Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Những con hổ bị thương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Những con hổ bị thương

Hơn 20 triệu công nhân di cư của Trung Quốc đã mất việc làm sau tết Nguyên đán.

(TBKTSG) – Sự đình đốn của kinh tế châu Á một phần do tác động từ phương Tây nhưng phần khác do những khuyết điểm nội tại của châu Á. Để vượt qua khủng hoảng, châu Á cần một mô hình phát triển mới.

Tết Nguyên đán vừa qua hàng trăm triệu công nhân Trung Quốc lũ lượt về quê ăn Tết, tạm thời rời bỏ những nhà máy chuyên làm ra hàng hóa cho các cửa hiệu khắp thế giới. Tuần này, lễ tết đã qua, khoảng 20 triệu người không quay lại thành phố vì hàng ngàn nhà máy đã đóng cửa, việc làm đã không còn.

Đà tăng trưởng chóng mặt của kinh tế Trung Quốc đã dừng lại. Phần còn lại của khu vực Đông Á cũng vậy. Có vẻ bất công, nhưng thực tế là trong cuộc suy thoái chung, các nền kinh tế cẩn trọng và tằn tiện của châu Á lại bị thiệt hại nặng nề hơn phương Tây tiêu xài hoang phí.

Quy mô và tốc độ của cuộc suy thoái kinh tế ở Đông Á hiện nay còn rộng lớn hơn thời kỳ khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998. Quí 4-2008, GDP tính theo bình quân hàng năm đã giảm khoảng 15% ở Hồng Kông, 17% ở Singapore, 21% ở Hàn Quốc và 10% ở Nhật Bản.

GDP của Trung Quốc chẳng hạn, tăng ở mức kỷ lục 13% năm 2007 đã gần như không tăng trong quí 4. Xuất khẩu cũng giảm mạnh, xuất khẩu hàng hóa của Nhật năm 2008 giảm 35%, của Đài Loan giảm 42%.

Số liệu về sản xuất công nghiệp còn thê thảm hơn; ở Đài Loan chẳng hạn, sản xuất công nghiệp năm 2008 giảm 32% so với năm trước, nhiều hơn mức suy giảm sản lượng công nghiệp của Mỹ trong thời Đại suy thoái 1930.

Nguyên nhân gần thì đã rõ: sự sụp đổ của hoạt động xuất khẩu do cuộc khủng hoảng tín dụng toàn cầu đã làm cạn kiệt nguồn tín dụng tài trợ thương mại. Nhiều người vẫn tin rằng, buôn bán nội vùng của châu Á sẽ giúp khu vực này chống đỡ đà suy giảm nhu cầu tiêu thụ ở phương Tây; nhưng điều này đã không xảy ra vì buôn bán nội vùng châu Á là một phần của dây chuyển cung cấp đã toàn cầu hóa mà đích đến cuối cùng là thị trường các nước giàu có ở phương Tây.

Trong tháng 12-2008, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc của các nước châu Á khác giảm 27% so với cùng kỳ năm trước cho thấy đà suy giảm nhu cầu linh kiện để lắp ráp thành sản phẩm tái xuất sang phương Tây.

Tuy vậy, suy giảm xuất khẩu không phải là nguyên nhân duy nhất. Nghiên cứu số liệu cho thấy ở nhiều nước, nhập khẩu giảm mạnh hơn xuất khẩu, nghĩa là nhu cầu tiêu thụ nội địa rất yếu kém, góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng suy thoái kinh tế. Nhập khẩu của Trung Quốc chẳng hạn, giảm 21% trong tháng 12-2008 mặc dù xuất khẩu cùng kỳ chỉ giảm 2,8%.

Một báo cáo gần đây của Ngân hàng HSBC nhận định châu Á đang hứng chịu cùng lúc hai cuộc suy thoái: nội tại và ngoại lai. Nhu cầu nội địa vẫn được coi là tấm đệm làm giảm nhẹ tác động của sự suy yếu trong hoạt động xuất khẩu. Nhưng hiện nay nhu cầu nội địa đang suy yếu do ảnh hưởng của hai sự kiện: sự tăng giá lương thực và nhiên liệu trong nửa đầu năm 2008 làm tiêu tan sức mua của người dân và lợi nhuận của doanh nghiệp và chính sách thắt chặt tiền tệ và tín dụng ở một số quốc gia nhằm kiềm chế lạm phát đã làm nghẹt đà tăng trưởng sức mua của người dân.

Hai cuộc suy thoái này lại có tác động lẫn nhau và thật khó phân định sự suy thoái nội tại hay ngoại lai là nguyên nhân chính đem lại đau khổ cho châu Á. Sự suy giảm sức tiêu thụ nội địa, ngoài những nguyên nhân vừa nói, còn do tác động của tình trạng suy giảm xuất khẩu, buộc các doanh nghiệp cắt giảm lao động và vốn đầu tư.

* * *

Nhiều chính phủ châu Á thuyết phục người dân rằng, tình trạng u ám hiện thời là do tác động của các yếu tố bên ngoài, không kiểm soát được, chẳng hạn như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khởi nguồn từ sụp đổ tín dụng nhà đất ở Mỹ và tình trạng thắt lưng buộc bụng ở phương Tây hiện nay. Sự kém cỏi về tài chính của phương Tây đã biến giá trị những khoản đầu tư của họ thành rác thải và nhu cầu tiêu thụ đang khô cạn.

Lối giải thích này được các chính phủ Đông Á sử dụng để giải trừ trách nhiệm của mình trước những tai họa kinh tế và tất nhiên có sức thuyết phục. Tuy vậy, nó chỉ nói lên một mặt của vấn đề. Nhưng như vừa phân tích, những sai lầm về chính sách của các nước Đông Á cũng góp phần vào cuộc suy thoái này; cho nên giải pháp của vấn đề một phần nằm trong tay họ. Phần lớn sự suy thoái hiện nay trong các nền kinh tế khu vực đã bắt nguồn không chỉ từ sự suy giảm xuất khẩu mà còn do nhu cầu nội địa yếu kém một phần do các chính sách của chính phủ.

Sau cuộc khủng hoảng một thập kỷ về trước, nhiều quốc gia châu Á không chỉ điều chỉnh hệ thống tài chính mà còn chuyển nền kinh tế về hướng xuất khẩu. Tiết kiệm được đề cao và tiêu dùng bị nén lại. Lo sợ bóng ma mất cân đối trong cán cân thanh toán, nhiều nước cố giành thặng dư thương mại và xây dựng các quỹ dự trữ ngoại tệ khổng lồ. Bằng cách đó, tiết kiệm của người nông dân nghèo châu Á đã tài trợ cho thói quen tiêu dùng phóng túng ở phương Tây.

Điều đó không hẳn là xấu. Một kết quả tốt là các chính phủ châu Á hiện có không gian rộng rãi để kích thích nhu cầu nội địa và bằng cách đó khôi phục lại nền kinh tế. Trung Quốc chẳng hạn, có dư tiền để đầu tư vào các chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo ra những tuyến đường bộ, đường sắt, cầu cống tốt hơn. Nhưng đầu tư cơ sở hạ tầng đơn thuần không phải là giải pháp dài hạn.

Cách kích thích này chẳng bao lâu sẽ trở nên quá tốn kém, và hiệu quả phục vụ tăng trưởng của chúng cũng nhanh chóng khô cạn. Để đi lên con đường tăng trưởng bền vững và dài hạn –  và cũng để kéo phần còn lại của thế giới ra khỏi cuộc suy thoái – các nền kinh tế châu Á cần giảm bớt sự phụ thuộc vào xuất khẩu.

Các chính phủ châu Á cần thi triển những cuộc cải tổ cơ cấu để khuyến khích người dân chi tiêu nhiều hơn và làm họ giảm bớt thói quen tiết kiệm. Ở Trung Quốc nông dân cần được sở hữu ruộng đất để họ có thể cầm cố để vay tiền hoặc bán ruộng đất ấy đi.

Ở nhiều nước châu Á, kể cả Trung Quốc, chính phủ cần thiết lập mạng lưới an sinh xã hội hiệu quả để giảm nhẹ nỗi lo âu của người dân về chi phí học hành của con cái và chi phí chữa bệnh khi đau ốm. Và điều quan trọng là các nền kinh tế châu Á cần nhanh chóng chuyển dịch khỏi mô hình kinh tế sử dụng nhiều vốn đầu tư sang hoạt động dịch vụ sử dụng nhiều lao động để một phần thu nhập quốc dân lớn hơn sẽ được san sẻ đến từng hộ gia đình.

Khi cố gắng giải quyết những vấn đề của đất nước mình, các chính phủ châu Á thường bị lôi cuốn vào các công cụ quen thuộc: các chính sách tài chính kiểu tiểu thương nhằm đẩy mạnh xuất khẩu như phá giá đồng bản tệ, trợ cấp xuất khẩu, hoàn thuế… Nhưng giờ đây các nhà lãnh đạo đã nhận ra rằng phá giá đồng bạc để tăng sức cạnh tranh thì chẳng có lợi cho ai.

Trong khi đó, tiến hành cải cách cơ cấu nhằm đẩy mạnh nhu cầu tiêu thụ sẽ không chỉ giúp làm giảm nhẹ tác động của khủng hoảng kinh tế đối với người nghèo, từ đó tránh được những bất ổn xã hội mà chính phủ các nước như Trung Quốc đang lo sợ, mà còn tăng sức đề kháng trước sự gia tăng áp lực bảo hộ thị trường từ phương Tây.

THÁI BÌNH (theo Economist)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới