Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Những câu hỏi từ kết quả kiểm toán 2008

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Những câu hỏi từ kết quả kiểm toán 2008

Luật gia Vũ Xuân Tiền

(TBKTSG) – Báo cáo kết quả kiểm toán năm tài chính 2007 do Kiểm toán Nhà nước thực hiện đã được công bố vào tuần qua với nhiều số liệu cho thấy tình hình quản lý thu chi ngân sách và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước còn nhiều yếu kém. Qua đó, tất yếu có những câu hỏi được đặt ra.

Một là, vì sao việc chi tiêu từ ngân sách nhà nước (NSNN) lại quá dễ dãi như vậy? Có thể khẳng định rằng, trên thế giới, không có một doanh nghiệp nào đầu tư hàng chục tỉ đồng để xây dựng các công trình rồi bỏ đó, không sử dụng. Thế mà, điều đó lại có thật ở nước ta.

Báo cáo kiểm toán đã nêu một số trường hợp điển hình như: báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng công trình thoát nước nhằm cải tạo môi trường Hà Nội (dự án II) đã được thực hiện nhưng không được sử dụng gây lãng phí 1,4 tỉ đồng; hoặc hai dự án đã hoàn thành nhưng không hoạt động là dự án xử lý nước thải Khu công nghiệp Vĩnh Niệm – Hải Phòng (vốn đã cấp là 3 tỉ đồng), dự án xử lý nước thải khu du lịch Vịnh Tùng Dinh, Hải Phòng (vốn đã cấp là 23,52 tỉ đồng); dự án Vườn ươm Thanh Tao thuộc công trình tuyến tránh Hà Nội – Cầu Giẽ đã đầu tư 1,2 tỉ đồng nhưng đến nay đang để hoang…

Hai là, chúng ta đã có một hệ thống các văn bản pháp luật nhằm quản lý NSNN và công tác đầu tư phát triển. Nhưng tại sao những vi phạm Luật NSNN, Luật Đấu thầu, Luật Kế toán lại xảy ra một cách phổ biến trong các đơn vị được kiểm toán như vậy? Đằng sau những vi phạm ấy là gì?

Theo báo cáo kiểm toán, hầu hết các đơn vị được kiểm toán đều vi phạm Luật Đấu thầu như hồ sơ mời thầu không được bảo mật, thông thầu, dàn xếp thầu, chia nhỏ gói thầu để chỉ định thầu, đấu thầu hạn chế sai quy định, phê duyệt giá trúng thầu cao hơn giá gói thầu được phê duyệt…

Ba là, kết quả kiểm toán cũng cho ta thấy năng lực thực sự của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mà các tổng công ty, tập đoàn là ví dụ điển hình. Tỷ trọng vốn chủ sở hữu/tổng nguồn vốn – một chỉ tiêu quan trọng đánh giá khả năng tài chính của doanh nghiệp – ở nhiều doanh nghiệp được kiểm toán rất thấp, chỉ khoảng 2-8%.

Công tác hạch toán kế toán phản ánh giá trị tài sản, nguồn vốn, doanh thu, chi phí, kết quả kinh doanh và nghĩa vụ với NSNN cũng bộc lộ nhiều sai phạm. Với năng lực tài chính, năng lực quản lý như vậy, liệu những DNNN có thể trở thành “quả đấm thép”, có thể giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân hay không?

Cổ phần hóa để hoạt động theo mô hình công ty cổ phần là biện pháp quan trọng và cấp bách để bảo đảm sự minh bạch, nâng cao năng lực quản lý và cạnh tranh của các DNNN. Thế nhưng, tại sao việc cổ phần hóa các DNNN vẫn giậm chân tại chỗ?

Bốn là, từ khi Kiểm toán Nhà nước trở thành đơn vị trực thuộc Quốc hội và Luật Kiểm toán Nhà nước được ban hành, nhân dân đã được biết về những lãng phí trong chi tiêu NSNN, về những yếu kém trong quản lý DNNN. Báo cáo kết quả kiểm toán do Kiểm toán Nhà nước vừa công bố có nhiều nội dung tương tự báo cáo của những năm trước.

Như vậy, nếu kiểm toán, công bố kết quả, kiến nghị giải pháp xử lý rồi… mọi việc vẫn không có gì thay đổi thì kiểm toán để làm gì? Tại sao không ai quy trách nhiệm rõ ràng, cụ thể đối với những sai phạm gây lãng phí NSNN và tiền vốn của DNNN do Kiểm toán Nhà nước nêu ra?

Có thể nêu ra nhiều câu hỏi nữa. Song, những câu hỏi đã nêu trên đây là quan trọng nhất. Trả lời những câu hỏi đó tức là tìm ra được nguyên nhân của nạn tham nhũng, lãng phí và từ đó có những biện pháp khắc phục. Việc trả lời những câu hỏi đó còn có ý nghĩa lớn trong việc xây dựng một “Nhà nước của dân, do dân và vì dân” và góp phần thực hiện phương châm “ dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Một số khoản tăng thu, giảm chi được Kiểm toán Nhà nước

phát hiện và đề xuất (đvt: tỉ đồng)

Lĩnh vực kiểm toán

Tổng cộng

Đơn vị sử dụng ngân sách và cấp ngân sách

DNNN

Chỉ tiêu

I. Các khoản tăng thu NSNN

4.166

3.516

650

1. Tăng thu thuế nội địa

1.203

572

631

2. Tăng thu thuế XNK

1.415

1.415

0

3. Tăng thu phí, lệ phí

155

155

0

4. Tăng thu tiền sử dụng đất

1.049

1.049

0

5. Thu từ xổ số kiến thiết

74

74

0

6. Tăng thu ngân sách

268

249

19

II. Các khoản giảm chi NSNN

2.731,6

2.730,1

1,5

1. Chi thường xuyên

1.371,2

1.371,2

0

2. Chi đầu tư xây dựng, chương trình, dự án

1.360

1.358,5

1,5

Nguồn: Báo cáo kiểm toán ngân sách 2007

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới