia thương mại phân tích. Nếu không tính đến điều này, việc XTTM sẽ trở nên lãng phí.

Tương tự như vậy, doanh nghiệp trong nước sẽ được hưởng nhiều “quả ngọt” hơn, nếu Nhà nước đẩy mạnh xúc tiến sang thị trường Nhật từ nhiều năm trước, nhằm đón đầu Hiệp định Đối tác kinh tế Việt – Nhật (VJEPA) mới có hiệu lực vào ngày 1-10 vừa qua.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới