Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Những điều chưa nói ở Vietinbank

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Những điều chưa nói ở Vietinbank

Hải Lý

Quang cảnh buổi IPO của Vietinbank vào tháng 12-2008. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Ngân hàng Công thương Vietinbank (CTG) chỉ mất sáu tháng rưỡi để chính thức niêm yết trên sàn TPHCM sau thời điểm phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào ngày 25-12-2008. So với các doanh nghiệp lớn khác, quá trình cổ phần hóa và niêm yết của Vietinbank đã diễn ra nhanh hơn nhiều. Điều đó cho thấy nếu thật sự quyết tâm, các cơ quan quản lý và doanh nghiệp hoàn toàn có đủ khả năng và điều kiện để đẩy nhanh công cuộc cải cách doanh nghiệp nhà nước, vốn đang được nhận định là chậm chạp.

Cùng với sự đi nhanh trên đường đua chuyển thành ngân hàng cổ phần, Vietinbank đã tạo ra những cuộc tranh luận sôi nổi xung quanh giá khởi điểm IPO 20.000 đồng/cổ phiếu, giá tham chiếu ngày chào sàn 50.000 đồng/cổ phiếu và giá khớp lệnh phiên giao dịch đầu tiên giảm hết biên độ cho phép gần 40.000 đồng/cổ phiếu. Vì sao có sự khác biệt về giá cổ phiếu Vietinbank ở những thời điểm gần nhau đó? Đấy chính là những điều chưa nói về ngân hàng này.

Vốn điều lệ giảm 2.147 tỉ đồng

Khi IPO vào cuối tháng 12 năm ngoái, Vietinbank công bố vốn điều lệ của ngân hàng là 13.400 tỉ đồng. Số cổ phiếu bán ra cho công chúng là 53,6 triệu, tương đương 4% vốn điều lệ. Số cổ phiếu dự kiến bán cho cán bộ công nhân viên theo giá ưu đãi giảm 40% so với giá đấu giá bình quân thành công là 22,78 triệu, chiếm 1,7% vốn điều lệ. Công đoàn của Vietinbank đăng ký mua 13,4 triệu cổ phiếu, tức 1% vốn điều lệ (số lượng thực công đoàn mua sau đó là 26,8 triệu cổ phiếu, tăng gấp đôi lượng đăng ký ban đầu). Dự kiến 10% vốn điều lệ của ngân hàng sẽ được dành bán cho đối tác chiến lược nước ngoài.

Thế nhưng trước ngày niêm yết một tuần, Vietinbank bất ngờ công bố vốn điều lệ mới chỉ có 11.253 tỉ đồng, giảm 2.147 tỉ đồng so với vốn điều lệ khi IPO, trong đó phần vốn của Nhà nước là 10.040 tỉ đồng. Trong báo cáo vốn chủ sở hữu hợp nhất của Vietinbank công khai cho giới đầu tư, Công ty Kiểm toán Ernst & Young đã lưu ý đến vấn đề này.

Theo quyết định ngày 23-9-2008 của Chính phủ, phần vốn nhà nước góp vào vốn điều lệ của Vietinbank được tính tại thời điểm 31-12-2007. Song, đến ngày 2-7-2009, một ngày trước khi Vietinbank chuyển thành tổ chức tín dụng cổ phần, phần phát sinh tăng cho phần vốn nhà nước lên tới 2.985 tỉ đồng. Số này đã không được đưa vào vốn nhà nước tại ngân hàng. Nó vẫn được phản ánh và theo dõi trong sổ sách của Vietinbank, nhưng xử lý như thế nào thì còn bỏ ngỏ.

Số tiền chênh lệch 2.985 tỉ đồng chủ yếu nằm ở các quỹ dự trữ, quỹ khen thưởng phúc lợi và lợi nhuận để lại của Vietinbank. Theo bản cáo bạch niêm yết, cuối năm 2009 và 2010 Vietinbank sẽ tăng vốn điều lệ thêm 1.000 và 1.400 tỉ đồng tương ứng, mà nguồn là từ lợi nhuận để lại và các quỹ. Chưa biết 1.000 và 1.400 tỉ đồng vốn điều lệ tăng thêm này có được phân chia đều cho các cổ đông theo tỷ lệ cổ phiếu nắm giữ hay chỉ cho cổ đông nhà nước? Có lẽ là cho cổ đông nhà nước, bởi Vietinbank hoạch định riêng phần phát hành cho cổ đông trong nước và đối tác chiến lược từng năm riêng biệt, như năm 2010 là 3.750 tỉ đồng. Dù sao việc giảm một phần khá lớn vốn điều lệ ngay trước ngày niêm yết đã khiến cho các chỉ số tài chính như lợi nhuận trên vốn, trên doanh thu… của ngân hàng được cải thiện đáng kể và làm gia tăng tính hấp dẫn của cổ phiếu Vietinbank đối với nhà đầu tư.

Chênh lệch lợi nhuận quí 1-2009 trước và sau thuế

Bản cáo bạch cho thấy lợi nhuận trước thuế năm 2008 của Vietinbank là 2.436 tỉ đồng, sau thuế 1.804 tỉ đồng. Sang quí 1-2009 lợi nhuận cả trước và sau thuế đều tăng vọt tương ứng 1.206 và 1.204,6 tỉ đồng. Mức lợi nhuận này tỏ ra hấp dẫn so với nhiều tổ chức tín dụng khác. Tuy nhiên thực tế lại không phải vậy.

Sự tăng đột biến của lợi nhuận quí 1-2009 là do Vietinbank chưa hạch toán các khoản chi phí. Cụ thể ngân hàng chưa trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cho dư nợ đến 31-3-2009 (thông thường các ngân hàng khá tích cực trích dự phòng rủi ro. Có ngân hàng đã trích cho cả năm ngay từ cuối quí 1 và lợi nhuận trước thuế mà họ công bố đều là lợi nhuận sau khi trích dự phòng rủi ro – NV), mà nếu trích sẽ là 176 tỉ đồng; chưa hạch toán thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp là 102 tỉ đồng.

Đáng nói nhất là Vietinbank mới hạch toán chi phí tiền lương ba tháng đầu năm nay ở mức rất thấp. Nếu hạch toán đầy đủ thì ngân hàng phải trích thêm 307 tỉ đồng. Ở đây, cần nhấn mạnh là mức lương bình quân của Vietinbank tăng ấn tượng trong vòng ba năm qua. Năm 2006 lương bình quân là 5,5 triệu đồng/người/tháng, năm 2007 là 8,37 triệu và năm 2008 nhảy lên 11,27 triệu đồng/người/tháng.

Như vậy, nếu tính đủ các khoản chi phí, lợi nhuận sau thuế quí 1-2009 của Vietinbank còn 619 tỉ đồng, bằng 34,3% lợi nhuận năm trước. Rõ ràng là có khoảng cách giữa mức công bố 1.204,6 và 619 tỉ đồng thực tế. Trong trường hợp Vietinbank phân bổ những khoản chi phí trên vào quí 2, thì lợi nhuận quí 2 sẽ chẳng còn bao nhiêu. Điểm này không thấy được nhắc đến trong các buổi roadshow với giới đầu tư trước ngày Vietinbank lên sàn.

Câu hỏi thị phần vốn huy động

Vietinbank là một trong những tổ chức tín dụng quốc doanh chủ lực của Việt Nam và việc ngân hàng này chiếm một thị phần lớn của “chiếc bánh” kinh doanh tiền tệ là điều không khó hình dung. Năm 2008 thị phần cho vay của Vietinbank là 11,6% toàn thị trường. Ngân hàng chiếm thị phần 8,46% tài trợ thương mại nhập khẩu; 7,94% tài trợ thương mại xuất khẩu.

Riêng về thị phần vốn huy động, Vietinbank không công bố số liệu. Trong khi đối với lĩnh vực tài chính, thị phần huy động mới là quan trọng, nó thể hiện khả năng cạnh tranh và mức độ tin tưởng của khách hàng vào ngân hàng. Số liệu chúng tôi có được cho thấy tốc độ tăng trưởng vốn huy động của Vietinbank gần đây đang giảm mạnh, từ 19,5% năm 2007 xuống 9,6% năm 2008.

Ba tháng đầu năm nay số dư tiền gửi của khách hàng tại ngân hàng chỉ tăng 5,5% so với cuối năm ngoái, từ 121.323 lên 128.095 tỉ đồng, tăng 6.772 tỉ đồng. Vietinbank đang phải cạnh tranh quyết liệt với các ngân hàng khác để nâng vốn huy động, đặc biệt là tiết kiệm từ dân cư. Trong cơ cấu vốn huy động của Vietinbank, từ dân cư chiếm 55,6% và từ tổ chức kinh tế chỉ còn 38,5%, từ các nguồn khác 5,9%. Tiền gửi từ các tổ chức kinh tế đang giảm xuống không chỉ là nỗi lo của Vietinbank, mà của chung các ngân hàng nhà nước.     

Sự mất cân đối giữa tăng trưởng vốn huy động và cho vay (tăng trưởng cho vay năm 2007 là 25,3%, năm 2008 là 18,03%, bốn tháng đầu năm nay là 10%, gấp đôi tăng trưởng vốn huy động) đang là một trong những điểm nhấn ngày càng đậm mà Vietinbank phải đối mặt nếu nhìn vào cơ cấu lợi nhuận của ngân hàng.

Năm ngoái phần lớn lợi nhuận ngân hàng từ mảng tín dụng. Lợi nhuận từ mảng dịch vụ của Vietinbank khá hẹp. Vietinbank không phải là một đơn vị có tiếng trong kinh doanh ngoại hối. Trong bốn nghiệp vụ chính của kinh doanh ngoại tệ là giao ngay, kỳ hạn, hoán đổi, quyền chọn, Vietinbank chưa triển khai giao dịch quyền chọn. Hoạt động tự doanh ngoại hối của ngân hàng khá sơ khai với doanh số không hơn 100 triệu đô la Mỹ/tháng. Tỷ trọng lợi nhuận từ dịch vụ của Vietinbank thấp hơn nhiều so với ngay cả những tổ chức tín dụng cổ phần lớn. Vietinbank, do đó, còn một chặng đường dài phải đi trên con đường đa dạng hóa hoạt động!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới