Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Những cổ phiếu “ngược dòng”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Những cổ phiếu “ngược dòng”

(TBKTSG)- Sau ngày 25-3-2008, ngày VN-Index giảm sâu nhất trong vòng 18 tháng qua, xuống 496 điểm, một số cổ phiếu bluechip đã tách nhóm và đang làm cuộc lội ngược dòng ngoạn mục. Chính những cổ phiếu này, nhờ giữ được mức tăng trưởng lợi nhuận cao hoặc được hưởng lợi từ lạm phát, đã giúp VN-Index trụ lại trên mốc 500 điểm.

“May mắn”

Trong khi cổ phiếu của các đại gia, mà các đợt IPO vốn được mong đợi một thời như Bảo Việt, Tài chính Dầu khí, Vietcombank, Sabeco… đang rớt dài trên thị trường OTC, giá mua bán chỉ còn bằng một nửa giá trúng đấu giá bình quân, thì Đạm Phú Mỹ (DPM – Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất dầu khí) vẫn được giao dịch xung quanh giá đấu bình quân với khối lượng xấp xỉ 1 triệu cổ phiếu/phiên, trở thành một trong những loại chứng khoán có tính thanh khoản cao nhất thị trường. Đặc biệt khối nhà đầu tư nước ngoài đã “trường kỳ” mua vào cổ phiếu này. Vì sao DPM có được sức hút như vậy?

Cuối tháng 4 năm ngoái, trước ngày bán đấu giá cổ phiếu DPM, thông tin sau cổ phần hóa công ty sẽ phải mua khí gas với giá thị trường đã khiến nhiều nhà đầu tư e ngại. Nhưng thực tế đã không diễn ra như tin râm ran. Từ đó đến nay giá gas mà DPM được mua rất ổn định, 2,2 đô la Mỹ/MMBTU cho đến hết năm 2009. Giá này tuy đã tăng 1,2 đô la Mỹ/MMBTU so với năm 2006, nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều so với giá thị trường là 4-6 đô la Mỹ/MMBTU. Giá gas chiếm khoảng 20% giá vốn bán hàng phân urê của công ty. Giá gas ưu đãi đã giảm chi phí sản xuất cho DPM và tăng lợi nhuận.

Theo bản cáo bạch và báo cáo tài chính DPM năm 2007, tỷ suất lợi nhuận của công ty gia tăng mạnh qua từng năm, từ 30% năm 2005, 37% năm 2006 lên 39% năm 2007, ngoài giá gas, còn do chi phí khấu hao giảm dần. Cụ thể chi phí khấu hao chiếm 58% giá vốn bán hàng năm 2005 đã tụt xuống 46% năm 2006 và 32% năm 2007. Năm ngoái lợi nhuận sau thuế của DPM đạt 1.320 tỉ đồng và quí 1-2008 đạt 393,6 tỉ đồng. Ngày 17-4 vừa qua, DPM công khai đến nhà đầu tư việc điều chỉnh doanh thu, lợi nhuận trước thuế năm 2008, tương ứng từ 4.404 lên 4.754 tỉ đồng và 1.190 lên 1.540 tỉ đồng.

Tuy nhiên giới đầu tư tin rằng DPM sẽ có lợi nhuận cao hơn cả mức điều chỉnh nhờ giá phân bón đang tăng. Tập đoàn Dầu khí từ đầu quí 1-2008 đã cam kết ổn định giá phân urê trong nước, với giá bán urê DPM thấp hơn giá quốc tế 10-15%. Nhưng thực tế thì sao? “Việc điều chỉnh doanh thu và lợi nhuận của DPM hoàn toàn dựa trên việc tăng giá bán phân chứ không phải do tăng sản lượng” – Công ty Chứng khoán TPHCM (HSC) bình luận – “Gần đây công ty đã bán sản phẩm của mình với giá 7.400 đồng/ki lô gam, tương đương 465 đô la Mỹ/tấn, cao hơn nhiều giá 4.900 đồng/ki lô gam tháng 1-2008 và giá bán bình quân 4.530 đồng/ki lô gam của cả năm 2007”.

Đáng lưu ý là trong doanh thu đã điều chỉnh của DPM dường như chưa tính đến doanh thu từ nhập khẩu các loại phân bón khác. Nhóm phân tích của HSC cho biết, từ quí 4-2007 công ty đã nhập Kali, SA và DAP – những mặt hàng không bị kiểm soát về giá do Việt Nam chưa sản xuất được và phải nhập 100%. Giá DAP thế giới hiện tăng đến 1.175-1.240 đô la Mỹ/tấn, so với mức 750-800 đô la Mỹ/tấn hồi tháng 1-2008. Giá ba loại phân bón trên trong nước cũng tăng cao, từ 20-90% tùy loại.

Ba tháng đầu năm DPM nhập 150.000 tấn phân bón và đã tung ra thị trường 55.000 tấn. Bây giờ, công ty có thể bán số còn lại theo giá thị trường và hưởng mức chênh lệch lớn. Phải chăng đây mới là mấu chốt của việc điều chỉnh lợi nhuận vừa qua? Còn nhiệm vụ bình ổn giá phân bón thị trường nội địa mà nhờ đó DPM được hưởng giá mua gas ưu đãi ở đâu? Sẽ không quá ngạc nhiên nếu giá cổ phiếu DPM trên sàn còn tăng nữa dù thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn khó khăn.

Tìm lại hào quang

Những cổ phiếu đang lội ngược dòng khác như PVD (Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí), DPR (Công ty cổ phần cao su Đồng Phú), TRC (Công ty cổ phần cao su Tây Ninh), VNM (Công ty cổ phần sữa Việt Nam)… không có được sự “may mắn” như DPM. Sau khi tụt xuống 54.500 đồng và 45.600 đồng vào ngày 25-3-2008 (thấp nhất kể từ khi niêm yết), cổ phiếu TRC và DPR đã “kiên nhẫn” leo lên và trụ vững ở mức 70.000 đồng và 55.000 đồng (giá ngày 6-5-2008).

Giá cao su xuất khẩu của Việt Nam trong quí 1-2008 tăng trung bình hơn 27% và có khả năng còn tăng nữa do nhu cầu thế giới. Khả năng các doanh nghiệp cao su đạt lợi nhuận cao trong năm nay là hiện thực, nhất là mùa khai thác mủ cao điểm lại rơi vào quí 3-4, và khả năng này đang nâng đỡ giá cổ phiếu ngành cao su.

PVD nằm trong số ít những công ty có vốn điều lệ lớn 1.101 tỉ đồng, nhưng chuyên tâm vào ngành nghề chính, không đầu tư tài chính hoặc bất động sản. Vào cuối tháng 3-2008, cổ phiếu PVD có ngày cũng đã rớt xuống 99.000 đồng, song đã lên lại 117.000 đồng nhờ lợi nhuận ổn định từ giàn khoan bất chấp lạm phát ra sao. Lợi nhuận sau thuế năm nay của PVD quí 1-2008 vẫn tiếp tục tăng, đạt 235 tỉ đồng (kế hoạch cả năm 700 tỉ đồng).

VNM có lẽ là bluechip ít nhiều còn ánh hào quang. Sau khi bất ngờ giảm xuống 102.000 đồng ngày 5-3-2008 (giảm sớm hơn nhiều bluechip khác), VNM một mình một ngựa tăng đều đặn gần hai tháng qua và đang đứng ở 138.000 đồng/cổ phiếu (ngày 6-5).

Năm ngoái, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp sữa này tăng 46% so với năm 2006 (từ 660 lên 963 tỉ đồng) và năm nay dự kiến tăng 18,3% lên 1.140 tỉ đồng. Chỉ tiêu lợi nhuận của VNM là không quá tầm với do công ty kịp thời dự trữ nguyên liệu đầu vào đủ cho cả năm với mức giá nhập khẩu tương đối cạnh tranh. Hơn nữa việc gia tăng sản lượng sẽ tạo điều kiện giảm chi phí trên mỗi sản phẩm. Ngoài ra doanh thu xuất khẩu của VNM năm nay chắc chắn khởi sắc hơn năm 2007 nhờ hợp đồng trị giá 1.200 tỉ đồng đã ký với các khách hàng Iraq. Năm ngoái là một năm không thành công về phương diện xuất khẩu của công ty khi doanh số xuất khẩu chỉ đạt 677 tỉ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ trước đó.

Những phiên gần đây, lượng cổ phiếu VNM bán ra đang giảm dần. Số cổ phiếu nhà đầu tư nước ngoài có thể mua chỉ còn chừng 1,3 triệu, trong khi cổ đông Nhà nước vẫn nắm giữ hơn 50% cổ phiếu công ty. Nhà đầu tư nước ngoài sẽ còn mua cho đến khi VNM niêm yết chéo tại Singapore dự kiến cuối quí 2-2008.

HẢI LÝ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới