Thứ Hai, 7/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Những cổ phiếu chưa tăng giá

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Những cổ phiếu chưa tăng giá

Thành Nam

(TBKTSG) - Dòng tiền chảy vào các cổ phiếu SmallCap và MidCap có vẻ không được tự tin như cái cách mà nó đã “đổ” vào các cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn. Điều đó phản ánh tâm lý của một bộ phận nhà đầu tư cho rằng về cơ bản, hầu hết các cổ phiếu có thị giá nhỏ và vừa không có được các chỉ số tài chính tốt như các blue-chips thượng hạng. Đấy là một tâm lý chưa vững vàng, có phần ngổn ngang bởi sự e ngại trong quá khứ: khi cổ phiếu thị giá nhỏ lên ngôi, sóng tăng trưởng dần kết thúc.

Những cổ phiếu chưa tăng giá
So sánh mức PE hiện nay của các thị trường.

VN-Index đã biến động nhiều lần như vậy trong những năm trước. Chỉ có điều năm nay và có thể trong tương lai, nó đang ở một hoàn cảnh khác. Một thời kỳ tăng trưởng mới tính bằng năm vừa chỉ mới bắt đầu và một số SmallCap và MidCap đang rất rẻ xét trên nền tảng doanh thu, lợi nhuận và khả năng gia tăng của EPS trong tương lai gần. Mức P/E bình quân của hai nhóm này đang ở đâu đó khoảng 6-10 lần, thấp bằng một nửa thậm chí bằng một phần ba P/E của các blue-chips cấp cao. Chính vì thế, con sóng của SmallCap và MidCap có thể kéo dài với mức tăng cao hơn của các cổ phiếu vốn hóa lớn đợt vừa qua. Và với sự tăng trưởng kéo dài, các đợt biến động hoàn toàn dễ hiểu.

Một sự quan sát kỹ lưỡng chỉ ra tiền ngoại đang rất từ từ mua ròng ở một số cổ phiếu thị giá nhỏ và vừa, điển hình như SHB ở sàn Hà Nội. Sau khi vượt qua ngưỡng 110 điểm, khối lượng và giá trị giao dịch của Hnx đang được cải thiện rõ rệt. SHB là một trong số ít những cổ phiếu còn lại của nhóm ngân hàng chưa tăng giá và đồng thời lại thuộc nhóm thị giá thấp. Sự kết hợp của hai yếu tố này, cộng thêm yếu tố đầu cơ với thanh khoản cao, SHB đang là điểm hút tiền của thị trường.

Trong nhóm MidCap, các cổ phiếu bất động sản đã tăng mạnh. Thực ra thời gian qua, nhóm này không hề “ngủ yên”. Chúng tăng giá cùng đợt với cổ phiếu vốn hóa lớn, nhưng tốc độ chậm hơn. Bất động sản là nhóm doanh nghiệp có nợ lớn, các khoản phải thu không hề nhỏ, số lượng cổ phiếu lưu hành thuộc dạng cao. Rủi ro tiềm ẩn trong nhóm này được nhận định đáng ngại, đặc biệt với những doanh nghiệp dòng tiền về yếu. Một số cổ phiếu bất động sản tăng phi mã dựa vào thông tin chuyển nhượng dự án trong khi đáng ra giá trị thực của chúng phải dựa vào việc triển khai các dự án thật, bán các sản phẩm thật.            

Trong dòng MidCap, các nhóm cổ phiếu như mía đường, vận tải, cảng biển, sản xuất xi măng, cơ sở hạ tầng điện - nước, du lịch, xuất bản sách... đều chưa “biết mùi” tăng giá. Nhóm mía đường như LSS, SBT, QNS đang ở vùng giá thấp nhất 2-3 năm. Trong vòng sáu tháng qua, cổ phiếu mía đường điều chỉnh khốc liệt: LSS và QNS mất 40-50% so với mức đỉnh, SBT rơi từ 42.000 đồng về 20.000 đồng bất chấp kết quả kinh doanh vẫn tốt, trả cổ tức đều đặn và triển vọng tăng trưởng lợi nhuận ở mức hai con số so với kế hoạch cũng như cùng kỳ.

Nhóm khai thác, vận hành cảng biển như DVP, GMD, CLL, DXP, VGP, VSC, PHP... đứng tại chỗ kể từ đầu quí 2-2017 đến nay. Các chỉ số cơ bản của nhóm rất ổn định (một sự ổn định theo chiều hướng tăng trưởng đồng đều trong nhiều năm). Nổi bật trong nhóm cảng biển là GMD vừa bán một nửa mảng kinh doanh logistics cho đối tác Hàn Quốc, thu về 120 triệu đô la Mỹ, tiền đã về tài khoản và chuẩn bị trả cổ tức bằng tiền 100% tức 10.000 đồng/cổ phiếu. Nhờ việc chuyển nhượng trên, lợi nhuận quí 4 và cả năm nay của GMD sẽ tăng vọt. Chưa kể GMD là công ty có nhiều “của chìm của nổi”, trong đó đa phần là tài sản đã khấu hao hết hoặc giá trị sổ sách vẫn ghi ở mức của mười năm trước trong khi giá thị trường đã biến động rất nhiều. Không phải ngẫu nhiên mà một số đối tác ngoại muốn sở hữu từ 51% cổ phần trở lên của GMD và công ty đang chịu sức ép về việc “có tiền mà không biết đầu tư vào đâu cho hiệu quả”.

Nhóm vận tải như GSP, VTO, VIP, PVT... suốt thời gian qua đứng ngoài thị trường, và nhìn VN-Index “chạy”, còn chúng cứ “bình chân như vại”. Trừ PVT thỉnh thoảng còn “nhúc nhích” theo biến động giá dầu thô quốc tế, các cổ phiếu của những doanh nghiệp còn lại đã bị thị trường cho “hít khói” dù kết quả kinh doanh, mức chia cổ tức tiền mặt hàng năm đều không tồi.

Ở dòng SmallCap, có thể “nhặt” ra hàng chục cổ phiếu mà thị giá đang bằng một nửa giá trị sổ sách, như DAH giá trị sổ sách 11.600 đồng, thị giá 4.450 đồng, P/E chưa đầy 4 lần; AGR thị giá hơn 5.000 đồng, giá trị sổ sách gần 9.000 đồng; VKC giá trị sổ sách 12.200 đồng, thị giá 6.300 đồng...

Sự chuyển hướng của dòng tiền từ các cổ phiếu vốn hóa lớn sang SmallCap và MidCap chưa tăng giá, do đó, là tích cực nhằm xóa bỏ sự phân hóa không công bằng và tạo thế cho VN-Index đi lên bền vững. Quá trình chốt lời từ các blue-chips sẽ còn tiếp tục và thị trường cần thời gian để dòng tiền dịch chuyển. Điểm đến của tiền chốt lời vẫn sẽ là nhóm các cổ phiếu chưa tăng giá.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới