Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Những cuộc tăng tốc trong khó khăn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Những cuộc tăng tốc trong khó khăn

Những người yêu sách trẻ tuổi tham quan hội sách TPHCM lần thứ V vào tháng 3-2008. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Có quá nhiều điều để nói về hoạt động văn hóa trong năm qua, cả những tín hiệu lạc quan lẫn nỗi lo âu, thất vọng. Tuy nhiên, chỉ xin nêu dưới đây vài sự kiện liên quan đến sách và phim ảnh mà theo chúng tôi là rất đáng ghi nhận…

Thị trường sách – từ khó khăn nhìn ra cơ hội

Ngành sách đã mở đầu một năm hoạt động sôi nổi với Hội sách TPHCM lần thứ V tổ chức vào trung tuần tháng 3-2008. So với lần trước, hội sách lần này vượt xa cả về quy mô tổ chức, khối lượng sách bày bán lẫn lượng khách đến tham quan, mua sắm.

Con số 300 gian hàng của 126 đơn vị trong và ngoài nước, 15 triệu bản sách, hơn nửa triệu lượt khách, doanh số 15 tỉ đồng cùng với nhiều hoạt động phong phú, mới mẻ… đã cho thấy sự phát triển mạnh của thị trường sách ở TPHCM và các tỉnh, thành so với mấy năm trước.

Hẳn nhiên con số chưa phải là tất cả và con đường phát triển của thị trường sách còn không ít gian nan, gập ghềnh bởi nạn sách lậu, sách “luộc”, “sách đen” phản giáo dục vẫn đang hoành hành. Nhưng dù sao sự kiện này cũng là một điểm sáng đáng ghi nhận của những người tâm huyết với sách, những đơn vị xuất bản, phát hành.

Điểm sáng này còn được thấy rõ hơn qua sự phát triển liên tục mạng lưới phân phối sách ở các địa phương với nỗ lực của hai doanh nghiệp lớn trong ngành: Công ty Fahasa TPHCM và Công ty Văn hóa Phương Nam.       

Vào cuối năm, chỉ trong hai ngày 18 và 19-12, Fahasa đã khai trương đến ba nhà sách tại TPHCM, Buôn Ma Thuột và Hà Nội. Trước đó, Fahasa cũng đã liên tiếp đưa vào hoạt động một loạt các nhà sách mới xây dựng hoặc được cải tạo, mở rộng quy mô với ba nhà sách ở TPHCM, và các nhà sách tại Nha Trang, Bình Dương, Kiên Giang và sau đó là Bến Tre… Tổng cộng cả năm 2008, Fahasa đã mở thêm 12 nhà sách.

Với Công ty Văn hóa Phương Nam, tuy số lượng nhà sách mới chỉ gần bằng một nửa Fahasa nhưng về quy mô, Phương Nam cũng đã nâng cấp, mở rộng hoặc đầu tư xây dựng những nhà sách lớn, cũng ấn tượng không kém.  

Trong bối cảnh lạm phát, việc đầu tư phát triển liên tục mạng lưới bán lẻ của hai doanh nghiệp này phải chăng là một sự mạo hiểm? Theo ông Phạm Minh Thuận, Tổng giám đốc Fahasa TPHCM, tuy giá cả tăng lên, sức mua giảm sút nhưng nhìn tổng thể, nhu cầu về sách và văn hóa phẩm trong cả nước vẫn còn lớn, đặc biệt là ở các tỉnh.

Việc đầu tư hệ thống nhà sách vốn nằm trong chiến lược phát triển lâu dài của công ty. Nay trong điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp đối thủ co cụm thì đó lại là cơ hội để Fahasa gia tăng hoạt động, chiếm lĩnh thị trường. Minh chứng là doanh số của các nhà sách mới rất khả quan, có những nơi đạt từ 100-150 triệu đồng/ngày trong những ngày đầu. Cái khó lớn nhất của Fahasa lúc này, theo ông Thuận, là vấn đề nhân sự cấp quản lý.

Tương tự, bà Phan Thị Lệ, Tổng giám đốc Công ty Phương Nam, cũng nhận định rằng thách thức, khó khăn thường đi liền với cơ hội và việc phát triển mạng lưới nhà sách thời gian qua của Phương Nam là nhằm giữ vững và mở rộng thị phần, tuy rằng kinh tế khó khăn cũng đã làm giảm hiệu quả kinh doanh và làm chậm tiến độ của một vài dự án nhà sách.

Cuộc đua marathon phim truyền hình 

Năm 2008 là năm bùng nổ của phim truyền hình. Nếu như năm trước phần lớn phim bộ truyền hình trung bình khoảng 20 tập, thì năm 2008, không ít những phim dài từ 50-70 tập, thậm chí hơn cả trăm tập.

Giải thích sự bùng nổ phim nhiều tập này, người ta thường nêu lên mấy lý do: nhu cầu xem phim giải trí ngày càng lớn; sự nở rộ của các kênh truyền hình; công nghệ làm phim truyền hình đã đẩy nhanh tốc độ sản xuất phim đến mức chỉ trong vài ngày đã làm xong một tập phim và cuối cùng là lợi nhuận từ nguồn thu quảng cáo lớn đã kích thích các nhà sản xuất và các đơn vị phát sóng.

Trong năm qua đã có hơn 10 kênh truyền hình mới hoặc được “làm mới” trình làng. VTV mở kênh VTV 6 dành cho thanh thiếu niên, HTV 2 trước đây dành riêng cho thể thao nay trở thành kênh giải trí tổng hợp, HTV 3 vốn dành cho thiếu nhi nay cũng mở rộng đối tượng phục vụ.

Trên truyền hình cáp và kỹ thuật số cũng xuất hiện nhiều kênh mới. HTVC cho ra đời các kênh dành riêng cho phụ nữ, cho du lịch, mua sắm…; SVTV có thêm các kênh dành cho thiếu nhi (Sao TV) và giới trẻ (Yeah! TV); VTVC cũng cho ra mắt hai kênh O2 TV (sức khỏe và cuộc sống), TV shopping (mua sắm)… Các đài truyền hình địa phương cũng tích cực tham gia vào xu hướng mở rộng này, chẳng hạn Đài Bình Dương với các kênh mới BTV 4 (phim truyện) và BTV 9 (lịch sử – văn hóa – du lịch)…

Nhìn ở khía cạnh cung – cầu thì sự phát triển này một mặt cho thấy nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân ngày càng cao và đa dạng; mặt khác thể hiện nỗ lực đáp ứng kịp thời của các đài truyền hình.

Tuy nhiên, sự phát triển ồ ạt này đã đặt ra bài toán không dễ giải quyết: “cái để phát sóng”. Nhiều kênh mới tất sẽ “ngốn” rất nhiều chương trình với thời lượng phát sóng rất lớn. Bên cạnh đó, nhu cầu quảng cáo theo phim khá lớn mặc dù giá cả rất cao (một mẩu quảng cáo 20-30 giây có giá khoảng 15-20 triệu đồng trở lên, tùy phim, tùy giờ phát và một tập phim thường có từ 25-40 mẩu như vậy).

Trong khi đó, theo một đạo diễn lâu năm trong nghề cho biết, các nguồn lực đáp ứng cho sự bùng nổ này – từ diễn viên, kịch bản, phim trường, thiết bị máy móc – còn quá thiếu thốn, chỉ đáp ứng chừng một phần năm yêu cầu! Chính điều này dẫn đến tình trạng phim càng “câu giờ” càng đuối, diễn viên đông nhưng non nghề, kịch bản chắp vá, nhạt nhẽo…

CÔNG THẮNG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới