Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Những điều trông thấy mà… chưa ấm lòng!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Những điều trông thấy mà… chưa ấm lòng!

Trang Quan Sen

(TBKTSG) – Trong chuyến về nước lần này, tôi lần dò mua được một vé xem chương trình biểu diễn của một nữ nghệ sĩ dương cầm trẻ tại Nhạc viện TPHCM. Theo chương trình, đêm nhạc sẽ bắt đầu vào lúc 20 giờ. Tôi vào trong tìm chỗ ngồi của mình trước đó 10 phút.

Người xem đến càng lúc càng đông. Họ bước vào khán phòng trong im lặng, trật tự, không ồn ào, chen lấn như tôi đã từng thấy ở vài buổi trình diễn ca nhạc khác. Chỉ tiếc là những vòng hoa to lớn với băng-rôn ghi tên các công ty, tổ chức gửi tặng được đặt không chỉ ở bên ngoài hành lang, cửa ra vào khán phòng mà còn đưa cả lên sân khấu, “đập” ngay vào mắt khán giả. Tôi tự hỏi những vòng hoa này thật sự nhằm tặng nghệ sĩ hay để quảng cáo(?). Tôi không phủ nhận thiện chí của người tặng hoa, nhưng màu hoa lòe loẹt không phù hợp với một sân khấu cần trang nhã của buổi trình diễn dương cầm.

Giờ diễn đã đến vẫn không thấy động tĩnh gì. Không rõ ban tổ chức còn phải chờ ai đó hay muốn cho khán giả đợi thêm để tăng sự quan trọng của buổi trình diễn – như một khán thính giả ngồi gần than thở. Mãi rồi buổi diễn cũng được… bắt đầu, trễ đến 20 phút!

Một chương trình biểu diễn khá ấn tượng với những dòng nhạc đa dạng, từ cổ điển, lãng mạn, đến các điệu nhạc dân gian, gây nhiều cảm hứng cho người nghe. Một chương trình biểu diễn có thể nói là thành công mỹ mãn nếu khán giả không gặp phải một số “điều trông thấy” không mấy dễ chịu.

Trước nhất, người nghe đã không được nghe trực tiếp âm thanh từ tiếng đàn dương cầm do các nghệ sĩ thực hiện. Không rõ vì nguyên nhân nào mà ban tổ chức phải dùng kỹ thuật khuếch đại âm thanh tiếng đàn. Bộ loa một mặt làm chói tai những người ngồi gần nó, mặt khác làm âm thanh phát ra từ tiếng đàn piano mất đi tính trung thực. Tại châu Âu, phòng nghe nhạc lớn và cao hơn thính phòng của Nhạc viện TPHCM nhiều, nhưng chưa bao giờ người ta dùng micro và loa để tăng cường độ tiếng đàn.

Khi mua vé vào nghe nhạc, nhất là nhạc cổ điển, người nghe muốn được tĩnh lặng để thưởng thức âm nhạc, do vậy mọi cử động và tiếng động trong phòng nhạc cần giới hạn. Nhưng có lẽ buổi trình diễn này không chỉ dành cho người nghe mà còn cho cả đoàn quay phim. Hai ba máy quay phim cồng kềnh (cùng với người quay) đặt ngay giữa đường đi và cả trên sân khấu, vừa mất thẩm mỹ, mất vẻ hài hòa của không gian hòa nhạc, và khán giả không khỏi bị chi phối. Nếu ban tổ chức cảm thấy cần ghi lại hình ảnh thì ít nhất cũng nên đặt máy quay khéo léo để khán giả không bị phiền.

Tặng hoa là một biểu hiện tốt của khán giả muốn bày tỏ sự hâm mộ, yêu mến của mình đến với người nghệ sĩ, thế nhưng cũng cần tặng đúng lúc, đúng hoàn cảnh. Ở đây, khi tiếng đàn vừa dứt, các nghệ sĩ chưa kịp chào khán giả thì đã có một số khán giả “nhào lên” sân khấu tranh nhau tặng hoa cho nghệ sĩ, tưởng chừng như họ đã chực chờ sẵn cho giây phút này. Nghệ sĩ buộc phải quay về phía họ thay vì bày tỏ sự cám ơn đối với hàng trăm khán giả đang vỗ tay tán thưởng. Ðối với người nghệ sĩ, việc vỗ tay tán thưởng liên tục nhiều lần của hàng trăm khán thính giả quan trọng hơn rất nhiều lần so với tặng… vài chục bó hoa!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới