Thứ Ba, 30/05/2023, 23:10
29 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Những con kênh chờ chết

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Những con kênh chờ chết

Kênh Hy Vọng tại quận Tân Bình đang bị ô nhiễm trầm trọng – Ảnh: Văn Nam

(TBKTSG Online) –  Báo cáo kết quả quan trắc chất lượng nước kênh rạch khu vực nội thành TPHCM cho thấy, mức độ ô nhiễm nguồn nước kênh rạch nội thành đã càng trầm trọng trong thời gian gần đây.

>> Thất vọng bên dòng kênh Hy Vọng

Ô nhiễm do chất thải sinh hoạt

Ông Nguyễn Đinh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường TPHCM cho biết tất cả các tuyến kênh rạch nội thành hiện nay đều có các chỉ số ô nhiễm ở mức độ đáng báo động. Trong khi đó, hàng triệu mét khối nước thải chưa qua xử lý từ các khu dân cư vẫn cứ thải thẳng xuống các dòng kênh mỗi ngày.

Theo ông Tuấn, vấn đề đáng lo ngại nhất là qua kết quả khảo sát gần đây, mức độ ô nhiễm nặng không chỉ ở các tuyến kênh rạch nội thành mà cả các con kênh khu vực ngoại thành cũng gia tăng rất nhanh.

Theo kết quả quan trắc quí 1-2008, lượng oxy hòa tan (DO) trong nước tại kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Tham Lương – Vàm Thuật, Tân Hóa – Lò Gốm… vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện. Lượng oxy hóa học trong nước (COD) ở các con kênh này đều vượt tiêu chuẩn cho phép từ 2-6 lần.

Ngoài ra, các chỉ số quan trắc khác như coliform, oxy sinh hóa (BOD5)… ở tất cả các tuyến kênh rạch nội thành đều vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần.

Chi cục Bảo vệ môi trường thành phố cũng cho biết mức độ ô nhiễm coliform ở các con kênh rạch nội thành đo được đều tăng khá cao so với trước đây, chứng tỏ hệ thống kênh rạch nội thành bị ô nhiễm bởi nước thải sinh hoạt.

Những ngày này, trên mọi ngả đường ở thành phố, người dân nhìn thấy những khẩu hiệu như “Hãy đổ chất thải đúng nơi qui định”, “Vì đường phố không rác”… được treo dọc theo lề đường kêu gọi mọi người cùng tham gia bảo vệ môi trường để hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5- 6.

Theo khảo sát của phóng viên Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online sáng 4-6, một số con kênh khu vực nội thành nơi có mức độ ô nhiễm được xem đã ở mức báo động lâu nay, nhưng tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại các con kênh này vẫn không hề có chiều hướng cải thiện, thậm chí còn nặng thêm.

Đi dọc theo con kênh Hy Vọng trên đường Phan Huy Ích, phường 15, quận Tân Bình dài độ chừng 5 km, phóng viên Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online nhận thấy tình trạng rác thải xuống kênh dày đặc. 

Ông Lê Ngọc Khôi, 75 tuổi, cho biết, gần 15 năm ông sống ở khu vực ven kênh Hy Vọng này cũng là chừng đó thời gian ông chứng kiến cảnh con kênh bị biến thành bãi rác tập thể của tất cả người dân nơi đây.

“Năm khi mười họa mới có đoàn của chính quyền địa phương đến khảo sát mức độ ô nhiễm, sau đó có tổ chức vớt rác, nhưng rồi đâu lại vào đấy. Quan trọng nhất vẫn là ý thức giữ gìn của người dân”, ông Khôi nói.

Dòng kênh Hy Vọng tại quận Tân Bình, đang bị rác thải san lấp – Ảnh: Văn Nam

Nhìn dòng nước đen ngòm đặc quánh cuốn những mảng rác trôi lềnh bềnh, đây đó hai bên bờ kênh là những trại giết mỗ gia súc thải đủ thứ chất thải xuống dòng kênh, anh Vũ Đức Tiến, 41 tuổi, một người dân địa phương sinh sống ở đây lắc đầu ngao ngán cho biết, mức độ ô nhiễm con kênh này đã đến mức báo động đỏ.

Anh Tiến cho biết, cả gia đình anh ngày ngày đang phải chịu đựng mùi hôi thối từ dòng kênh ô nhiễm bốc lên mỗi khi có cơn gió thoảng qua. 

Được biết, đầu năm nay, sau khi quận tổ chức đợt vớt rác ở kênh Hy Vọng này, chính quyền đã yêu cầu người dân sống hai bên dòng kênh ký bản cam kết không vứt rác xuống kênh nữa. Thế nhưng, chỉ sau vài tháng, dòng kênh lại bị rác lấp dày đặc như trước.

Ngoài ra, nhiều tuyến kênh rạch ở một số khu vực nội thành khác cũng đang bị lấn chiếm bởi tình trạng người dân san lấp, cơi nới nhà cửa gây hẹp dòng chảy. Việc này đã tạo nên tình trạng ùn ứ rác và góp phần làm cho hệ thống thoát nước thêm ô nhiễm tại các kênh rạch, như rạch Cầu Sơn, rạch Văn Thánh ở quận Bình Thạnh, rạch Bà Miên ở quận Gò Vấp…

Theo Sở Giao thông công chính TPHCM, thành phố hiện có khoảng 380 tuyến kênh rạch với tổng chiều dài khoảng 1.200 km.

Theo nhận định của ông Tuấn, tất cả các tuyến kênh rạch trên địa bàn thành phố hiện nay đều đã ô nhiễm trầm trọng.  

Mức độ ô nhiễm kênh rạch tăng cao là do tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa quá nhanh, trong khi đó, hạ tầng về môi trường như hệ thống thoát nước, hệ thống xử lý nước thải… vẫn chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa.

Ngăn chặn ô nhiễm vẫn chậm trễ

Những năm qua, thành phố đã đề ra khá nhiều giải pháp, chương trình, đề án… nhằm cứu những tuyến kênh rạch thành phố đang trong tình trạng “hấp hối”.

Tuy nhiên, việc triển khai các dự án chậm trễ đã khiến những giải pháp này vẫn chưa phát huy được tác dụng, bằng chứng là kết quả quan trắc về chỉ số mức độ ô nhiễm năm sau luôn cao hơn năm trước.  

Với tư cách là một người làm công tác khoa học nghiên cứu khảo sát tình trạng ô nhiễm môi trường thành phố lâu năm, ông Tuấn cho rằng, một trong những giải pháp để giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm trầm trọng ở các con kênh rạch khu vực nội thành là phải giảm được mức độ ô nhiễm ngay từ nguồn phát sinh.

“Điều quan trọng và cấp bách nhất hiện nay để cứu các con kênh là bắt buộc các nhà sản xuất phải thải nước thải đạt tiêu chuẩn cho phép, bằng mọi giá phải hạn chế các nguồn thải gây ô nhiễm từ các cơ sở sản xuất và khu dân cư”, ông Tuấn nói.

Tuy nhiên, việc thải chất thải chưa qua xử lý thẳng ra kênh rạch khu vực nội thành đã và đang tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau.

Có doanh nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải ngang nhiên thải nước thải thẳng xuống kênh rạch ngày qua ngày mà không hề thấy có động thái can thiệp nào từ phía cơ quan chức năng. Có doanh nghiệp đã có hệ thống xử lý nước thải nhưng chỉ vận hành theo kiểu đối phó, chỉ vận hành khi có đợt kiểm tra…

Về lâu dài, thành phố đã triển khai những dự án cải thiện môi trường nước ở các tuyến kênh rạch khu vực nội thành như kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, kênh Tham Lương – Vàm Thuật, kênh Tân Hóa – Lò Gốm, kênh Tàu Hủ – Bến Nghé và kênh Đôi – Tẻ…

Thế nhưng đến nay, trong lúc những con kênh vốn đã bị ô nhiễm đang chờ đợi bàn tay con người làm sạch, có lẽ cái người ta dễ dàng nhận ra chính là khả năng tự làm sạch của chính các dòng kênh này cũng có giới hạn trước một lượng nước thải quá lớn chưa được xử lý thải trực tiếp ra từ các khu dân cư lên đến hàng triệu mét khối mỗi ngày.

VĂN NAM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới