Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Những điều cần làm tốt hơn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Những điều cần làm tốt hơn

Tấn Đức

(KTSG) – TPHCM đã trải qua hai tuần giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ để phòng chống dịch Covid-19. Mục tiêu chính quyền thành phố đặt ra cho đợt giãn cách này là kiểm soát ca bệnh F0 trong cộng đồng, mở rộng vùng an toàn. Nhưng mục tiêu này đã không đạt được, buộc lòng thành phố phải gia hạn giãn cách thêm tám ngày nữa.

Nếu nội dung của Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 được thực thi nghiêm túc, sau hơn một tháng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và hai tuần giãn cách theo Chỉ thị 16, chắc hẳn TPHCM và một số tỉnh lân cận đã kiểm soát được dịch bệnh.

Dường như đang có gì đó sai sai trong hoạt động phòng chống dịch.

Cái sai do tất cả người dân không chấp hành nghiêm túc yêu cầu đặt ra trong các Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 thì đã rõ. Nhưng cách các tỉnh, thành phố cũng như các quận, huyện và phường, xã kiểm soát để bảo đảm thực thi các yêu cầu phòng chống dịch hình như còn có chỗ chưa ổn.

Cách làm phổ biến cho đến nay là thiết lập các điểm chốt chặn để kiểm tra, kiểm soát người đi đường, tuần tra kiểm soát người đi tập thể dục ở các công viên và nơi công cộng khác.

Trong tình hình đường phố thưa vắng như hiện nay, khả năng lây nhiễm cho người khác từ những người di chuyển trên đường gần như là không có. Tương tự, việc một số ít người đi bộ trong công viên lây bệnh cho người khác cũng rất thấp.

Nguy cơ lây nhiễm bệnh thực sự là ở các điểm dừng. Đó có thể là nơi dừng chờ đèn xanh, đèn đỏ ở các giao lộ; điểm chốt chặn để kiểm tra giấy tờ; điểm xét nghiệm và trả kết quả xét nghiệm; điểm mua bán hàng hóa như siêu thị, chợ và các điểm còn được mua bán khác…

Mối nguy lây nhiễm lớn nhất là ở ngay chính trong các cộng đồng dân cư, nhất là trong những con hẻm và khu nhà trọ, khu chung cư. Việc phải ở nhà dài ngày khiến cho mỗi người cảm thấy bí bách và thường có nhu cầu giao tiếp và bàn luận với hàng xóm, nên có phần lơ là các biện pháp phòng dịch, ít nhất là cho đến khi ngay chính cộng đồng đó phát hiện ca bệnh.

Bên cạnh đó, mối nguy ngay trong văn phòng các công ty cũng không nhỏ. Việc là đồng nghiệp của nhau khiến cho không ít người có cảm giác an toàn nên lơ là các biện pháp bảo vệ.

Với tình hình như vậy, nếu việc kiểm tra thực thi các yêu cầu phòng chống dịch chỉ, hoặc chủ yếu, tập trung ở các điểm chốt chặn nơi các đầu ngõ, các giao lộ thì e rằng không đủ để bảo đảm hiệu quả. Thay vì như vậy, nên tổ chức các tổ tuần tra, gồm dân phòng và các tình nguyện viên, thường xuyên tuần tra trong các ngõ phố, các điểm bán hàng hóa để bảo đảm thực hiện nghiêm nhà giãn cách với nhà, người giãn cách với người.

Một vấn đề nữa là vấn đề chiến lược tiêm chủng vaccin. Đây là chiếc phao cứu sinh duy nhất có thể giúp Việt Nam kiểm soát được đại dịch Covid-19.

Cho đến ngày 23-7, Việt Nam đã nhận được hơn 11 triệu liều vaccin, nhưng mới có chưa đầy 4,5 triệu liều được tiêm cho người dân. Như vậy, vẫn còn hơn 6,5 triệu liều vaccin nằm trong kho bảo quản. Trong mấy ngày qua, bình quân mỗi ngày Việt Nam chỉ tiêm được trên dưới 100.000 liều. Với tốc độ này thì phải hai tháng nữa mới tiêm được hết số vaccin đã nhận về đến ngày 23-7.

Tốc độ tiêm chủng như vậy là rất chậm, trong khi người dân và doanh nghiệp vẫn đang hàng ngày, hàng giờ mong chờ vaccin. Nếu việc tiêm chủng chậm là có lý do hợp lý, thì Bộ Y tế và các địa phương cũng nên thông tin rõ để người dân được biết.

Một thông tin rất quan trọng nữa mà người dân và doanh nghiệp cũng đang rất mong được biết là kế hoạch tiêm chủng chi tiết và cụ thể. Cho đến nay, Bộ Y tế và một số tỉnh, thành phố đã công bố kế hoạch tiêm chủng với các đối tượng được ưu tiên. Nhưng thông tin về kế hoạch đó vẫn còn rất chung chung. Nếu có được con số cụ thể cùng thời điểm dự kiến được tiêm cho từng phường, xã, từng tổ chức và doanh nghiệp thì tốt nhất.

Ngoài ra, cũng cần sớm đưa vào danh sách ưu tiên tiêm chủng cho người nhà của những người đang ở tuyến đầu phòng chống dịch, bao gồm nhân viên y tế, công an, dân phòng và tình nguyện viên… Đã có không ít nhân viên y tế bị nhiễm bệnh, dù họ đã được tiêm ngừa nhưng người nhà của họ vẫn có nguy cơ bị lây bệnh rất cao. Bộ Y tế cũng đã có đưa ra đề xuất này, nhưng đến ngày 24-7 đó vẫn mới là đề xuất.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới