Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Những đôi mắt Ấn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Những đôi mắt Ấn

Đoàn Khắc Xuyên

Đôi mắt bé gái ăn xin với chiếc trống bên ngoài một khách sạn ở Kushinagar. Ảnh: Đoàn Khắc Xuyên.

(TBKTSG) – Những đôi mắt ám ảnh mà tôi đã gặp, kể cả của cô gái trẻ da trắng mà tôi đã gặp giữa một màn hương khói tại Lâm Tỳ Ny, đã tìm ra con đường giải thoát của mình chưa? Những khách hành hương từ nhiều quốc gia đến nườm nượp ở Bồ Đề Đạo Tràng, ở Lộc Uyển, ở núi Linh Thứu, ở Lâm Tỳ Ny đã tìm ra con đường giải thoát của mình chưa?

Từ đường phố thủ đô Delhi đến Agra, thành phố du lịch xinh xắn với pháo đài Đỏ và đền Taj Mahal nổi tiếng; từ đoạn sông Hằng ở Varanasi (Ba La Nại hay Benares theo phương Tây), nơi mà người ta thiêu xác người chết trên bờ và tắm mình trong dòng nước thiêng ngay cạnh đấy, đến Kushinagar (Câu Thi Na), nơi Phật nhập niết bàn; từ con đường dẫn lên đỉnh núi Linh Thứu, nơi Phật giảng Diệu pháp liên hoa kinh, đến Bodhgaya (Bồ Đề Đạo Tràng), nơi Phật thành đạo, rồi Rajgir (thành Vương Xá cũ) và Sravasti (thành Xá Vệ cũ), những địa danh phần lớn gắn liền với cuộc đời hành đạo và truyền bá đạo pháp của Đức Phật hơn 2.500 năm trước, đâu đâu tôi cũng bắt gặp những đôi mắt ấy.

Những đôi mắt ấy lúc nào cũng vây lấy tôi, ám ảnh tôi trong suốt hành trình từ Delhi qua hai bang Bắc Ấn là Uttar Pradesh và Bihar đến Lumbini (Lâm Tỳ Ny), nơi Phật ra đời, nay thuộc đất Nepal.

Những đôi mắt to, đen nằm ẩn trong những hốc mắt sâu, gợi lên cho tôi, người lần đầu tiên tiếp xúc với con người và đất nước Ấn Độ, cả một trời bí ẩn, hơn thế, còn là huyền bí, đôi khi thần bí nơi những người mà theo cách ăn mặc và dáng vẻ bên ngoài tôi đoán là những đạo sĩ.

Những đạo sĩ mà tôi đã gặp trên bến sông Hằng buổi sáng tờ mờ sương, lúc người ta bắt đầu đổ đến đây để đón bình minh trên sông Hằng, hay vị đạo sĩ mà tôi thấy ngồi ung dung tự tại trên chiếc ghế đá bên đường lên đỉnh Linh Thứu.

Những đôi mắt khiến người ta liên tưởng đến đôi mắt Tagore và những vần thơ thâm trầm, minh triết của ông. “Cõi đời ơi, khi tôi đã chết rồi / thì trong cõi vắng lặng của ngươi / chỉ một lời này còn lại: / “Tôi đã từng yêu”, hoặc: “Rằng tôi tin ở tình yêu của con Người / Đó là lời nói cuối cùng của tôi”. (Những con chim bay lạc, bài 277 và bài 325 – Đào Xuân Quý dịch).

Nhưng, cũng những đôi mắt to, đen, ám ảnh như nhau ấy, dường như mỗi đôi mắt lại nói với tôi một điều khác nhau, kể cho tôi một câu chuyện khác nhau. Này là đôi mắt lanh lợi của em bé gái nhào lộn làm xiếc bên ngoài một nhà hàng ở Delhi để xin khách mấy rupee hay cô bé bán hoa và đèn cho du khách đi thuyền mua thả xuống sông Hằng trong tiếng rì rầm cầu nguyện trong khi chờ ngắm mặt trời mọc đỏ rực trên sông.

Này là đôi mắt cầu khẩn của bé gái ăn xin đứng ngoài hàng rào khách sạn ở Kushinagar, vừa nhìn đăm đăm vào trong sân khách sạn vừa vỗ trống và miệng hát “Thích Ca Mâu Ni Phật” bằng tiếng Ấn với cái giọng mà tôi không thể nào quên: một chút khàn nhưng sâu, da diết. Này là đôi mắt trông khá tinh anh của một phụ nữ ăn xin còn trẻ, với đứa con nhỏ và cái đàn đặt dưới đất, hát một bài hát mà tôi không rõ nghĩa, bên ngoài di tích Kỳ viên tịnh xá ở Sravasti. Này là những đôi mắt âm u, nhẫn nhục và những bàn tay khô đen chìa ra xin bố thí của những phụ nữ lớn tuổi và những bé gái gầy guộc ngồi dọc bên đường dẫn lên đỉnh núi Linh Thứu.

Và này là cặp mắt to, đen, ngời sáng của một chàng rể mà đám cưới được tổ chức linh đình, sang trọng với cả một đám rước và những đợt bắn pháo hoa ngoài đường trước khi tiến vào trong một khách sạn ở Varanasi mà nghe nói gia đình cô dâu chú rể đã bao hết tất cả các phòng, trừ mấy phòng của đoàn chúng tôi, cho khách dự đám cưới ở qua đêm.

Đôi mắt của một thiếu phụ đài các trong pháo đài Đỏ. Ảnh: Đoàn Khắc Xuyên.

Và này nữa, cặp mắt vừa ngời sáng vừa sâu kín của những phụ nữ dáng vẻ thượng lưu, đài các mà tôi đã gặp ở pháo đài Đỏ, ở đền Taj Mahal – những cặp mắt và dáng dấp làm tôi nhớ đến tượng nữ thần Lakshmi kiều diễm trong đền thờ Ấn giáo Lakshmi – Narayan ở Delhi mà tôi đã đến thăm vào một buổi chiều, hay những tượng thần và nữ thần tuyệt đẹp khác trong Bảo tàng quốc gia Ấn Độ ở New Delhi, bảo tàng khảo cổ học ở Sarnath (Lộc Uyển). Đôi mắt của Mumtaz Mahal, hoàng hậu yêu dấu của vua Shah Jehan mà vì nàng, ông đã cho xây dựng nên bài thơ kiến trúc mang tên nàng, liệu có thể đẹp hơn, hút hồn hơn những đôi mắt tôi vừa thấy không? Có thể, nếu không chưa chắc đã có Taj Mahal…

Nhưng phải, những đôi mắt thoạt nhìn vẻ ngoài giống nhau ấy hẳn là có số phận khác nhau, tùy vào đẳng cấp của họ trong xã hội Ấn. Cũng giống như vào buổi chiều trời sắp tắt nắng ấy, khi đoàn du khách chúng tôi vừa rời đền Lakshmi, bỏ lại sau lưng ngôi đền tráng lệ với tượng nữ thần và những trai thanh gái lịch đến thăm đền để cầu xin hạnh phúc, thì một thanh niên ăn xin đuổi theo chúng tôi từ bên này đường sang phía bên kia đường, qua hầm chui có bậc thang lên xuống khá dốc, nhưng không phải trên đôi chân mà bò dưới đất, rất nhanh, bằng cả đôi chân tàn tật và hai tay, cho đến khi anh được người ta bố thí. Cảnh tượng làm ta xốn xang không chịu đựng nổi.

Và đó là sự tương phản, sự đối nghịch không che giấu trong xã hội Ấn. Ở đó, bên cạnh những đền đài tráng lệ, nguy nga khiến người ta sững sờ như Taj Mahal hay pháo đài Đỏ, như những công trình hiện đại và sang trọng khác; hoặc bên ngoài những di tích lịch sử, tôn giáo được gìn giữ, chăm sóc rất sạch sẽ, tươm tất, cẩn thận như di tích Nalanda, đại học đầu tiên của Phật giáo, hay cột đá vua Asoka (A Dục) ở Vaishaly (Tỳ Xá Ly)… là những cảnh tượng khốn khổ và dơ bẩn cũng phô bày ra đấy. Như cảnh tượng và mùi xú uế nồng nặc mà tôi đã trải qua ở ga Delhi, ga Varanasi hay ga Lucknow, thủ phủ bang Uttar Pradesh.

Lẽ đương nhiên, sự cách biệt giữa sang trọng và nghèo hèn, xa hoa và khốn khổ, dư dật và thiếu đói ở đâu chẳng có. Nhưng ở đây, sự cách biệt, sự tương phản xã hội phơi bày ra lồ lộ, vậy mà dường như nó không dẫn đến sự đối đầu gay gắt, đến thù hận và bạo lực một còn một mất. Bạo lực và thù hận có đấy, nhưng là giữa những ông vua ham chinh phạt hay là trong những âm mưu lật đổ cung đình ngay cả giữa con và cha của những vương triều xa xưa trong quá khứ, như chuyện của A Xà Thế và vua cha Tần Bà Sa La, Aurangzeb và vua cha Shah Jahan. Hoặc là giữa các sắc tộc và các lực lượng tôn giáo quá khích trong cái tiểu lục địa bao la này.

Nhưng dường như với sự cách biệt giữa các đẳng cấp trong xã hội Ấn, người ta nếu không vui vẻ thì cũng đành lòng nhận lấy kiếp phận của mình, và tìm kiếm con đường giải thoát riêng khỏi kiếp trầm luân, nếu cái nghiệp của mình là thế. Phải chăng vì vậy mà Ấn Độ là mảnh đất khởi nguồn của nhiều tôn giáo?

Cô gái da trắng giữa màn hương khói ở Lâm Tỳ Ny. Ảnh: Đoàn Khắc Xuyên.

Cái bể khổ của kiếp người, không chỉ do sinh bệnh lão tử mà còn do kiếp phận xã hội và dục vọng con người mang lại, chắc thời nào cũng thế, có lẽ chỉ khác ở quy mô và cách thức biểu hiện. Cái bể khổ mà Thái tử Tất Đạt Đa hơn 2.500 năm trước đã nhận ra bên ngoài cung thành Ca Tỳ La Vệ, ngày nay vẫn bày nhan nhản ra đó trước mắt chúng ta. Và chắc sẽ còn như thế không biết đến bao giờ. Và con người sẽ vẫn cứ mãi đi tìm con đường giải thoát.

Những đôi mắt ám ảnh mà tôi đã gặp, kể cả của cô gái trẻ da trắng mà tôi đã gặp giữa một màn hương khói tại Lâm Tỳ Ny, đã tìm ra con đường giải thoát của mình chưa? Những khách hành hương từ nhiều quốc gia đến nườm nượp ở Bồ Đề Đạo Tràng, ở Lộc Uyển, ở núi Linh Thứu, ở Lâm Tỳ Ny đã tìm ra con đường giải thoát của mình chưa? Còn tôi, kẻ không biết gì về Phật và không mong được “thấy Phật” (*) mà chỉ mong có thêm tí hiểu biết, tôi bỗng nhận ra, sau tất cả những “âm thanh và cuồng nộ” (**) xã hội và lịch sử, con người sẽ lại phải quay trở lại đối diện với chính mình và với… Trời xanh.

_____________________________________

(*) Tựa sách của Cao Huy Thuần.

(**) Tựa một tiểu thuyết của William Faulkner.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới