Thứ Sáu, 9/06/2023, 12:48
31 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Những cánh rừng chìm dưới đáy sông

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Những cánh rừng chìm dưới đáy sông

Gỗ lậu được kết thành bè vận chuyển trên sông Vu Gia bị bắt giữ. Ảnh: Khải Phong.

(TBKTSG) – Đến Quảng Nam mới cảm nhận hết sự phức tạp của cuộc chiến chống lâm tặc

Chúng tôi xuất phát từ sớm tại một bến sông bí mật. Không có đường xuống thuyền, từng người bám vào một nhánh cây mọc sát sông tụt xuống, ở dưới có ca nô và thuyền máy đợi sẵn.

Trời còn tối không rõ mặt, chỉ nghe tiếng súng chạm vào nhau lách cách. Không chỉ công an, kiểm lâm, bộ đội mang súng mà ngay cả giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), chủ tịch huyện (Đại Lộc) cũng khệ nệ súng ngắn bên hông.

Tôi biết, tính chất của cuộc chiến chống lâm tặc hiện nay đã buộc những ai tham gia phải phòng vệ như thế. Từ tháng 2-2008 đến cuộc tuần tra này (đầu tháng 6), hàng chục cán bộ kiểm lâm đã bị hành hung, nhiều người phải nhập viện, nhiều người đã đổ máu trên dòng sông này vì truy bắt gỗ lậu.

Đây là một nhánh của dòng Thu Bồn, chảy qua nhiều huyện cánh bắc, có nhiều tên gọi khác nhau, nhưng khoảng 10 năm lại đây có tên chung là “con đường gỗ lậu”.

“Con đường” này nối những cánh rừng nguyên sinh ở thượng nguồn với những làng cưa vòng dày đặc ở hạ lưu. Lọt qua được “con đường” này, mỗi mét khối gỗ có giá tăng lên gấp hai, gấp ba lần. Chính vì thế dù bị truy cản ráo riết nhưng lâm tặc vẫn quyết không bỏ dòng sông.

Đầu tháng 5 này, công an và kiểm lâm phát hiện một đoàn mấy chục lâm tặc đang ung dung thả bè gỗ theo sông. Lực lượng chức năng ra chặn bắt đã bị bọn chúng dùng hung khí tấn công lại. Khi trung tá Trưởng công an huyện Đại Lộc Trương Quang Vinh rút súng bắn chỉ thiên hai phát thì một lâm tặc vạch bụng ra thách thức: Có giỏi thì bắn vào đây! Trung tá Vinh không dám, cũng chẳng ai dám, bọn chúng ung dung đưa gỗ đi.

Những khẩu súng mang theo trong những chuyến truy quét như thế này chủ yếu để phòng vệ chứ không phải để tấn công. “Nếu không có súng, đừng nghĩ đến chuyện chạm mặt lâm tặc” – ông Vinh nói.

Dò sông

Sau ba tiếng ngược dòng, đoàn kiểm tra dừng lại ở một bến sông thưa thớt dân cư có tên là bến Mò O (thuộc xã Đại Sơn, huyện Đại Lộc). Không thấy gì cả, chỉ là một quãng sông vắng lặng, với một vài ghe buôn dưới xuôi lên tấp vào đào những hố nhỏ ven sông tìm nước uống. Thế nhưng một cán bộ đi trong đoàn cười nói: Ngó vậy thôi, nhưng dưới lòng sông này, gỗ đan dày còn hơn trận Bạch Đằng thời Ngô Quyền…

Những sỹ quan công an trang phục bảo hộ từ chân lên đầu, súng cầm tay tỏa ra bốn phía cảnh giới, hàng chục cán bộ kiểm lâm cởi quần áo, nhảy lên thuyền vừa thả thuyền trôi chầm chậm vừa cầm những cây sào dài chọc xuống đáy sông.

“Khi gặp gỗ hay những vật cứng, cây sào sẽ dội lại. Chỉ có người cầm sào mới biết cảm giác đó” – ông Phan Tuấn, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam, vừa được biệt phái ra kiêm Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đại Lộc, nói. Tôi thấy cách làm này mong manh quá, bến sông thì mênh mông, cây sào bé tẹo, có khác gì lấy chiếc đũa mà dò bể bơi, làm sao cho xuể.

Tuy nhiên, mới dò một đoạn đã thấy thuyền dừng lại, nhiều cán bộ mang dây thừng nhảy xuống, lặn, lát sau thấy ngoi lên ôm theo những khúc gỗ to tướng, vuông vức, ròng ròng nước. Có chỗ thấy kiểm lâm lôi lên cả bè gỗ với hàng chục khúc gỗ được cưa xẻ cẩn thận. Việc chọc sào xuống sông gần như chấm dứt vì từ đó đến chiều, anh em kiểm lâm lúc nào cũng trầm mình xuống sông, hết lôi lên khúc này, lại thấy kéo lên bè khác, có lẽ lâm tặc đã lấy gỗ lát toàn bộ đáy đoạn sông này.

Thật bất ngờ, trên đường kéo gỗ vào bờ, một kiểm lâm đã tình cờ phát hiện dưới một chiếc ghe nhỏ cắm gần bờ là cả một “kho” gỗ. Chiếc ghe đó khi sáng chúng tôi đến đã thấy nhưng không ai để ý, ngờ đâu dưới nó là cả một… cánh rừng.

Đúng vậy, cả một cánh rừng đã chìm dưới đáy Mò O này. Vì để đưa được một khối gỗ to cả vòng tay người lớn thế này từ rừng ra sông, lâm tặc phải đốn hạ hàng chục những cây gỗ khác để dọn đường. Với cả trăm khối gỗ vớt được trong sáng nay nghĩa là cả một cánh rừng đã bị triệt hạ, bị dìm dưới đáy Mò O. Mà Mò O cũng chỉ là một trong cả chục những bến sông, suối của tỉnh mà lâm tặc chọn làm điểm tập kết gỗ.

Theo Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam, chỉ trong năm tháng đầu năm 2008, kiểm lâm đã phát hiện 804 vụ khai thác, vận chuyển gỗ trái phép, tịch thu trên 1.100 mét khối gỗ, trong đó phần lớn là thu từ những dòng sông. Như vậy chỉ mới năm tháng thôi đã có bao nhiêu cánh rừng Quảng Nam bị giết và bị dìm nước!“

Địa lợi” Mò O

Theo ông Nguyễn Thanh Quang – Giám đốc Sở NN&PTNT, Mò O là vùng mà lâm tặc thích nhất trong tất cả những bến có thể tập kết gỗ lậu ở Quảng Nam. Đây là nơi lực lượng chức năng… lười đến. Vì từ dưới xuôi lên, nơi đây là điểm cuối của huyện Đại Lộc, nhưng lại là điểm đầu của huyện Nam Giang. Do Đại Lộc không còn rừng nữa, nên gỗ tập kết ở đây chủ yếu là của Nam Giang và nằm chủ yếu trên phần đất Nam Giang, vì thế Đại Lộc ít có động lực để đi truy quét.

Nam Giang muốn đi truy quét nhưng lại không có đường đi, phải đi vòng xuống đồng bằng, mượn đường sông Đại Lộc lên lại. Đi vòng vo như thế, làm sao mà không lộ. Do có vị trí “địa lợi” như vậy nên Mò O và con sông Bung – Vu Gia được lâm tặc chọn làm bến đỗ và đường vận chuyển an toàn nhất để đưa gỗ lậu từ thượng nguồn về đồng bằng suốt nhiều năm qua.

Vì từ Mò O về đồng bằng, con sông đi qua phần lớn trên đất Đại Lộc nên huyện này trở thành điểm nóng của lâm tặc. Có nhiều lúc gỗ lậu đi “đen sông”. Sau khi giám đốc tiền nhiệm của Sở NN&PTNT bị thuyên chuyển công tác và bị khởi tố vì liên quan đến vụ khai thác trái phép rừng Khe Diên (Quế Sơn), ông Nguyễn Thanh Quang lên thay đã tỏ rõ quyết tâm đối đầu với lâm tặc.

Để trấn áp con đường gỗ lậu Vu Gia – sông Bung đoạn qua Đại Lộc, ông Quang đã đưa ông Phan Tuấn, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam từ Tam Kỳ về kiêm nhiệm Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đại Lộc. Huyện Đại Lộc đã lập tức thành lập Đội Liên ngành chống lâm tặc (tháng 3-2008). Chỉ trong hai tháng sau ngày thành lập, lực lượng cơ động này cùng với Hạt Kiểm lâm Đại Lộc đã rượt đuổi lâm tặc cả trăm lần, đã lôi từ đáy sông lên 500 mét khối gỗ.

Những trùm gỗ lậu phẫn uất. Chúng dùng bút lông ghi trên tấm bia ranh giới Đại Lộc – Nam Giang (trên đường lộ) lời thề sẽ “làm thịt” một số cán bộ kiểm lâm, công an “hăng hái” nhất của huyện Đại Lộc. 

Ai dò lòng người?

Chúng tôi lên ca nô quay lại nơi xuất phát – Đại Hồng (Đại Lộc), nơi đóng quân của Đội Liên ngành truy quét lâm tặc huyện Đại Lộc. Theo ông Quang, nơi đây là “vương quốc” của các trùm lâm tặc, với dày đặc các xưởng cưa vòng ngày đêm cưa xẻ gỗ.

Những xưởng cưa này nằm sát bờ sông (Vu Gia), gỗ trên sông về sẽ được ròng rọc kéo lên bờ, đưa vào xưởng xẻ. Những xưởng cưa rất dễ phát hiện vì con đường từ xưởng ra sông dù dài bao nhiêu trăm mét đi nữa vẫn được lát gỗ dày xăm xắp, đỏ au. Tại Đại Hồng này có thôn Hòa Hữu nằm dọc ven sông với chiều dài chỉ khoảng 200 mét nhưng có đến 8 xưởng cưa vòng.

Khi ông Quang công bố số điện thoại chống lâm tặc của mình, không ngày nào không có dân điện đến tố cáo, nhất là dân Hòa Hữu. Dân nói: “Chỉ có người đui mới không thấy gỗ lậu thôi”. Ông Quang nghi ngờ, phải có “cái kho” khổng lồ ở Đại Hồng để các trùm ở đây cất gỗ, cái kho đó nằm ở đâu, ông muốn tự mình phải tìm ra câu trả lời.

Trên đường ca nô đi xuống, gần vùng Đại Lãnh, tôi thấy một người đàn ông đang ngồi trên một bè gỗ rộng và dài như một cái sân bóng đang từ từ thả xuôi dòng. Ông Quang và chủ tịch huyện Đại Lộc dùng súng khống chế người đàn ông tấp bè vào bờ. Người đàn ông ngoài 40 tuổi, khai tên là Mai Hồng, ở Đại Lãnh (Đại Lộc) vừa làm nông vừa đi đánh cá trên sông này. Hôm qua, một đầu nậu (không rõ tên) chở ông lên Ngã ba sông (đoạn gần Mò O) bảo ông đưa bè gỗ này về đến Hòa Hữu sẽ trả 600.000 đồng.

Ông Quang thật sự bàng hoàng. Lâm tặc vẫn đưa gỗ diễu qua trước mũi ông ngay khi ông huy động một lực lượng hùng hậu nhất để truy quét. Tôi biết lòng ông đang rúng động. Ông có thể không ngán lâm tặc nhưng việc ông cũng như tỉnh đang đổ công sức ra làm quyết liệt bấy lâu nay biết bao giờ mới thành công nếu như có ai đó trong chính đội ngũ của ông là… người phía bên kia?!

Hôm từ Tam Kỳ ra Đại Lộc, có nhiều cuộc điện thoại gọi đến hỏi ông đang đi đâu, để đánh lạc hướng, lúc thì ông trả lời về Đà Nẵng, lúc nói đang đi Hội An… Đêm trước, trong khi bất ngờ kiểm tra một trạm kiểm soát lâm sản, ông đã phải vực cán bộ kiểm lâm ở đây dậy để ra chặn bắt mấy xe gỗ. Họ đã làm rất miễn cưỡng. Trong khi đang lập biên bản phía trước, ông bí mật ra sau trạm thì nghe một kiểm lâm đang gào lên trong điện thoại với ai đó: Bọn bây không được xuống nữa, xuống là chết đó!

Chưa hết. Khi quần ca nô nhiều vòng ở thôn Hòa Hữu, ông Quang đã phát hiện ra một “bãi cọc Bạch Đằng” khổng lồ với lượng gỗ còn lớn gấp mấy lần ở Mò O khi sáng. Như vậy linh cảm của ông Quang đã đúng. Đây là cái kho chứa gỗ của Đại Hồng, nơi hàng chục máy cưa đang hoạt động.

Thật trớ trêu, khi 20 thợ lặn được thuê đến lặn gỗ, đến nơi không biết ai hăm dọa thế nào mà cả 20 thợ lặn đều từ chối, bỏ về. Ông Quang phải điện thoại cho Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam điều quân từ Tam Kỳ ra lặn và giữ gỗ.

Bãi gỗ này lặn vớt chưa xong thì bãi gỗ khác đã xuất hiện. Trên con sông dài 30 ki lô mét này đang có bao nhiêu bãi gỗ như thế? Gỗ thì có thể dò được, dù lâu, nhưng lòng người thì làm sao dò được. Theo tôi, những bãi gỗ được chôn giấu trong lòng người còn lớn gấp nhiều lần những bãi gỗ dưới sông này.

KHẢI PHONG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới