Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Những bí ẩn xung quanh Madoff

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Những bí ẩn xung quanh Madoff

Bernard Madoff (giữa) rời phiên tòa ở New York. Ảnh: Reuters

(TBKTSG Online) – Bằng cách nào Bernard Madoff dễ dàng huy động rất nhiều tiền trong một thời gian dài từ các nhà đầu tư được xem là rất tinh anh? Trong khi chờ đợi bản án của tòa, danh sách các nạn nhân tiếp tục dài ra và vai trò của Madoff vẫn còn nhiều bí ẩn.

Ngày 10-12-2008, Bernard Madoff, nhà tài chính Mỹ bị nghi ngờ tổ chức vụ lừa đảo đa cấp đã nói với vợ và hai con trai như sau: “Bố đã tiêu rồi. Bố đã mất 50 tỉ đô la. Tất cả chỉ là trò lừa đảo khổng lồ”. Sửng sốt trước thông tin trên, Andrew và Mark Madoff lập tức gọi điện cho luật sư và được khuyên đến thẳng FBI. Ngày hôm sau, Ủy ban chứng khoán Mỹ SEC đã kiện và Madoff bị thẩm vấn. Ông ta được tại ngoại sau khi bà vợ Ruth và người em trai Peter đóng 10 triệu đô la tiền bảo lãnh.

Cách giải thích trên của Madoff làm những người hoạt động ở Wall Street phì cười. Nhiều người đưa ra một giải thích khác. Sau khi bảo với các con trai rằng “bố tiêu rồi”, Madoff hẳn đã nói thêm: “Bố đã 70 tuổi. Để không phải đi theo bố ra tòa, chỉ còn một cách: hãy tố cáo bố đi. Các con chẳng biết gì cả”. Với tư cách là một người chủ gia đình, tất nhiên Madoff tìm cách bảo vệ người thân của mình.

Nhưng giả thuyết tòng phạm của các người con Madoff có một lỗ hổng: họ chưa bị tố cáo gì cả dù FBI điều tra từ hơn một tháng nay. Thế nhưng, Madoff là tổng giám đốc và Andrew là giám đốc các hoạt động của quỹ Bernard Madoff Investment Securities (BMIS). Người em trai Peter và cũng là cánh tay phải của Madoff không phải không lo âu.

Madoff hành động một mình hay có tính toán với cả gia đình? Đó là một trong nhiều bí ẩn của vụ án Madoff, trong đó những lỗ hổng to tướng làm người ta hồi hộp theo dõi. Và bộ phận điều tra tài chính của FBI đang làm công việc gỡ rối lại im lặng.

Vụ Madoff là lừa đảo đa cấp theo kiểu lấy tiền của người gửi sau trả lãi cho người gửi trước. Nhưng ngày nay, người ta lại đưa ra những nghi ngờ khác: có hay không chuyện thao túng giá cổ phiếu và trốn thuế. Bởi vì BMIS có hai hoạt động: chính thức là nhà đầu tư cho các khách hàng (Madoff từng là nhà đầu tư hàng đầu của chỉ số Nasdaq) và hoạt động còn lại là nhà quản lý danh mục cổ phiếu (hoạt động này bị giấu kín cho đến năm 2006). Madoff cho biết đã mất đi 17 tỉ đô la trong hoạt động quản lý cổ phiếu. Trong khi đó, chỉ có 20 người làm việc ở bộ phận này, một con số quá ít để quản lý một số tiền khổng lồ như vậy. Cho đến nay, chẳng ai biết gì về những cầu nối giữa hai hoạt động của BMIS.

Ngay từ 1999, Madoff đã bị nghi ngờ sử dụng đến front running, một phương pháp mua ồ ạt cổ phiếu để đẩy giá lên (hoặc hạ xuống) trước khi đề nghị cho các khách hàng. Đây là điều bất hợp pháp, nhưng cũng rất khó chứng minh. Những nghi ngờ về chuyện này có đầy dẫy ở Wall Street. Các cuộc điều tra của SEC về BMIS đều bị khép lại mà không có thêm thông tin gì.

Bernard Madoff là ai? Một thanh niên ở khu phố Queen’s, tại New York, đã gầy dựng công ty vào năm 1960 với 5.000 đô la tiền tiết kiệm. Năm 1970, người em Peter mới gia nhập. Nhờ nắm vững thông thạo các cơ chế tài chính, Madoff đã lên nắm quyền điều hành thị trường cổ phiếu công nghệ Nasdaq vào năm 1990 và trở thành lãnh đạo của Securities Industry Association. 

Madoff thăng tiến nhanh nhờ bắt đầu triển khai mạng lưới quan hệ với những doanh nhân người Mỹ gốc Do Thái, trong đó có nhiều tổ chức từ thiện của người Do Thái. Tất cả hình thành nên một hội đoàn kết chặt bằng niềm tin tự phát lẫn nhau và tạo thành bộ xương ban đầu của quỹ đầu tư Madoff. “Ông bạn” Ezra Merkin là trường hợp tiêu biểu. Rất năng nổ trong các hoạt động cộng đồng Do Thái, Merkin cũng là tổng giám đốc phụ trách tài chính của General Motors.

Sau đó, do thành công của Madoff lan tỏa nhanh, các quỹ đầu tư hàng đầu của Mỹ (nhưng không có ngân hàng lớn nào vì các tổ chức này luôn nghi ngờ) đã ồ ạt đổ tiền vào BMIS, theo sau là các ngân hàng châu Âu. Trong một thông tin mật ngày 17-12, ngân hàng UBS của Thụy Sĩ đã báo cho các nhà đầu tư của mình rằng các vụ chuyển nhượng chứng khoán liên quan đến Madoff chiếm đến “khoảng 10% khối lượng giao dịch của thị trường chứng khoán New York”. Hơn 40 tổ chức tài chính quốc tế đã gửi vào quỹ của Madoff hơn 100 triệu đô la mỗi tổ chức.

Hệ thống tổ chức của Madoff dựa trên hai trụ cột: niềm tin và bí mật. Khách hàng vui vẻ bỏ túi tiền lãi mà không có thêm được thông tin gì. Họ chấp nhận vì họ tin, ít ra là tự thuyết phục mình tin, vì Madoff bảo với họ rằng ông ta có “bí quyết” cho phép sinh lãi cao ngay cả trong trường hợp thị trường chứng khoán có chuyện. Madoff cho truyền miệng rằng ông ta có được – như những nhà tạo lập thị trường – một khoảng thời gian biết trước những thông tin có trước khi giao dịch sớm hơn mọi người. Và ông ta cũng cho biết không kiếm chác gì ở đây. “Khách hàng nghĩ rằng Madoff đã tìm được cách thức hợp pháp để làm điều gì đó bất hợp pháp”, luật sư Matthieu Grollemund ở New York giải thích. Và cứ thế, mối quan hệ thông đồng hình thành.

Trong thực tế, Madoff là nhà tạo lập thị trường cho chính mình. Các ngân hàng lớn cũng làm vậy, nhưng họ chia nhỏ hoạt động của mình ra để tránh chuyện thông đồng với việc quản lý cổ phiếu. Madoff có thể cho ghi vào sổ sách hoạt động thị trường những khoản đầu tư ảo và đồng thời ghi vào sổ sách quản lý danh mục cổ phiếu những cổ tức cũng ảo. Ông ta chứng minh cổ tức có được bằng cách thưởng của mình. Các quỹ đầu tư tự thưởng bằng cách lấy một khoản hoa hồng nhỏ cho việc quản lý vốn và một khoản lớn cho kết quả kinh doanh (lên đến 20% tiền cổ tức). Madoff bảo rằng ông ta kiếm lợi nhuận trên khối lượng giao dịch. Điều này không bất hợp pháp, nhưng kỳ quặc: chẳng ai phản kháng được phương pháp này bằng cách tăng lợi nhuận của mình.

Kết quả là Fairfield Sentry, một trong những quỹ do BMIS quản lý chỉ đầu tư vào 100 công ty hàng đầu của chỉ số Standard & Poor’s 100 (S & P) thuộc dạng dẫn đầu các công ty niêm yết ở thị trường chứng khoán New York, vẫn công bố mức lợi nhuận 5,6% trong tháng 11, trong lúc chỉ số S & P 100 tụt giảm 37,65%. Từ 15 năm nay, quỹ này “chỉ” đạt lợi nhuận trung bình 11%. Những kết quả này làm người ta rất ngạc nhiên mà cũng rất thèm muốn. “Trong giới này, chỉ có thành tích là quan trọng”, luật sư Grollemund bình luận.

Để tìm khách hàng cho quỹ và cho cả hoạt động quản lý các danh mục cổ phiếu riêng, Madoff sử dụng nhân viên làm việc trực tiếp cho mình hoặc nhờ đến feeders funds, những công ty chiêu dụ khách hàng. Lực lượng nhân viên sẽ ve vãn người có tài sản kếch sù thường lui tới các Country Club danh tiếng ở Long Island và Florida, Marbella (Tây Ban Nha) hoặc Gstaad (Thụy Điển). Các công ty chiêu dụ khách hàng thì tìm đến các cá nhân và tổ chức tài chính.

Đối với nhiều khách hàng, có tên ở quỹ Madoff là một bằng chứng tín nhiệm và không phải muốn vào là được. Người săn tìm khách hàng thường nói đại loại: “Tôi biết Madoff. Nếu ông bà quan tâm, tôi không chắc chắn lắm nhưng có thể tìm cách giới thiệu ông bà vào”. Một khi khách hàng dính mồi, các khoản cổ tức hấp dẫn làm nốt phần còn lại. Đa số thích để lãi mẹ sinh lãi con. Trong một thời gian dài, dường như Madoff có quỹ dự phòng: trong trường hợp có yêu cầu rút vốn, ông ta đáp ứng ngay lập tức, nhờ đó làm tăng lòng tin của khách hàng. Do khủng hoảng, nhiều khách hàng đòi rút vốn với lượng tiền quá lớn nên cả hệ thống sụp đổ.

Tại sao các nhà tài chính và ngân hàng lại “dính” sâu vào vụ Madoff? “Phải có ý chí rất cao mới từ chối một thương vụ hấp dẫn đến thế”, một nhà phân tích tài chính bình luận. Chuyện làm ăn càng thuận lợi thì càng ít ai tự thắc mắc. Ngay cả Henry Kaufman, cựu kinh tế gia ở ngân hàng đầu tư Salomon Brothers và là ngôi sao của dự báo chứng khoán cũng bị dính 28,1 triệu đô la. Marc Rich, nhà kinh doanh dầu hỏa thừa nhận đã mất “từ 10 đến 15 triệu đô la”.

Các tỉ phú châu Âu đã đầu tư trực tiếp vào quỹ của Madoff giờ đang im lặng vì cảm thấy bị sỉ nhục và chỉ có thể tự trách mình. Văn hóa bảo mật trong việc quản lý tài sản ngăn không cho các nhà đầu tư chường mặt ra để tố cáo kẻ lừa đảo. Nhưng những người đã dồn hết tiền tiết kiệm vào các ngân hàng có dính đến quỹ Madoff thì giận điên lên. Họ nghĩ rằng mình chỉ gặp rủi ro của thị trường, nhưng lại phát hiện rằng tiền gửi của mình không bao giờ ra đến thị trường mà bị phù phép đi đâu đó.

Giải thích thứ hai là tính phức tạp của các thị trường khiến việc kiểm soát từng khoản đầu tư gần như không thể thực hiện được. Vấn đề còn lại là những ngân hàng uy tín như HSBC của Anh và BNP-Paribas của Pháp cũng không đủ nghi ngờ. Khi chuyên gia giám sát tài khoản của một cơ sở quản lý các quỹ lớn (dù ông ta không có cổ phiếu riêng) là một kế toán viên bình thường như trường hợp ở BMIS, điều đó hẳn phải gây nên sự lo lắng.

Và cuối cùng là những nghi ngờ thông đồng. Trong lịch sử, chuyện lừa đảo theo kiểu đa cấp diễn ra trong thời hạn ngắn. Vụ lừa đảo tầm cỡ như Madoff không thể kéo dài đến 15 năm và có thể, như FBI nghi ngờ, nhiều thập kỷ mà không có một “tổ chức”. Ở Tây Ban Nha, các nhà điều tra muốn hiểu tại sao ngân hàng Santander làm khách hàng mất đến 2,3 tỉ đô la, nhưng chỉ tự công bố có 17 triệu.

Tại London, chi nhánh Madoff Securities International của BMIS phụ trách quản lý danh mục cổ phiếu của các gia đình đang bị xăm soi kỹ. Tại Mỹ, mọi chú ý tập trung vào Fairfield Greenwich Advisors, khi nhà sáng lập Walter Noel Jr. làm việc với Madoff từ gần 20 năm nay. Ông này tuyên bố thiệt hại 7,5 tỉ đô la, nhưng FBI thắc mắc: liệu BMIS có là công cụ trung gian hoặc che chắn cho những vụ trốn thuế hoặc vốn của ông ta hoặc của những đối tác? Rồi thì các nhà điều tra cũng sẽ giải đáp được bí ẩn này.

TẤN LỘC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới