Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Những cổ phiếu ngược dòng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Những cổ phiếu ngược dòng

Triêu Dương

(KTSG) – Chỉ số VN-Index từ đầu tháng 7 đến cuối tuần qua (23-7-2021) đã ghi nhận mức sụt giảm gần 11%, khiến Việt Nam trở thành một trong những thị trường chứng khoán điều chỉnh mạnh nhất trên toàn cầu. Dù vậy, bất chấp thị trường chung điều chỉnh, vẫn có những cổ phiếu ngược dòng tiếp tục đi lên mạnh mẽ và thu hút dòng tiền.

Ngược dòng

Tính từ đầu tháng 7 đến nay, cổ phiếu HDA của Công ty cổ phần (CTCP) Hãng sơn Đông Á đã tăng hơn 68%, nằm trong nhóm tăng mạnh nhất thời gian qua. Báo cáo lợi nhuận quí 1 của công ty này chỉ đạt hơn 2,8 tỉ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ, trong khi lợi nhuận quí 2 chưa được công bố tính đến thời điểm viết bài này. Trước khi bắt đầu vọt tăng từ ngày 6-7, cổ phiếu này đã có giai đoạn tích lũy khá lâu trong hơn một năm. Với số lượng cổ phiếu đang lưu hành chỉ vỏn vẹn 11,5 triệu đơn vị, giao dịch tăng mạnh trong những phiên gần đây của cổ phiếu này rất đáng chú ý.

Cổ phiếu VPG của CTCP Đầu tư Thương mại Xuất nhập khẩu Việt Phát cũng đã tăng hơn 35% trong cùng khoảng thời gian này, bất chấp sự điều chỉnh của thị trường chung. Tiếp nối mức lợi nhuận quí 1 đạt kỷ lục gần 138,5 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ lãi vỏn vẹn 328 triệu đồng, trong quí 2 VPG báo lãi hơn 122 tỉ đồng, cũng cách biệt xa mức lãi 7,4 tỉ đồng của cùng kỳ năm trước.

Theo giải thích từ phía công ty thì lợi nhuận này là nhờ doanh thu đến từ các hợp đồng bán than cốc và quặng sắt lớn cho đối tác và doanh thu bất động sản trong khi chi phí vốn thấp hơn cùng kỳ. Như vậy sau sáu tháng VPG đã lãi hơn 260 tỉ đồng, gấp gần 3 lần mức lợi nhuận 88 tỉ đồng của cả năm 2020 và cũng vượt xa kế hoạch 150 tỉ đồng đặt ra cho năm nay. Với thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) bốn quí gần nhất gần 5.800 đồng/cổ phiếu, hệ số thị giá/ EPS (P/E) ở mức thấp 4,4 lần, dễ hiểu vì sao VPG thu hút dòng tiền mạnh mẽ đến vậy trong những ngày gần đây.

Trong khi thị trường chung rơi vào đợt điều chỉnh, cổ phiếu của doanh nghiệp nào có thể ngược dòng và vẫn thu hút dòng tiền thì cho thấy doanh nghiệp ấy đang có một điểm hấp dẫn nào đó, vì vậy cũng thường sẽ tăng mạnh mẽ hơn khi thị trường chung phục hồi.

Cổ phiếu HAH của CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An chứng kiến mức tăng trưởng hơn 30%, dù kết quả lợi nhuận quí 2 vẫn chưa được công bố tính đến cuối tuần qua. Trước đó lợi nhuận quí 1 của công ty này đạt 85,5 tỉ đồng, gấp 2,7 lần so với cùng kỳ. Hoạt động của Hải An thời gian qua đã hưởng lợi lớn từ xu hướng cước vận tải biển tăng vọt trong khi các hoạt động thương mại của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát trở lại thúc đẩy các hoạt động trực tuyến và tăng nhu cầu mua sắm các sản phẩm công nghệ, các doanh nghiệp như CTCP Bán lẻ kỹ thuật số FPT được kỳ vọng hưởng lợi. Theo đó cổ phiếu FRT của công ty này đã là tâm điểm thu hút dòng tiền những ngày qua, đẩy giá cổ phiếu tăng hơn 25% cùng thanh khoản tăng mạnh.

Trước kỳ vọng kết quả kinh doanh quí 2 tiếp tục tăng trưởng sau khi quí 1 chứng kiến lợi nhuận tăng hơn 72% so với cùng kỳ, giá cổ phiếu HDG của CTCP tập đoàn Hà Đô tăng gần 25%. Với đánh giá ngành bất động sản sẽ tích cực trong nửa cuối năm, cổ phiếu nhiều công ty bất động sản như Hà Đô cũng có tín hiệu nổi sóng gần đây.

Bật mạnh và sớm hơn

Bên cạnh nhóm vẫn lầm lũi đi lên ngược dòng với sự suy giảm chung của thị trường, còn có nhóm dù ban đầu chịu áp lực điều chỉnh theo thị trường nhưng ngay sau đó đã bật lại mạnh mẽ và nhanh chóng lấy lại được những gì đã đánh mất trước đó, để tiếp tục thiết lập nên những đỉnh cao mới.

Cổ phiếu DGC của CTCP Hóa chất Đức Giang là một trong số đó, sau khi giảm 12% trong ba phiên 12,13 và 14-7, cổ phiếu này đã bật lại mạnh mẽ và vẫn ghi nhận mức tăng gần 13% tính từ đầu tháng 7 đến cuối tuần qua. Đà tăng mạnh tiếp tục diễn ra trong phiên giao dịch đầu tuần này để thiết lập nên những đỉnh cao mới, hiện đang hướng đến mốc 100.000 đồng/cổ phiếu. Lợi nhuận của công ty Đức Giang quí 1 là gần 292 tỉ đồng, tăng trưởng 47%, quí 2 tiếp tục ghi nhận lãi hơn 333 tỉ đồng, tăng 24%, nhờ nhu cầu mạnh mẽ cho hóa chất photpho công nghiệp (từ ngành điện tử) và photphat nông nghiệp (cụ thể từ ngành phân bón) đẩy giá các sản phẩm này tăng. Lũy kế sáu tháng Đức Giang đã lãi 625 tỉ đồng, đạt 57% kế hoạch cả năm là 1.100 tỉ đồng.

Cổ phiếu ILB của CTCP ICD Tân Cảng – Long Bình cũng tăng trần liên tục trong hai phiên ngày 22 và 23-7, dù trước đó, trong nửa đầu tháng 7, cũng chịu áp lực điều chỉnh. Với tiềm năng trở thành trung tâm logistics trong khu vực, ILB cũng được nhiều nhà đầu tư chú ý trong suốt thời gian qua cho mục tiêu trung dài hạn.

Hay như cổ phiếu SWC của Tổng CTCP Đường sông Miền Nam hiện cũng đã lấy lại được những gì đánh mất trong đợt điều chỉnh nửa đầu tháng 7, sau khi công bố lợi nhuận quí 2 gấp 3 lần cùng kỳ, còn quí 1 là gấp hơn 2 lần.

Ngoài ra có thể kể đến một loạt cổ phiếu khác cũng có diễn biến tăng trưởng tích cực hơn nhiều so với diễn biến chung của thị trường trong đợt điều chỉnh vừa qua, như VC2 của CTCP Đầu tư và Xây dựng Vina2, VC9 của CTCP Xây dựng số 9, HDC của CTCP Phát triển Nhà Bà Rịa – Vũng Tàu, LHG của CTCP Long Hậu, CTR của Tổng CTCP Công trình Viettel, MML của CTCP Masan MeatLife, SHN của CTCP Đầu tư Tổng hợp Hà Nội,…

Theo giới phân tích, trong khi thị trường chung rơi vào đợt điều chỉnh, cổ phiếu của doanh nghiệp nào có thể ngược dòng và vẫn thu hút dòng tiền thì cho thấy doanh nghiệp ấy đang có một điểm hấp dẫn nào đó, vì vậy cũng thường sẽ tăng mạnh mẽ hơn khi thị trường chung phục hồi. Đặc biệt, trong bối cảnh hầu hết các cổ phiếu trên thị trường lao dốc, cổ phiếu nào có thể ngược dòng và cho thấy tiềm năng tăng trưởng càng trở thành điểm sáng hấp dẫn nhà đầu tư.

Dù vậy, nhà đầu tư cũng cần tỉnh táo đối với những cổ phiếu trong nhóm này liên tục tăng mạnh mà không dựa trên thông tin gì, để tránh mắc bẫy của các đội nhóm thao túng giá. Ngoài ra, những cổ phiếu đã tăng quá cao, vượt xa giá trị thực cũng cần cẩn trọng, vì dù tiềm năng tăng trưởng vẫn còn nhưng rủi ro có thể đang lớn hơn vì nguy cơ điều chỉnh trong ngắn hạn sau chuỗi tăng mạnh là có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Dĩ nhiên với những doanh nghiệp tiếp tục công bố lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ, việc thu hút dòng tiền là tất yếu, bên cạnh các doanh nghiệp được cho là hưởng lợi trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Trong số này có thể kể đến các nhóm ngành như lương thực thực phẩm, công nghệ, y tế hay logistics. Những cổ phiếu có câu chuyện riêng như thâu tóm và sáp nhập, thoái vốn nhà nước hay tăng vốn cũng có thể hút tiền trở lại bất cứ lúc nào sau đợt điều chỉnh mạnh vừa qua.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới