Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Những cuộc ra đi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Những cuộc ra đi

Nhiều trẻ em ở ĐBSCL đã phải bỏ học vì nhà quá nghèo. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Khi đi tìm hiểu về nguyên nhân bỏ học của học sinh Đồng bằng sông Cửu Long, tình cờ, tôi đã được nghe nhiều về những cuộc ra đi.

Người đi đã đi rồi, với những người ở lại, làng quê hiu quạnh hơn khi không còn nhiều thanh niên thanh nữ, không còn nhiều lắm đàn ông đàn bà đang sức lao động. Hình như thiếu nhiều những “cô gái bên Cửu Long” và những người đàn ông si tình hát “tình anh bán chiếu”. Vì thế làng quê như thiếu cái sức sống khỏe mạnh và lãng mạn vốn có. Và vì thế mà buồn khôn tả.

Có những cuộc ra đi được kể lại như những cái mốc đánh dấu những biến cố buồn trong cuộc đời. Tôi nhớ ông Nhàn, người đàn ông gầy gò trong căn nhà xập xệ, ấp Chợ Trên, Trà Cú, Trà Vinh.

“Mẹ sắp nhỏ đi bán vé số rồi. Còn tụi nó, cả hai đứa con trai tui lên thành phố làm mướn hết rồi. Hỏng có đứa nào học hết cấp II, nghỉ học nửa chừng hết. Nghèo quá mới phải cho tụi nó đi đó cô.

Cô coi nè, có cái nền nhà mà cả chục năm rồi tui cũng không có tiền đắp lên. Hồi đó, tui làm vác lúa ở nhà máy chà, vác nặng quá gãy xương đòn vai (ông vạch áo cho tôi coi vết thương ở vai), từ đó không lao động được nữa.

Vậy là tui ở nhà, vợ tui đi bán vé số nhưng không đủ nuôi cả nhà, thằng con lớn lúc đó học lớp 6 phải nghỉ ở nhà đi làm mướn phụ mẹ nuôi cha và em. Rồi khi đủ tuổi lao động, nó xin lên thành phố làm công nhân tính đặng có tiền gửi về phụ thêm. Nhưng mà vẫn chưa ổn định được, tiền cũng chưa gửi được.

Vậy là đầu năm rồi thằng út vô lớp 9, nhà đã túng thiếu, cần tiền đóng học phí mà không lo nổi, nó cứ nằng nặc xin tui cho nó lên thành phố làm mướn, tui cũng đành cho. Tội nghiệp thằng nhỏ ham học, mà tui cũng tính cho nó học tới nơi tới chốn…”.

Rồi mắt ông chợt ánh lên chút tự hào, “Nó làm giao hàng, cũng biết tằn tiện gửi tiền về nuôi tui rồi đó”. Rời nhà ông, tôi cứ nhớ mãi cái nền nhà hõm xuống như một cái hố sâu, như một minh chứng của cái nghèo dai dẳng, và một niềm day dứt, chắc hẳn ông đã cố nhiều lắm, mới tới một ngày vác lúa nặng quá gãy cả xương…

Có những ra đi như là hy vọng. Như cách người đàn ông gốc Hoa hàng ngày đạp chiếc xe trong những xóm làng xa chợ bán nước tương nước mắm kể về con gái mình. Đứa con gái duy nhất của ông mới 15 tuổi có cái tên rất đẹp là Tiểu Bình, cũng nghỉ học lên thành phố phụ người ta ở cơ sở làm thực phẩm.

Vợ chồng ông cũng chưa lên thành phố, không biết nó ở đâu, nó theo bạn bè đi đó mà. Ngày ngày kẽo kẹt chiếc xe đạp trên những con đường quê, mùa khô đầy bụi, chắc ông tưởng tượng con gái mình trên thành phố, ở nơi như một vầng sáng hoa lệ, chắc hẳn sung sướng hơn cuộc đời cha mẹ nó. Không biết ông có hình dung được, chốn ấy nhiều gian nan, nhiều cạm bẫy lắm không? Tôi không nỡ hỏi ông điều đó.

Có cuộc ra đi hụt hẫng, như bà già mắt đã lòa, kể lể: “Tụi nó (con trai, con dâu bà) đi mần hết rồi, để con cháu lại với tui. Nhà nợ nần nhiều quá, tui kêu nó theo người ta lên thành phố kiếm cha mẹ nó hỏi tiền đem về cho tui trả nợ, vậy mà nó đi luôn, chỉ nhắn về là con kiếm được việc làm rồi”.

Tôi ngậm ngùi nhìn bà rờ rẫm cái nồi cơm, hàng xóm nấu giùm hồi trưa. Ngoài sân, trong xóm, hình như toàn người già và trẻ nhỏ… Làng xóm buồn tênh, thanh niên đi hết rồi, tới khi cần thợ gặt phải kêu cả mấy đứa học sinh 13-14 tuổi. Còn con gái, người lớn chép miệng, kiếm một đứa con gái rước dâu cũng khó nữa đó, tụi nó rủ nhau đi hết cả rồi…

Tôi nhớ ánh mắt em, cậu bé Khmer 14 tuổi, hình như ngôn ngữ của em chưa đủ để nói về những cuộc ra đi. Ba má em lên thành phố làm mướn đã mấy năm, vài tháng lại gửi ít tiền về nuôi em và cả ông bà nội, không có nguồn thu nhập nào khác. Người ta nói em thích đi tu mà bỏ học vậy thôi. Bà nội em nói, như người ta nói có đứa nó có cái căn tu đó cô.

Tôi lên chùa Khmer gặp em. Em giấu ánh mắt không nhìn tôi, bình thản, hơi chút cộc lốc trả lời từng câu hỏi, chừng mực. Không ai ép, muốn tu chừng nào thì tu. Ở đây em cũng có học, học tiếng Khmer, cả tiếng Việt nữa, chùa nuôi ăn, còn để dành được tiền đi cúng người ta cho nữa… Em muốn sau này làm gì? Dạ, em muốn ở chùa đến khi đủ tuổi thì theo cha mẹ lên thành phố làm việc.

Trước khi ra về, chừng như đã thân thiết hơn, tôi hỏi lại lần nữa, sao em đi tu? Em cúi xuống, chút buồn, rồi nói vẫn cộc lốc như trước: ba mẹ em đi hết rồi, thì em đi tu… Tôi chợt thấy như hiểu ra. Tôi không quên được hình dáng cậu bé gầy gò mặc chiếc áo vàng trong sân chùa, sống đợi ngày đủ lớn để được ở cùng cha mẹ làm mướn, đó là mơ ước của em.

Cứ vậy, dần dần, từ từ, tôi cũng thấm cái nỗi buồn vừa chịu đựng và cả niềm hy vọng hiu hắt của những người ở lại. Có ruộng, niềm vui được mùa cũng gượng gạo vì phải trả nợ năm trước lúa bị rầy nên thua lỗ. Còn không đất thì, tháng người ta kêu làm mướn chừng mươi ngày, có khi cả tháng không ai kêu. Họ kể về chuyện thiếu nợ triền miên, sắp nhỏ bị đói từ sáng tới chiều, nợ nần đắp đổi hoài cũng mệt mỏi, thôi chắc cũng chẳng học hành được tới đâu.

Chuyện buồn, mà kể dửng dưng, không có mặc cảm, không mắc cỡ, không cả tuyệt vọng, như thể đó là chuyện đã quá bình thường. Vì vậy, những cuộc ra đi đó là niềm hy vọng duy nhất còn lại, lấp lánh một nơi nào đó khác hơn làng quê để mà tưởng tượng.

Để người ở lại còn có cái kể với xóm giềng, thằng này làm công nhân chỗ nọ, lương chừng đó. Con kia làm chỗ đó, vừa có lương vừa được bao ăn. Nhà nọ có con lấy chồng Đài Loan… Ai chưa đi được vì thế cũng rạo rực, mong chờ, cũng bắn tin chờ coi trong xóm có ai đã đi rồi có mối kêu là đi. Làm gì cũng được, thợ hồ, phụ việc nhà, bưng dọn, làm nông trại… miễn là được ra đi. Vì vậy có khi người còn ở đó, mà đã hướng về nơi khác, mà sự ra đi đã có trong lòng từ lâu. Hỏi làm sao không buồn?

Đi về miền Tây và cả nhiều miền quê khác, vẫn yên ả nhưng dường như có gì âm ỉ đau. Có gì như đang vỡ ra, chia lìa. Bởi vì ở đó người người đang ra đi. Lặng lẽ dai dẳng sau những xóm làng, là những cuộc ly hương, với người, và với đất đai.

TRẦN THỊ THANH HƯƠNG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới