Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Những câu chuyện xung quanh lãi suất

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Những câu chuyện xung quanh lãi suất

Có thể có sự khác biệt giữa lãi suất thực tế và lãi suất công bố khi đi vay tiền – Ảnh minh họa: TL

LTS: Sau loạt bài “Thời giờ là tiền bạc” trong mục “Hiểu sơ tài chính để chơi chứng khoán”, ông Huỳnh Thế Du (Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright) đã dành riêng cho TBKTSG Online bài viết sau như những ví dụ minh họa trực tiếp cho vấn đề tính toán lãi kép nhằm giúp bạn đọc dễ hình dung hơn qua các tình huống thực tế.

Trong lúc đang cần một chiếc xe tải nhỏ để chở hàng thuê với giá khoảng 150 triệu đồng, nhưng trong tay chỉ có khoảng 50 triệu đồng, bác Hai nảy ra ý định đi vay. Với mục tiêu được vay với mức lãi suất thấp nhất cho khoản vay 100 triệu đồng trong 36 tháng, bác Hai đã cất công tìm kiếm các nguồn có thể. Dưới đây là các phương án sẵn có:

Phương án 1: Ngân hàng A chấp nhận cho vay lãi suất 14,4%/năm (1,2% tháng). Số tiền nợ gốc và lãi phải trả hàng tháng cho khoản vay là 3,437 triệu đồng. Điều kiện người vay phải có đủ tài sản thế chấp.

Phương án 2: Ngân hàng B chấp nhận cho vay theo hình thức tín dụng tiêu dùng lãi suất được tính trên số dư ban đầu ở mức 9,6% năm (0,8%/tháng). Số tiền phải trả hàng tháng là 3,578 triệu đồng, gồm 2,778 triệu đồng (=100/36) là nợ gốc và 0,8 triệu đồng (=100*0,8%) nợ lãi. Điều kiện người vay phải thế chấp chiếc xe sau khi mua.

Phương án 3: Công ty cho thuê tài chính C đồng ý cho vay 100 triệu đồng theo phương thức thuê mua, lãi suất 12% năm (1% tháng) với điều kiện người vay phải đặt cọc 5 triệu đồng tại công ty này và không được hưởng lãi. Số tiền gốc và lãi phải trả hàng tháng là 3,321 triệu đồng, nhưng vào cuối năm thứ 3, người vay sẽ được nhận lại 5 triệu đồng. Điều kiện là người vay chỉ được thực sự là chủ sở hữu chiếc xe sau khi trả hết nợ.

Phương án 4: Nhà sản xuất cho mua trả góp trong 3 năm với số tiền bạn phải trả hàng tháng là 3,7 triệu đồng và điều kiện người mua chỉ trở thành chủ sở hữu chiếc xe thực sự sau khi trả hết nợ. Với những thông tin trên, phương án nào thực sự có lãi suất thấp nhất và phù hợp nhất đối với bác Hai? Dựa vào nguyên tắc giá trị hiện tại (PV), có thể tính ra lãi suất thực tế phải trả cho các phương án trên như sau:

 

Chỉ tiêu

PA1

PA2

PA3

PA4

Số tiền vay thực (tr. đ)

100

100

95

100

Số tiền phải trả hàng tháng (tr. đ)

-3,437

-3,678

-3,321

-3,700

Lãi suất công bố theo năm

14,4%

10,8%

12,0%

Lãi suất công bố theo tháng

1,2%

0,9%

1,0%  

Lãi suất thực phải trả theo năm

14,40%

19,24%

15,61%

19,68%

Lãi suất thực phải trả theo tháng

1,20%

1,60%

1,30%

1,64%

 

Việc tìm lãi suất thực tế (r) phải trả khá đơn giản khi sử dụng hàm tính IRR trong Excel hoặc giải phương trình

                           I                      1

                PV = —–  ( 1 –   ————-)

                          r                 ( 1 + r )n

Trong đó:

    PV là số tiền vay              

        I là số tiền phải trả hàng tháng              

        n là số lần phải trả, ở đây n = 36

Ở phương án thứ nhất do lãi suất được tính trên số dư giảm dần, điều này có nghĩa là vào tháng thứ nhất khi dư nợ là 100 triệu đồng thì tiền lãi người vay phải trả là 1,2 triệu đồng, nhưng đến tháng thứ 36, dư nợ chỉ còn 3,397 triệu đồng nên số tiền lãi phải trả chỉ là 41 nghìn đồng. Lúc này, lãi suất thực tế phải trả bằng lãi suất công bố 1,2% tháng hay 14,4% năm.

Ở phương án thứ hai, sở dĩ có sự khác biệt rất lớn giữa lãi suất công bố và lãi suất thực tế phải trả vì cho dù dư nợ giảm dần nhưng người vay vẫn phải trả một số lãi cố định (900 nghìn đồng một tháng). Ví dụ đến tháng cuối cùng, dư nợ vay chưa đến 2,8 triệu đồng, nhưng lãi phải trả lên đến 900 triệu đồng, bằng 32,4% nợ gốc. Trong trường hợp này, lãi suất thực tế phải trả lên đến 1,6% tháng hay 19,24% năm so với 0,9% và 10,8%.

Ở phương án thứ ba, cho dù số tiền hàng tháng phải trả chỉ là 3,321 triệu đồng, nhưng do số tiền thực tế người vay nhận được chỉ là 95 triệu đồng nên lãi suất thực tế phải trả là 1,3% tháng hay 15,6% năm.

Ở phương án thứ tư, rõ ràng lãi suất người vay phải chịu lên đến 1,64% tháng hay 19,68% năm.

Với những phương án cho vay đa dạng nêu trên, nếu áp dụng đúng nguyên tắc giá trị hiện tại thì phương án cho vay theo dư nợ giảm dần là phương án có lãi suất thấp nhất, còn những phương án khác thực ra đó chỉ là thủ thuật của bên cho vay để người vay cảm thấy lãi suất thấp hơn.

Thực ra nhiều khi người vay phải chịu lãi suất cắt cổ như trường hợp lãi suất tính trên số dư ban đầu khi mà lãi suất thực tế phải trả gấp tới 1,8 lần lãi suất công bố. Để hạn chế việc người tiêu dùng bị “bắt chẹt”, nhà nước cần có những quy định chặt chẽ hơn và nâng cao vai trò của những tổ chức bảo vệ người tiêu dùng.

Lãi suất cho vay bằng lãi suất tiền gửi ngân hàng vẫn có lời

Ngoài ra, trong khi thu thập thông tin, bác Hai lại có một thông tin khá thú vị là ngân hàng có một loại hình cho vay thông thường với lãi suất chỉ là 9,6% năm, trong khi lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng cũng chỉ là 9,6% năm.

Thực ra lãi suất huy động bình quân của ngân hàng thấp hơn con số 9,6% nêu trên do các kỳ hạn ngắn hơn có lãi suất thấp hơn. Tuy nhiên, trong trường hợp thái cực, thì ngân hàng vẫn có thể có lời với lãi suất huy động bằng với lãi suất cho vay. Nguyên nhân chính là do tiền gửi thường được trả lãi cuối kỳ trong khi tiền vay ngân hàng thu lãi hàng tháng.

Ví dụ trong trường hợp thu lãi hàng tháng với lãi suất 0,8% tháng hay 9,6% năm thì lãi suất thực tế nhận được của ngân hàng sẽ = (1+0,8%)12 – 1 = 10,03%, cao hơn 0,43% so với con số 9,6% nêu trên.

HUỲNH THẾ DU  

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới