Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Những cuốn sách của tôi hồi nhỏ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Những cuốn sách của tôi hồi nhỏ

Thư Hoài

(TBKTSG) – Trẻ con thường mê đọc truyện cổ tích và truyện tranh. Hồi nhỏ tôi cũng vậy. Mê truyện cổ tích đến nỗi cứ tin rằng đó là những câu chuyện từng có thật và vui buồn, giận hờn, mơ mộng với những nhân vật cổ tích; tỷ như đọc truyện hạt lúa thần thì giận cái người đàn bà đểnh đoảng đã dám dùng chổi đập vào hạt lúa thần khổng lồ đang lăn vào nhà khiến hạt lúa vỡ ra hàng nghìn mảnh, để bây giờ muốn có thóc lúa thì người nông dân phải cày cấy cực khổ mà hạt lúa thì bé xíu…

Truyện tranh cũng vậy, đọc Tây du ký thì mơ màng chuyện Tôn Ngộ Không đằng vân giá vũ, ăn trộm đào tiên, đại náo Thiên cung… và cũng chê cái ông Tam Tạng sao mà ngây ngô quá, để cho lũ yêu quái lừa phỉnh bao nhiêu lần suýt mất mạng; còn đọc truyện tranh Charlot thì cứ vừa cười với anh hề thông minh, láu cá lại vừa tội nghiệp cho thân phận một kẻ ma cà bông lang thang, vất vưởng, bị “phú lít” (cảnh sát) rượt bắt hoài…

Còn truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết? Tôi tạm phân biệt truyện dài và tiểu thuyết là bởi hồi ấy, không hiểu tại sao nhiều người lớn cứ đe nẹt, cảnh báo: “Đừng có đọc cái thứ tiểu thuyết ba xu!”. “Ba xu” là sao – lúc ấy tôi chẳng rõ, chỉ lờ mờ đoán rằng đó là loại truyện bậy bạ, trẻ con chớ có mó đến. Nhưng làm sao biết một cuốn sách nào là “tiểu thuyết ba xu”? Thôi thì tạm lánh xa những cuốn sách nhiều chữ, dày cộm, ngoài bìa màu mè có in hình chàng và nàng mà cũng thấy nhiều người lớn hay đọc.

Tuy nhiên, nhiều lúc tình cờ vớ được, hoặc ai đó cho mượn vài cuốn sách đầy những chữ và dày cộm, tôi lại tò mò đọc thử. Và trong số những cuốn sách ấy, may mắn sao, tôi được đọc hai cuốn sách đã lay động tâm trí tôi mạnh mẽ và theo tôi qua bao bước thăng trầm của cuộc đời. Hẳn rất nhiều người, nhiều thế hệ đã từng đọc hoặc nghe nói đến hai cuốn sách tuyệt vời ấy: “Tâm hồn cao thượng” (có người dịch là “Những tâm hồn cao cả”) của nhà văn Ý Edmond de Amicis và “Vô gia đình” (cũng có bản dịch Không gia đình) của nhà văn Pháp Hector Malot.

Với Tâm hồn cao thượng, tôi thật khó quên những mẩu chuyện như chuyện ông Perbôni quý phái nghiêm khắc bắt con mình xin lỗi Betty – con trai người bán than vì đã mắng cậu bé cùng lớp rằng: “Bố mày là đồ bần tiện!” và ông ấy lấy làm hân hạnh được bắt tay người bán than; còn người cha bán than thì cứ tần ngần, do dự, sau đó đưa bàn tay thô ráp vuốt tóc cậu học trò đã mắng con mình. Cũng thật khó quên lời lẽ sâu sắc, vừa nghiêm nghị vừa ôn tồn, tha thiết trong những bức thư của cha An Di gửi cho cậu bé; tỷ như trong thư trách con đã tỏ ra vô lễ với mẹ: “…

Con ơi. Lòng cha vẫn yêu con, vì con là mối hy vọng quý báu nhất của đời cha, nhưng cha thà không con còn hơn là có đứa con ở bạc với mẹ!”. Và trong những “truyện đọc hàng tháng” của thầy giáo, trái tim trẻ thơ cứ thổn thức với hình ảnh cậu bé Mariô nhường một chỗ cuối cùng trên thuyền cứu sinh cho cô bạn Julietta trong một vụ đắm tà u; hoặc câu chuyện cậu bé lưu lạc, nghèo đói, quê ở Pađôva đã ném trả lại tiền cho những người khách ngoại quốc đã nói xấu tổ quốc của mình… Làm sao mà chỉ với những mẩu chuyện thường ngày có thể xảy ra ở bất cứ ngôi trường nào, ở xứ sở nào lại có sức lay động mạnh, hướng tâm trí người đọc đến những vẻ đẹp trong sáng, cao thượng đến vậy? Phải chăng bởi nó được viết bởi một cây bút tài năng, đầy tâm huyết, bao dung; bằng tình yêu đối với con người và niềm tin vào sức mạnh giáo dục.

Từ Tâm hồn cao thượng đến Vô gia đình, tôi vừa hồi hộp vừa thích thú đi theo bước chân của chú bé Rémi cùng người nghệ sĩ già Vitalis và mấy con thú đáng yêu trong gánh hát rong trôi nổi, phiêu bạt qua bao xóm làng, phố xá của nước Pháp, Anh… Đó là hành trình nhiều trắc trở, gian khổ để Rémi tìm lại được gia đình ruột thịt của mình, đồng thời trở thành con người can đảm, tự lập, giàu lòng nhân ái dưới sự dạy bảo, đùm bọc của người thầy Vitalis và rất nhiều người tốt khác trong xã hội. Tính chất phiêu lưu với nhiều tình tiết thắt gút, mở gút bất ngờ đã cuốn hút người đọc, nhất là với thiếu nhi. Nhưng đó chưa phải là tất cả.

Cho đến giờ, tôi vẫn cứ nhớ mãi cảnh chú bé Rémi và bà mẹ nuôi Barberin đau xót như thế nào khi phải bán đi con bò sữa là tài sản đáng giá nhất trong nhà, cảnh Rémi ngồi lặng trên đồi nhìn về phía nhà mình khi bị bán đi cho người chủ gánh hát rong, hoặc cảnh con khỉ JoliCoeur (Lạc Tâm) trước khi chết vì bệnh còn ráng gượng dậy mặc bộ quần áo diễn tuồng lúc nghe tiếng trống từ xa vọng lại… Vô gia đình trở nên bất hủ bởi, cũng như Tâm hồn cao thượng, nó khơi dậy và vun đắp những tình cảm nhân ái, cao thượng; nó nhẹ nhàng dẫn dắt ta hành xử đúng đắn như cách một con người có hiểu biết, lương thiện; nó để lại những hình tượng đẹp một cách trong sáng tự nhiên, không hề cao đạo, khó gần.

Tôi nghĩ, các nhà văn thiếu nhi hẳn sẽ học được rất nhiều điều hay từ các tác giả lớn này.

Thời nay, sách truyện thiếu nhi tràn ngập các hiệu sách xứ ta, nhưng tiếc thay vàng thau lẫn lộn: sách nhảm nhí, “sách đen” trộn lộn với sách hay, sách có giá trị. Cho nên, giả như phải kê ra một danh mục sách hay cần đọc cho con cháu mình thì tôi lập tức ghi ngay hai cuốn sách ấy trong hạng ưu tiên. Hôm rồi, lang thang trong hiệu sách, tôi mừng khi thấy bản dịch Tâm hồn cao thượng và Vô gia đình được in lại thật đẹp (tái bản gần cả chục lần), được bày trang trọng trên kệ sách. Phải vậy thôi, những giá trị văn hóa bao giờ cũng trường tồn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới