Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Những bất ổn tiềm ẩn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Những bất ổn tiềm ẩn

Hiện nhu cần thép xây dựng của Việt Nam ở mức 4-5 triệu tấn/năm trong khi công suất cán thép đã đạt mức 7 triệu tấn/năm – Ảnh: Lê Toàn

(TBKTSG) – Bốn công ty sản xuất thép rất lớn trong nước đã ngưng sản xuất từ một tháng nay. Trong khi đó, ba dự án đầu tư khổng lồ từ nguồn FDI vào ngành thép đã động thổ và ba dự án rất lớn khác đang chờ được cấp phép.

Thép tồn kho cả tỉ đô la Mỹ

Đặc điểm lớn nhất của thị trường thép trong nước là sự thiếu ổn định. Suốt nhiều năm qua, giá thép hết nóng, rồi lại lạnh cứ diễn ra như cơm bữa.  “Nhưng chưa năm nào thị trường thép biến động lạ lùng như năm nay”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang nói với TBKTSG.

Ngành sản xuất này đang đứng đầu các ngành về số lượng văn bản kiến nghị gửi đến các cơ quan quản lý. Và cũng chưa có ngành nào mà các bộ phải liên tục thay đổi chính sách thuế, chính sách xuất nhập khẩu trong một thời gian ngắn để theo kịp những biến động của thị trường như đã làm với ngành thép.

Nửa đầu năm 2008, giá phôi thép trên thế giới tăng đột ngột (tháng 6 và tháng 7-2008, giá phôi thép nhập khẩu tăng gần 40% so với tháng 1) và doanh nghiệp nắm lấy cơ hội này để xuất khẩu (từ nguồn phôi trong nước và từ nguồn nhập khẩu giá thấp từ cuối năm 2007) và thắng lớn.

Doanh nghiệp cán thép cũng không có hàng bán khi giá xuất xưởng cùng thời điểm nói trên đã tăng 76% so với cùng kỳ năm trước. Một số doanh nghiệp thép công bố lợi nhuận sáu tháng đầu năm từ hàng chục lên đến hàng trăm tỉ đồng. Và nếu mọi chuyện cứ theo chiều hướng đó, có lẽ sẽ còn nhiều doanh nghiệp khác chuyển hướng đầu tư vào ngành thép.

Nhưng mọi dự báo đều bị đảo lộn. Tình hình kinh tế toàn cầu suy giảm đã khiến giá phôi thép thế giới giảm xuống hơn một nửa mà cũng không có người mua. Lượng thép tiêu thụ trong nước bốn tháng gần đây chỉ còn bằng một phần ba mức bình quân. Lượng tồn kho sản phẩm quá lớn (hiện là 500.000 tấn phôi và 400.000 tấn thép thành phẩm, tổng trị giá ước tính trên 1 tỉ đô la).

Hiệp hội Thép cho biết từ đầu tháng 9, các nhà máy của Công ty Thép Việt Ý, Natsteel, SSE, Vạn Lợi đã ngừng sản xuất. Nói như ông Lê Mạnh Hoàn, Phó tổng giám đốc Công ty Thép Đình Vũ, hôm 7-10 tại cuộc họp giám đốc các doanh nghiệp thép thì: “Từ giờ đến cuối năm, tất cả các nhà sản xuất thép trong nước đóng cửa, thị trường vẫn thừa thép”.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, chính tình trạng đầu tư tràn lan trong thời gian qua đã dẫn đến kết quả hôm nay. Hiện công suất cán thép của Việt Nam đã đạt mức 7 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu thép xây dựng chỉ ở mức 4-5 triệu tấn/năm. Do vậy, các nhà máy phải hoạt động cầm chừng, chỉ đạt khoảng 55-65% công suất thiết kế.

Khó khăn vẫn chưa dừng ở đó, bởi vì trong quí tới, hàng loạt các dự án lò cao (công suất thấp nhất là 500.000 tấn thép/năm) sẽ đồng loạt được khởi công hoặc nâng công suất gấp đôi. Điều này sẽ khiến nguồn cung thép càng thừa nhiều hơn.

Bên cạnh đó, lượng thép xây dựng (chủ yếu từ Trung Quốc) nhập về không ngừng tăng lên. Theo Tổng cục Hải quan, hơn tám tháng qua đã có 683.000 tấn thép được nhập về, chiếm 22-25% thị phần trong nước.

Những bất ổn tiềm ẩn

Chỉ tính riêng những tháng cuối năm 2007 và đầu năm 2008, ba dự án khu liên hợp luyện thép với công suất cực lớn (theo đăng ký tổng cộng ước chừng 32,42 triệu tấn/năm) đã được khởi công xây dựng. Đó là khu liên hợp thép  Formosa ở Vũng Áng (Hà Tĩnh), dự án thép Tycoon – E.United ở Dung Quất (Quảng Ngãi) và khu liên hợp thép tại Cà Ná, Ninh Thuận (liên doanh giữa tập đoàn Vinashin và Lion Group của Malaysia).

Trong khi đó, hai dự án khác, cũng có công suất xấp xỉ các dự án trên, đang chờ được cấp phép là liên doanh giữa Tổng công ty Thép Việt Nam, Tổng công ty Xi măng và tập đoàn Tata (Ấn Độ) cũng tại Vũng Áng (Hà Tĩnh) và dự án của tập đoàn Posco (Hàn Quốc).

Tập đoàn Thép JFE của Nhật, đứng thứ ba thế giới cũng đang nhắm đến một khu liên hợp công suất 6 triệu tấn/năm tại Dung Quất (Quảng Ngãi)Nếu tất cả các dự án nói trên thực hiện đúng như những gì đã đăng ký, thì sau 5-7 năm nữa, ngành thép Việt Nam sẽ bị “bội thực” hàng chục triệu tấn thép mỗi năm.

Những người lạc quan nhất về triển vọng của thị trường thép trong nước và xuất khẩu cũng chỉ dám nhận định rằng, có lẽ với thị trường Việt Nam và các nước trong khu vực, việc thêm hai nhà máy liên hợp công suất 5-10 triệu tấn/năm trong năm năm tới cũng đã thừa.

Việc chấp thuận quá nhiều dự án lớn khiến cho quy hoạch ngành thép phê duyệt hồi tháng 9-2007 bị phá vỡ (theo quy hoạch này, dự báo nhu cầu thép của Việt Nam đến năm 2020 chỉ ở mức 15-18 triệu tấn thép). Khi cung vượt cầu quá xa sẽ dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt và thua thiệt thường rơi vào các công ty trong nước, nhất là công ty nhỏ.

Một chuyên gia trong ngành thép phân tích rằng: trong số năm dự án FDI đang và chuẩn bị đầu tư, chỉ có một dự án có sự góp vốn của doanh nghiệp Việt Nam, còn lại là dự án 100% vốn nước ngoài. Mặt tích cực của việc đầu tư này là Việt Nam ít bị rủi ro khi phải đầu tư vào ngành sản xuất đòi hỏi lượng vốn quá lớn.

Nhưng mặt trái của nó là Việt Nam đã đánh mất vai trò “chủ nhà” ngay trên chính “sân nhà” mình trong một ngành sản xuất quan trọng của nền kinh tế. Kinh nghiệm của Trung Quốc là nước này chỉ cho phép nước ngoài đầu tư không quá 30%. Thậm chí họ còn không cho đầu tư dự án dạng khu liên hợp hoặc không có công nghệ mới.

Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, tỏ ra lo ngại về khả năng giám sát công nghệ và đánh giá tác động môi trường của Việt Nam đối với các dự án FDI. Ông nói: “Nếu phía Việt Nam không trực tiếp tham gia dự án thì không đủ cơ sở để giám sát, chưa nói đến trình độ giám sát (nếu được góp mặt) cũng còn xa so với trình độ phát triển của công nghệ”.

Do vậy, nếu không có những ràng buộc chặt chẽ, ngành thép Việt Nam có thể sẽ phải đối đầu với những bất ổn tiềm ẩn trong tương lai.

NGỌC LAN

“Doanh nghiệp phải tính toán trước quy hoạch mở”

Trong cuộc trao đổi với TBKTSG hôm 2-10 tại Hà Nội xung quanh vấn đề quy hoạch ngành thép của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang cho biết bản quy hoạch này không phải là bất biến, hay nói cách khác đó là một quy hoạch mở, chỉ mang tính dự báo. Điều này có nghĩa, không phải nếu dự báo nhu cầu trong thời gian tới ví dụ là 10 triệu tấn thì chỉ cho phép đầu tư đúng 10 triệu tấn thôi.

Ông Quang nói thêm:”Tôi lấy ví dụ ở đây đã có một nhà máy thép nhưng nhà đầu tư vẫn muốn đầu tư một nhà máy nữa ngay cạnh đó thì chúng tôi chỉ cảnh báo thôi. Bộ hay địa phương có thể chỉ cho doanh nghiệp thấy những yếu tố bất lợi nhưng không quyết định thay cho họ được. Nếu họ cứ quyết tâm đầu tư nghĩa là họ đã tính toán rồi và chỉ có họ mới biết hiệu quả dự án nằm ở đâu: thị trường trong nước hay xuất khẩu”.

Vậy Bộ Công Thương quan tâm đến những vấn đề gì trong bối cảnh các dự án khu liên hợp thép liên tục ra đời? Ông Dương trả lời: hai vấn đề mà bộ quan tâm nhất là dự án đó có dùng nhiều điện không và có tác động đến môi trường không?

Hiện nay Việt Nam đang thiếu điện, nếu dùng quá nhiều điện năng thì chúng tôi sẽ xem xét rất chặt và có thể đề xuất dừng dự án. Vấn đề khác là những tác động môi trường, công nghệ đưa vào có tiên tiến không. Ngoài ra bộ cũng quan tâm đến một số vấn đề khác như sử dụng nguồn lao động.

Ví dụ như ở Hà Tĩnh có hai khu liên hợp quá lớn, cần đến hàng vạn lao động thì lấy từ đâu để cung ứng đủ? Hiện nay do việc quản lý đầu tư đã được phân cấp nên bộ cũng chỉ là một bên liên quan đến thẩm định dự án, chứ không quyết định toàn bộ việc cấp phép đầu tư dự án được.

NGỌC LAN (ghi)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới