Thứ Bảy, 19/07/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Những câu hỏi còn bỏ ngỏ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Những câu hỏi còn bỏ ngỏ

Ngọc Lan

Các đại biểu Quốc hội trao đổi với nhau trong giờ giải lao. Ảnh: Việt Dũng.

(TBKTSG) - Trùng thời điểm Chính phủ trình báo cáo tổng kết nhiệm kỳ bốn năm (2007-2011) cũng là lúc Quốc hội khóa XII kết thúc nhiệm kỳ bốn năm hoạt động.

Báo cáo của Chính phủ đã tốt chưa?

Tại cuộc thảo luận tổ cuối tuần trước về Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ bốn năm của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội), hiện là Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, nhận định: “Bản báo cáo của Chính phủ chưa sâu, mang nhiều dáng dấp của một báo cáo kinh tế xã hội hơn là báo cáo tổng kết nhiệm kỳ”. Ông đề nghị nên tiến hành một cách thực chất hơn việc đánh giá, tổng kết để biết đã làm được những gì và chưa làm được những gì để việc tổng kết không dừng lại ở hình thức.

Là Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp, ông Quyền nắm chắc Luật tổ chức Quốc hội và Luật tổ chức Chính phủ, những văn bản pháp lý cao nhất quy định quyền hạn và trách nhiệm của Quốc hội và Chính phủ. Mà muốn biết nhiệm kỳ bốn năm của Chính phủ điều hành nền kinh tế đất nước ra sao, phải căn cứ vào mức độ, quyền hạn đã được trao. Nói như đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội), tại hội trường Quốc hội hôm 25-3 thì phải căn cứ vào 11 nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ và 9 nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng mà đánh giá. “Nếu căn cứ vào những quy định này thì sẽ thấy còn nhiều việc phải đưa ra đánh giá, kiểm điểm. Nhưng trong báo cáo không có hoặc rất dễ bị lẫn giữa vai trò của Chính phủ cũng như vai trò của Thủ tướng”.

Cũng do bản báo cáo của Chính phủ không được chấp bút trên cơ sở tổng kết, rút kinh nghiệm những việc làm được và không làm được trong phạm vi, quyền hạn mà Quốc hội đã giao nên việc đánh giá tách biệt trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng hay các thành viên Chính phủ đứng đầu các bộ, ngành (Luật Tổ chức Chính phủ có quy định cụ thể) là khó.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào thắc mắc hiện có rất nhiều bộ đa ngành, đa lĩnh vực nếu xảy ra vấn đề nào đó thì không biết trách nhiệm thuộc về bộ nào. Ông yêu cầu Quốc hội khóa XIII tách bạch trách nhiệm và quyền hạn của các cơ quan này, như luật định.

Nhiều đại biểu khác nhận xét Chính phủ thừa nhận trong báo cáo về sáu tồn tại trong nhiệm kỳ bốn năm nhưng phân tích lại rất chung chung (đại biểu Trần Hồng Việt). Ông tính là tốc độ tăng GDP bình quân trong năm năm là 7% (năm năm cộng dồn khoảng 35,5%) còn tốc độ tăng giá 11,4%/năm (cộng dồn năm năm là 60%) nên tăng trưởng mà chưa tính đến hệ quả của nó. “Cần xem thêm có nguyên nhân bệnh thành tích của Chính phủ trong điều hành không?”, ông Việt nói.

Kiến nghị sau giám sát được thực hiện đến đâu?

Sau bốn năm hoạt động Quốc hội, đại biểu Trần Thị Hoa Ry đến lúc rời nghị trường vẫn hỏi: “Còn nhiều kiến nghị sau giám sát chúng tôi không nắm được là các cơ quan có trách nhiệm giải quyết đến đâu”. Điều này cũng chính là bất cập mà Bản báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội nhắc đến: “Cơ chế giải quyết các kiến nghị sau giám sát còn một số bất cập”.

Với 7 cuộc giám sát chuyên đề tối cao ở nhiều lĩnh vực, 9 cuộc giám sát chuyên đề khác do Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện, thậm chí tái giám sát đối với nội dung đầu tư xây dựng cơ bản, dùng vốn nhà nước tại các bộ, ngành, địa phương, đúng là rất cần đánh giá những chuyển biến sau giám sát. Rồi hàng chục cuộc chất vấn tại Quốc hội và Thường vụ Quốc hội, các nghị quyết sau đó của Quốc hội nêu rõ những yêu cầu cụ thể, thì việc thực hiện chúng như thế nào, kết quả chất vấn ra sao là những câu hỏi cần giải đáp.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh nhận định, do thiếu cơ chế, chế tài để việc thực hiện các kiến nghị đó được đảm bảo nên kết quả của các giám sát chuyên đề là hạn chế, mới dừng lại ở việc nghiên cứu báo cáo, làm giảm hiệu lực của Quốc hội.

Ví dụ như 9 dự thảo nghị định liên quan đến việc sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty hai năm sau khi Quốc hội yêu cầu Chính phủ soạn thảo và đệ trình đã không được thực hiện, cho đến khi nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII kết thúc. Hoặc mới đây, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền yêu cầu Chính phủ nhiệm kỳ tới cần tập trung chỉ đạo, thực hiện việc tái cơ cấu nền kinh tế. Thực tế đây cũng là vấn đề mà Quốc hội liên tục đề nghị Chính phủ từ thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 đến nay nhưng cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ bốn năm, bản đề án về tái cơ cấu vẫn chưa được chính thức trình ra.

Do vậy, đại biểu Nguyễn Minh Hồng nhận xét rằng: “Quốc hội hoạt động còn bị động”. Để tăng hiệu quả, có thể giảm bớt số lượng đầu việc và tăng tính chuyên nghiệp lên. Tính chuyên nghiệp ấy thể hiện như thế nào? “Quốc hội phải ra được hai loại nghị quyết: một loại cưỡng chế thi hành, buộc Chính phủ phải làm. Loại còn lại mang tính khuyến nghị. Nếu Chính phủ không thực hiện mà xảy ra vấn đề thì phải chịu trách nhiệm”, đại biểu Trần Du Lịch gợi ý cho Quốc hội khóa tới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới